Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất những giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho các HTX, doanh nghiệp vận tải ôtô. Đây được xem là liều thuốc để cứu lấy “cơ thể” các HTX đang bị ốm nặng do tác động của nhiều “ căn bệnh” trong thời gian dài liên tiếp.
Chưa thể phục hồi
Ông Hứa Minh Đức, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Đại Thắng II (Bạc Liêu) cho biết sau đại dịch Covid-19, giá cả xăng, dầu biến động đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của HTX. Xe buýt giảm tần suất chạy xe, một số xe chạy khách tuyến cố định cũng phải bán bớt do kinh doanh không hiệu quả.
Còn đối với các HTX kinh doanh vận tải hàng hóa bằng container cũng gặp nhiều khó khăn khi vận chuyển hàng xuất khẩu sang Trung Quốc. Do thực hiện chính sách Zero Covid, Trung Quốc đóng cửa khẩu hoặc hạn chế nhập khẩu, dẫn đến phương tiện vận chuyển hàng hóa của các HTX bị ứ đọng tại các cửa khẩu, chi phí phát sinh tăng cao.
Trong khi đó, kinh tế trong nước cũng bị ảnh hưởng bởi chiến sự Nga - Ukraine. Hoạt động sản xuất trong nước gặp khó khăn dẫn đến kinh doanh vận tải hàng hóa cũng bị ảnh hưởng do nguồn hàng bị hạn chế, nhiều phương tiện phải đỗ bãi chờ hàng.
Không chỉ những khó khăn trên, nhiều HTX vận tải hành khách còn phải đối mặt với tình trạng bến cóc, xe dù. Ông Bùi Văn Lợi, Giám đốc HTX Vận tải và kinh doanh tổng hợp Tam Kỳ (Quảng Nam), cho biết, HTX có xe khách tuyến cố định đi Đà Nẵng, Đông Hà (Quảng Trị), Kon Tum, Thừa Thiên Huế và xe hợp đồng đi TP.Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, hầu hết các xe của HTX đầu gặp tình trạng chuẩn bị xuất bến đã có các xe dù khác chạy trước để đón khách. Trong khi để phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân, HTX đã không ngừng đầu tư xe chất lượng cao, và cũng có nhiều năm liền chạy các tuyến này.
Tình trạng xe dù bến cóc đang tạo môi trường cạnh tranh bất bình đẳng trong hoạt động vận tải khiến các HTX khó phục hồi kinh doanh. |
Ngoài ra, hiện nay còn có tình trạng xe tiện chuyến, xe ghép khách bắt khách ở rất nhiều nơi hoặc tự lập ra các tụ điểm đón trả khách sai quy định và gom khách của các tuyến cố định,. Điều này gây ảnh hưởng rất lớn đến doanh thu của các HTX làm ăn chân chính. Rất nhiều thành viên tại HTX thuộc các đơn vị vận tải hành khách tuyến cố định, có đăng ký xe ở các bến đang đứng trước nguy cơ vỡ nợ.
Điều đặc biệt là các HTX đăng ký hoạt động đúng theo quy định của Nhà nước phải trả rất nhiều khoản thuế phí như: Phí xuất bến, thuế VAT trên mỗi vé, thuế thu nhập doanh nghiệp…
Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch HĐQT HTX Vận tải Thăng Long (Hà Nội) cho biết, chỉ tính riêng phí hai đầu bến HTX đã mất gần 2 triệu đồng/xe. Chưa kể đến khoản thuế phải nộp hàng tháng là 10% trên mỗi vé xe bán ra. Theo tính toán, chỉ riêng “ăn bớt” được các khoản này, các loại xe hợp đồng trá hình, xe tiện chuyến hay xe grab đã để ra được hàng chục triệu đồng/tháng/xe.
“Điều quan trọng những loại xe này đã tạo ra sự bất bình đẳng trong kinh doanh vận tải, mất trật tự an toàn giao thông, triệt tiêu đường sống của các HTX kinh doanh chân chính khiến HTX càng khó phục hồi”, ông Liên nói.
Tìm niềm tin cho HTX
Có thể thấy, các HTX trong lĩnh vực vận tải đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh, lạm phát, môi trường kinh doanh... khiến tình hình kinh doanh của các HTX vận tải hết sức khó khăn. Trong khi các chính sách hỗ trợ các HTX này chưa thực sự kịp thời và phù hợp với điều kiện thực tiễn.
Theo ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam, cho rằng do ảnh hưởng của tình hình thế giới diễn biến phức tạp, khiến giá xăng dầu liên tục tăng cao. Bên cạnh đó, vận tải hành khách diễn biến phức tạp, tình trạng “xe dù, bến cóc”, xe hợp đồng trá hình chưa được kiểm soát đã khiến cho thị trường vận tải suy giảm, các doanh nghiệp chưa kịp phục hồi đã lại gặp phải những khó khăn mới.
Theo thống kê của Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam, sản lượng của các tuyến cố định đã giảm từ 35-40%, công suất của bến xe giảm từ 18-30%. Nhiều thành viên HTX còn đang có kế hoạch bỏ tuyến và chuyển sang chạy dù nếu như tình trạng này không được giải quyết triệt để.
Trước tình hình này, Hiệp hội Vận tải ôtô kiến nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành chính sách cho phép các HTX vận tải tiếp tục cơ cấu nợ, giãn nợ, không nhảy nhóm đối với tất cả những khoản nợ vay bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 mà đến nay khách hàng vẫn chưa trả được nợ.
Bên cạnh đó, ngân hàng cần tiếp tục tạo điều kiện cho các HTX trong lĩnh vực vận tải được vay vốn để tái đầu tư, phục hồi, mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh nếu có phương án kinh doanh khả thi, kể cả trường hợp HTX đang có những khoản nợ bị quá hạn do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Ông Nguyễn Văn Quyền, cho rằng, các cơ quan chuyên môn cũng cần tiếp tục cho các HTX vận tải được giãn nộp thuế trong năm 2023, trong đó cho phép giãn thời hạn nộp đến ngày 30/9/2023 đối với các khoản thuế đến hạn nộp trong tháng 12/2023.
Nguyên nhân là trước đó, Thông tư 03/2021/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước đã cho phép giãn các khoản nợ, ân hạn nợ gốc, không chuyển nhóm nợ cho HTX, doanh nghiệp vận tải.
Tuy nhiên, các khoản nợ, thời hạn giãn nợ theo Thông tư này chỉ tối đa đến 31/12/2021 là chưa phù hợp. Còn trong thực tế, hoạt động kinh doanh của các HTX, doanh nghiệp vận tải không thể phục hồi kịp trong khoảng thời gian trên, doanh thu không đủ để thanh toán cho các khoản nợ đến hạn, dẫn đến hệ lụy hàng loạt các HTX bị chuyển sang nợ quá hạn nhóm 5 kể từ sau ngày 31/12/2021.
Đồng thời, vì có nợ quá hạn nên HTX không vay được vốn mới để phục hồi hoạt động kinh doanh trong khi nguồn vốn vay từ các ngân hàng hiện đang rất khó khăn. Chính vì vậy, chỉ có gia hạn hỗ trợ thì mới tháo gỡ khó khăn được cho các đơn vị này.
Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý cần tiếp tục giữ nguyên mức thuế giá trị gia tăng 8% như Nghị quyết 43/2022/QH15 và Nghị định 15/2022/NĐ-CP để kích cầu tiêu dùng đến hết năm 2023. Có như vậy, mới có thể thúc đẩy hoạt động vận tải, tạo điều kiện cho các HTX phục hồi.
Các HTX vận tải cũng kiến nghị giảm thuế trước bạ xuống 2% để các đơn vị này có điều kiện đầu tư mới phương tiện để mở rộng kinh doanh, cạnh tranh lành mạnh trên thị trường, nhất là tình trạng xe dù bến cóc đang nở rộ.
Hiện nay, các loại xe có, xe dù, xe tiện chuyến không thực hiện phát hành vé nên không có bảo hiểm. Vì vậy khi có sự cố, quyền lợi của hành khách không được đảm bảo. Ngoài ra, các hoạt động này còn gây thất thu ngân sách. Chính vì vậy, các quy định của Nhà nước cần xem xét đến vấn đề bảo đảm môi trường kinh doanh bình đẳng trong lĩnh vực vận tải để tạo thuận lợi cho các HTX phát triển cũng như tạo thuận lợi cho công tác quản lý.
Huyền Trang