Nghị quyết nêu rõ, sau 20 năm thực hiện Nghị quyết TW 5 khóa IX về tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của kinh tế tập thể, các HTX đã cơ bản hoàn thành việc chuyển đổi mô hình HTX kiểu mới theo quy định của pháp luật, từ đó góp phần xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội, từng bước khẳng định vai trò, vị trí trong nền kinh tế quốc dân.
Tuy số lượng HTX tăng hàng năm nhưng số lượng thành viên bình quân trong HTX có xu hướng giảm. Hiệu quả hoạt động của HTX chưa cao, liên kết còn lỏng lẻo. Hoạt động liên kết giữa HTX với các tổ chức kinh tế khác chưa phổ biến.
Nguyên nhân của tình trạng trên là do khung khổ pháp lý, trong đó có Luật HTX năm 2012 còn nhiều vướng mắc, chậm sửa đổi. Các chính sách hỗ trợ HTX nhiều nhưng dàn trải, chủ yếu là lồng ghép, thiếu tập trung, thiếu nguồn lực, chưa thống nhất hoặc không khả thi. Đánh giá về đóng góp của HTX cho nền kinh tế còn chưa đầy đủ dẫn đến hạ thấp vị trí, vai trò của khu vực kinh tế tập thể trong nền kinh tế quốc dân.
Phát triển HTX sẽ thúc đẩy các chuỗi giá trị bền vững. |
Nghị quyết số 20-NQ/TW, Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới nêu rõ: Thực chất, kinh tế tập thể thể là một thành phần kinh tế quan trọng nên cần phải được củng cố và phát triển cùng với kinh tế nhà nước trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân. Phát triển kinh tế tập thể là xu hướng tất yếu trong bối cảnh hội nhập và phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Kinh tế tập thể lấy lợi ích kinh tế làm trọng tâm, trong đó có lợi ích của thành viên, tập thể, Nhà nước đồng thời coi trọng lợi ích chính trị, văn hóa trên địa bàn, vùng miền trên cả nước. Mô hình kinh tế tập thể phân phối theo mức độ tham gia dịch vụ, theo hiệu quả lao động và theo vốn góp.
Chính vì vậy, phát triển kinh tế tập thể cả về chất lượng và số lượng, trong đó chú trọng chất lượng mô hình kinh tế tập thể nhằm bảo đảm sự hài hòa trong các ngành, lĩnh vực, địa bàn. Kinh tế tập thể phát triển sẽ thúc đẩy các chuỗi giá trị, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, góp phần thúc đẩy kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức.
Mục tiêu của Chính phủ là đến năm 2030, cả nước có khoảng 140.000 tổ hợp tác, 45.000 HTX, 340 liên hiệp HTX. Bảo đảm trên 60% tổ chức kinh tế tập thể đạt loại khá, tốt, trong đó ít nhất 50% thực hiện liên kết theo chuỗi giá trị. Có trên 5.000 HTX ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất tiêu thụ nông sản…
Đi cùng với đó là phấn đấu đến năm 2045, thu hút tối thiểu 20% dân số tham gia các tổ chức kinh tế tập thể, trên 90% hoạt động hiệu quả và có ít nhất 3 HTX nằm trong bảng xếp hạng top 300 hợp tác xã của Liên minh HTX quốc tế- ICA. Các tổ chức kinh tế tập thể đều ứng dụng công nghệ, nhất là chuyển đổi số vào hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ.
Để làm được điều này, cần nhận thức đúng về bản chất, vai trò, vị trí và tầm quan trọng của kinh tế tập thể trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Quan trọng hơn là cần tiếp tục đổi mới, hoàn thiện cơ chế chính sách khuyến khích phát triển kinh tế tập thể phát triển cụ thể là chính sách phát triển nguồn nhân lực, chính sách đất đai, tín dụng, khoa học-công nghệ;chính sách hỗ trợ thông tin kinh tế, nghiên cứu và tiếp thị thị trường; chính sách đầu tư kết cấu hạ tầng, chính sách bảo hiểm xã hội…
Để kinh tế tập thể phát triển, cũng cần khẩn trường sửa đổi, bổ sung Luật HTX năm 2012 và các quy định liên quan đến kinh tế tập thể, HTX. Nghị quyết số 20-NQ/TW, Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới nêu rõ, trong quá trình chờ sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật về kinh tế tập thể, cần tiến hành triển khai nội dung thí điểm của Nghị quyết khác với quy định hiện hành nhằm tạo điều kiện cho HTX, liên hiệp HTX, tổ hợp tác phát triển.
Chi tiết Nghi quyet 20
Huyền Trang