Ðể triển khai, Huyện ủy Mường Khương xác định bốn đề án lớn, trong đó trọng tâm là xóa nghèo bền vững; then chốt là nâng cao năng lực lãnh đạo tổ chức cơ sở đảng và chất lượng cán bộ, đảng viên.
Vẫn còn nhiều khó khăn
Theo Bí thư Huyện ủy Mường Khương Giàng Quốc Hưng, qua hơn một năm triển khai với những kết quả tích cực đã khẳng định mục tiêu, giải pháp thoát nghèo bền vững mà Nghị quyết Ðảng bộ huyện Mường Khương nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra là đúng hướng. Nhưng thực tiễn triển khai cũng đặt ra vô vàn khó khăn, thách thức bởi xuất phát điểm là huyện nghèo, nguồn lực thiếu, lại luôn chịu ảnh hưởng thiên tai, dịch bệnh…
Hiệu quả từ cây ớt ở huyện Mường Khương. |
Ðể vượt qua thách thức, đòi hỏi quyết tâm cao của cả Ðảng bộ mà vai trò quan trọng là năng lực lãnh đạo của tổ chức Đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, Đảng viên. Nhiệm kỳ 2020 - 2025, công tác xây dựng Ðảng có nhiều đổi mới, trọng tâm là hướng về cơ sở, tập trung khắc phục hạn chế, yếu kém trong xây dựng hệ thống chính trị và đội ngũ cán bộ ở cơ sở, nơi trực tiếp triển khai nghị quyết của Ðảng vào cuộc sống, đến với người dân.
Triển khai Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Huyện ủy chỉ đạo sát sao các ngành chức năng tập trung vào mục tiêu phối hợp xây dựng nhãn hiệu hàng hóa và kêu gọi doanh nghiệp đầu tư nhà máy chế biến nông sản. Sau cây chuối của huyện được cấp giấy chứng nhận sản phẩm chung trong thương hiệu "Chuối Lào Cai" vào cuối năm 2019 thì sang năm 2020, Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ đã cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu sản phẩm cho cây "Dứa Mường Khương".
Từ việc trồng phân tán, đến nay huyện Mường Khương đã trở thành vùng sản xuất dứa nguyên liệu với diện tích hơn 775 ha. Sản phẩm từ cây "Dứa Mường Khương" đã có mặt tại các thị trường khó tính như EU, Nga, Mỹ… Điều này góp phần nâng cao thu nhập cho đồng bào DTTS trong huyện.
Với hướng đi và tầm nhìn mới, tháng 1/2021, Huyện ủy xây dựng, triển khai Ðề án cơ cấu lại kinh tế nông, lâm nghiệp, xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2020 - 2025. Trong đó, dồn sức cơ cấu lại các vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng đáp ứng tiêu chuẩn và nhu cầu thị trường, nhất là thị trường xuất khẩu trên cơ sở khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của từng vùng, từng khu vực.
Chờ sự đột phá
Có thể nói, huyện Mường Khương đang hướng đến mục tiêu xây dựng một nền nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn mới phát triển. Với các giải pháp đột phá, Mường Khương nỗ lực hoàn thành mục tiêu vượt qua diện nghèo, trở thành huyện khá của tỉnh vào năm 2030 mà Nghị quyết Ðảng bộ huyện đặt ra.
Ông Trịnh Xuân Trường, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai cho biết, huyện Mường Khương là huyện nghèo nhưng 5-10 năm tới, địa phương sẽ có sự bứt phá, bởi có nhiều dư địa để phát triển. Đặc biệt, Mường Khương đã hình thành vùng nông sản hàng hóa đặc sắc, phong phú, thu nhập của người dân, đặc biệt là đồng bào DTTS từ nông nghiệp ngày càng tăng.
Huyện Mường Khương (Lào Cai) đặt mục tiêu vượt qua diện nghèo, đến năm 2030 trở thành địa phương khá của tỉnh. |
Theo đó, Ban thường vụ Huyện uỷ Mường Khương cần có những giải pháp cụ thể, sát thực tế. Đặc biệt, tiếp tục thu hút đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến nông sản, đảm bảo đầu ra ổn định cho nông sản, đảm bảo đầu ra ổn định cho nông sản gắn với giải quyết việc làm, tạo thu nhập ổn định cho người nông dân, cụ thể là đồng bào DTTS. Muốn vậy, huyện cần quan tâm, hỗ trợ và kịp thời tháo gỡ khó khăn cho DN.
Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai cho rằng người dân, đồng bào DTTS ở Mường Khương chăm chỉ lao động, tích cực học hỏi đưa các cây trồng về canh tác và mang lại hiệu quả rõ rệt như dứa, chuối, quýt... Do vậy, không thể nói người dân Mường Khương không tích cực lao động mà cần phải quan tâm, đào tạo nghề gắn với tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người dân, đồng bào DTTS.
Theo Bí thư Tỉnh uỷ Lào Cai Đặng Xuân Phong, mặc dù xuất phát điểm nhiều khó khăn nhưng sự chủ động, sát sao trong công tác lãnh đạo, đặt ra những mục tiêu cụ thể, sát thực tế đang mở ra nhiều triển vọng phát triển cho Mường Khương.
Bí thư Tỉnh uỷ Lào Cai nhấn mạnh, với 85% diện tích đồi núi nên Mường Khương phải quan tâm đầu tư phát triển kinh tế nông - lâm nghiệp, coi đây là chiến lược, dù thời gian kéo dài nhưng đó là phương kế bền vững cho đồng bào DTTS. Tiếp tục tập trung phát triển vùng nguyên liệu gắn với chế biến, thực tế chuỗi liên kết sản xuất chè, dứa, chuối đang là câu trả lời thuyết phục.
"Với cách làm chủ động, sát sao và đưa ra những mục tiêu cụ thể, tôi tin rằng Mường Khương sẽ tạo đột phá trong thời gian tới", ông Phong nhấn mạnh.
Thy Lê