Được kết nối bởi Liên minh HTX hai tỉnh Ninh Bình và Bắc Giang, hội nghị “Kết nối cung cầu sản phẩm HTX khu vực phía Bắc năm 2022", thu hút sự tham gia của đại diện 18 Liên minh HTX tỉnh, được ví như một “hội nghị diên hồng” hướng tới mục tiêu xây dựng mạng lưới tiêu thụ rộng lớn và bền vững.
Đẩy mạnh kết nối cung cầu
Thực tế cho thấy, 100% các tỉnh thành trên cả nước hiện đầu đã xây dựng được nhiều HTX điển hình, với các sản phẩm chất lượng cao, có đầy đủ tem nhãn, bao bì, mã vạch truy xuất nguồn gốc và được người tiêu dùng đánh giá cao, trở thành đối tác tin cậy của những nhà bán lẻ hàng đầu.
Về dài hạn, trong thời gian tới, xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu cũng là một trong 3 mũi nhọn sẽ được Liên minh HTX Việt Nam đẩy mạnh nguồn lực thúc đẩy, bên cạnh vấn đề tín dụng hỗ trợ và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho HTX, Liên hiệp HTX và tổ hợp tác.
Hội nghị khai mở nhiều vấn đề trong kết nối cung cầu khu vực HTX. |
Với những kết quả tích cực, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo cho rằng cần xây dựng các chiến lược nhằm tăng cường tổ chức các hội nghị tương tự, nhưng mang một tầm vóc lớn hơn, bao quát hơn. Để làm sao cho vừa tạo được sức lan tỏa mạnh mẽ, vừa mang dấu ấn đặc trưng của khu vực HTX. Điều này đòi hỏi sự đoàn kết, phối hợp toàn diện, thực chất hơn từ Liên minh HTX các tỉnh.
Cũng khẳng định tầm quan trọng của liên kết trong tiêu thụ sản phẩm, ông Nguyễn Đức Hiền, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Bắc Giang, cho hay trong thời gian qua, với nhiều đặc điểm tương đồng trong sản xuất, Liên minh HTX 2 tỉnh Ninh Bình và Bắc Giang đã phối hợp, tham mưu cho tỉnh ban hành và triển khai nhiều chính sách hỗ trợ khu vực kinh tế hợp tác, HTX phát triển toàn diện.
Theo đó, hàng năm Liên minh HTX 2 tỉnh Ninh Bình và Bắc Giang đã hỗ trợ nguồn lực, tư vấn về kế hoạch sản xuất, hỗ trợ xây dựng các tiêu chí, tiêu chuẩn, bộ nhận diện thương hiệu sản phẩm và hỗ trợ các hoạt động xúc tiến thương mại.
Do vậy, các sản phẩm HTX nhất là các sản phẩm nông sản của 2 tỉnh đã dần được khẳng định trên thị trường trong và ngoài tỉnh và đang từng bước xây dựng và hình thành các mô hình HTX sản xuất gắn với chuỗi giá trị, đã xuất hiện một số chuỗi sản phẩm nông sản, thủ công mỹ nghệ… mang lại giá trị hàng hóa cao.
Đồng quan điểm, bà Lê Thị Tâm, Chủ tịch Liên minh HTX Ninh Bình, cho rằng để vấn đề kết nối cung cầu được đẩy mạnh, cần thành lập thêm nhiều các hiệp định liên kết song phương và đa phương giữa các tỉnh thành trên cả nước. Cần thiết có một danh mục sản phẩm chi tiết, rõ ràng của các HTX nhằm tạo đà thông thương giữa các tỉnh thành dễ dàng hơn.
Trong các mối quan hệ liên kết giữa HTX các tỉnh, vai trò đồng hành cùng có lợi của các doanh nghiệp, từ doanh nghiệp vật tư, công nghệ, hay tiêu thụ… là đặc biệt quan trọng. Vì vậy, cần thêm nhiều nguồn lực để HTX đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp, xây dựng các chuỗi giá trị bền vững hơn.
Chìa khóa mở cửa thị trường
Ở góc nhìn của doanh nghiệp tiêu thụ, ông Trịnh Quang Toản, đại diện của chuỗi siêu thị Lotte, cho hay thời gian qua, đơn vị này đã và đang thúc đẩy thương hiệu của HTX và hộ nông dân đến người tiêu dùng. Điển hình như các sản phẩm, mận hậu, quả đào, vải, nhãn, cam canh,… của các HTX tại Sơn La, Hòa Bình, Bắc Giang…
“Trong định hướng phát triển kinh doanh, chúng tôi luôn ưu tiên nhập hàng và bán hàng trực tiếp từ các hộ nông dân và HTX. Giúp người tiêu dùng sử dụng được những sản phẩm tốt nhất của Việt Nam. Nên chúng tôi rất mong được hợp tác và phát triển cùng các HTX”, ông Toản khẳng định.
Tuy nhiên, theo vị đại diện Lotte, trong quá trình nhập hàng và bán hàng tại siêu thị cũng đặt ra một số bài toán cần được giải giữa Lotte mart nói riêng và các hệ thống bán lẻ nói chung với các HTX và hộ nông dân. Đây cũng là bài toán mà đa phần hệ thống siêu thị gặp phải.
Nông sản HTX ngày càng có vị thế, sức cạnh tranh cao hơn nhờ xúc tiến thương mại. |
Đầu tiên là về giấy tờ pháp lý, chứng nhận sản phẩm. Các HTX cần thêm sự hỗ trợ từ các ban ngành liên quan để có thể sớm hoàn thành các thủ tục về giấy tờ pháp lý. Thứ hai, về phương tiện vận chuyển, do khoảng cách địa lý, điều kiện kinh tế nên vấn đề vận chuyển vận còn nhiều khó khăn. Thứ ba là về thanh toán, giữa siêu thị và HTX cần có những phương thức thanh toán đa dạng và hợp lý hơn.
Có thể thấy xúc tiến thương mại có thể coi là vấn đề quyết định thành bại của nông sản HTX trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt. Tuy nhiên, nếu coi kết nối cung cầu là điều kiện cần thì chất lượng, thương hiệu sản phẩm chính là điều kiện đủ. Nghĩa là để được thị trường chấp nhận, nông sản HTX phải làm được điều quan trọng nhất là nâng cao chất lượng, phải sạch hơn và rẻ hơn để gia tăng sức cạnh tranh với các mặt hàng cùng chủng loại.
Để làm được điều này, các chuyên gia cho rằng, các HTX sẽ phải đổi mới tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, tập trung vào giảm chi phí, nâng cao giá trị, hiệu quả, đa dạng theo chuỗi giá trị phù hợp với yêu cầu của thị trường. Chuyển từ phát triển đơn ngành sang tích hợp đa ngành, từ "đơn giá trị" sang "tích hợp đa giá trị"…
Cùng với đó, hướng nông nghiệp xanh, nông nghiệp sinh thái bằng việc áp dụng đồng bộ các quy trình, công nghệ, sử dụng hợp lý, tiết kiệm vật tư đầu vào cho sản xuất nông nghiệp, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên, không gây ảnh hưởng tới môi trường, sức khỏe con người.
Nhiều nghiên cứu chỉ ra thực trạng nông dân đang lãng phí 40-50% phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Vấn đề của nông nghiệp hiện tại là "chi phí cao, chất lượng kém", vì vậy bản thân các HTX cần có giải pháp để đảo ngược lại tình thế theo hướng "giảm chi phí, tăng chất lượng".
Tín hiệu đáng mừng là trong vài năm gần đây, nhiều mô hình HTX đã chứng minh "giảm chi phí, nâng chất lượng" hoàn toàn có thể thực hiện. Nhiều nông dân với sự đồng hành của HTX, nhà khoa học đã giảm được giống xuống chỉ còn 2/3, thậm chí phân nửa so với trước.
Nhiều mô hình sản xuất của HTX đã chủ động chuyển sang sử dụng chế phẩm, phân thuốc sinh học, vật tư đầu vào từ những nguyên liệu, phụ phẩm trồng trọt, chăn nuôi, sẵn có tại địa phương, thân thiện với môi trường… Tuy nhiên, sự lan tỏa những cách làm hiệu quả như vậy còn chậm.
Vì vậy, trong thời gian tới, để lan tỏ mạnh mẽ, hiệu quả hơn, các địa phương cần tạo thêm cơ chế, giúp các HTX hoàn thành mục tiêu tăng lợi nhuận cho thành viên; giảm chi phí đồng thời nâng chất lượng, tăng khả năng cạnh tranh; xây dựng nền nông nghiệp "Xanh - Sinh thái - Bền vững".
Có thể thấy, nông nghiệp truyền thống vì mục tiêu duy nhất là sản lượng. Nông nghiệp hiện đại hướng tới vừa đạt mục tiêu sản lượng và đạt cái còn quan trọng hơn là chất lượng, tức chuyển từ "tư duy sản xuất nông nghiệp" sang "tư duy kinh tế nông nghiệp". Để thành công, các HTX cũng cần tư duy như vậy.
Trong khuôn khổ hội nghị "Kết nối cung cầu sản phẩm HTX khu vực phía Bắc năm 2022", Liên minh HTX và các HTX của hai tỉnh Ninh Bình và Bắc Giang đã ký kết biên bản ghi nhớ đẩy mạnh hợp tác, liên kết, phát triển bền vững, cộng hưởng cùng có lợi. Trước đó, các HTX của Ninh Bình và Bắc Giang đã ký kết và đưa các sản phẩm nông sản chủ lực của 2 tỉnh về trưng bày và tiêu thụ tại Trạm dừng nghỉ Xuân Kiêm thuộc địa phận tỉnh Ninh Bình, trên đường cao tốc Bắc Nam đoạn Cao Bồ-Mai Sơn. |
Hiến Nguyễn