Đất bỏ hoang nhưng HTX khó thuê
Ông Nguyễn Xuân Trường - Phó Chủ tịch UBND xã Trung Màu, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội cho biết, sản xuất nông nghiệp, nhất là trồng lúa của người dân xã Trung Màu gặp khó khăn, trở ngại bởi khí hậu thời tiết khắc nghiệt. Nhất là Trung Màu gần với các khu công nghiệp, trong đó có khu công nghiệp VSIP của tỉnh Bắc Ninh, khu công nghiệp Văn Giang của tỉnh Hưng Yên...
“Điện thắp sáng cả đêm, nguồn nước hạn chế, sâu bọ, chuột phá hoại đã làm thay đổi chất đất, thay đổi sinh trưởng, phát triển của cây lúa. Nhiều năm qua, sản xuất nông nghiệp không hiệu quả, đất đai bị người dân bỏ hoang, người dân đi làm công nhân tại các khu công nghiệp. Do vậy, chúng tôi rất muốn có doanh nghiệp, HTX về thuê đất để duy trì sản xuất, tránh bỏ hoang gây lãng phí”, ông Trường chia sẻ.
Đất nông nghiệp bị bỏ hoang nhưng HTX, doanh nghiệp khó thuê đất. |
Được UBND huyện Gia Lâm giới thiệu, từ tháng 9/2019 đến nay, HTX dịch vụ nông nghiệp tổng hợp An Phát đã phối hợp với chính quyền xã Trung Màu tổ chức nhiều cuộc họp với người dân để thuê hơn 20 ha đất, thời gian 20 năm tại các thôn 1, 4, 5, giá thỏa thuận 1,5 triệu đồng/sào để cải tạo đất đai, đầu tư trang thiết bị trồng rau sạch, an toàn.
Ông Vũ Huy Hà, Phó Giám đốc HTX An Phát cho biết: “Chúng tôi tìm thuê đất mà người dân bỏ hoang, sau đó cải tạo đồng ruộng, tạo thành cánh đồng mẫu lớn để trồng rau, nông sản sạch cung cấp ra thị trường thông qua chuỗi cửa hàng của đơn vị, đồng thời ổn định việc cung cấp suất ăn cho học sinh của các trường học trên địa bàn TP Hà Nội, các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Bắc Ninh, Hưng Yên - nơi HTX ký kết cung cấp thực phẩm sạch, an toàn”.
Tuy nhiên, mọi nỗ lực của chính quyền địa phương cũng như của HTX vẫn gặp khó khăn. Nguyên nhân là một vài người dân có đất nằm trong diện tích HTX muốn thuê yêu cầu giá cho thuê quá cao và thời gian cho thuê chỉ là 5 năm. Không tìm được tiếng nói chung, HTX An Phát buộc phải tạm dừng thuê đất tại xã Trung Màu, còn đất của người dân lại tiếp tục bị bỏ hoang, lãng phí.
Về những khó khăn của HTX khi đứng ra thoả thuận thuê đất trực tiếp với người dân, bà Hoàng Thị Vân Anh, Vụ trưởng Vụ Chính sách và Pháp chế, Tổng cục Đất đai, Bộ TN&MT cho biết, quá trình tập trung, tích tụ đất đai còn nhiều khó khăn trong việc thỏa thuận thuê, nhận chuyển nhượng, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất; trong việc giao, cho thuê các thửa đất có diện tích nhỏ. Điều này vừa gây lãng phí đất, vừa khó khăn cho các HTX muốn mở rộng diện tích sản xuất. Do đó, ngoài sự vào cuộc tích cực của các HTX, rất cần chính quyền địa phương vào cuộc vận động để người dân hiểu đúng chủ trương và cho thuê đất để tránh gây lãng phí.
Làm gì để nâng cao hiệu quả sử dụng đất?
Xã La Sơn, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam có 530ha với 2.000 hộ và 3 doanh nghiệp ngoài tỉnh tham gia sản xuất nông nghiệp, trong đó chủ yếu là trồng lúa nước, nuôi bò sinh sản, bò thịt, trồng lúa một vụ kết hợp nuôi cá tại vùng trũng thấp. Những năm gần đây, nhiều khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Hà Nam phát triển, nhu cầu lao động của các doanh nghiệp tăng nhanh, thu nhập lại ổn định từ 4 - 6 triệu đồng/người/tháng nên nhiều người đi làm công nhân, bỏ hoang đồng ruộng.
Chủ tịch HĐQT - Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp toàn xã La Sơn Nguyễn Hữu Dực cho biết, thấy đất sản xuất của bà con bỏ hoang, HTX đã đứng ra thuê đất để tích tụ ruộng đất, liên kết mở rộng sản xuất chuỗi lúa gạo với các doanh nghiệp. Tuy nhiên, khi làm việc với người dân thì một số người còn có tư tưởng “dàn hàng ngang”, không hợp tác.
“Một số diện tích đất tuy không sản xuất hoặc bỏ hoang, nhưng khi có doanh nghiệp, HTX đứng ra thuê thì bà con đòi tới 50 - 70 triệu đồng/sào. Làm nông nghiệp theo chuỗi mà bỏ số lượng tiền lớn như vậy thì HTX không thể nào làm được. Do vậy, mặc dù HTX rất cần đất để mở rộng sản xuất, nhưng với giá đó thì đành chịu”, ông Dực chia sẻ.
Nhiều HTX, doanh nghiệp có nhu cầu thuê đất mở rộng sản xuất nhưng gặp khó khăn |
Được biết Hà Nam là một tỉnh có nhiều đột phá trong tích tụ ruộng đất, chuyển đổi mô hình trong nông nghiệp. Đến nay, Hà Nam đã quy hoạch 6 khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với tổng diện tích 650ha; tích tụ được hơn 375ha đất cho doanh nghiệp, HTX thuê. Các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở tỉnh đi vào sản xuất và trở thành hạt nhân liên kết chuỗi với nông dân trong sản xuất, tiêu thụ nông sản sạch.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Xuân Đông, Chủ tịch UBND Hà Nam, trong quá trình thực hiện tích tụ ruộng đất tại địa phương còn gặp nhiều vướng mắc như: Một số nông hộ còn sở hữu rất nhiều mảnh ruộng, tại nhiều vị trí khác nhau, dù bỏ hoang nhưng lại không muốn cho thuê, mà muốn bán với giá 60 - 70 triệu đồng/sào nên đặt ra yêu sách khó đáp ứng được. Điều này thực sự gây khó khăn cho ứng dụng cơ giới hóa, công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. Trong khi đó, các HTX không thể có nhiều kinh phí để đầu tư thuê hoặc mua đất với giá cao.
“Muốn dồn điền đổi thửa, tích tụ ruộng đất, cho thuê đất đối với các HTX, doanh nghiệp để hình thành được mô hình sản xuất nông nghiệp có quy mô tập trung, gắn với cơ giới hóa, áp dụng khoa học - kỹ thuật trong sản xuất và bảo quản sản phẩm sau thu hoạch, nâng cao giá trị và sức cạnh tranh trên thị trường thì cả người dân, HTX và doanh nghiệp cần phải tìm được tiếng nói chung để thống nhất phương án cho thuê đất. Hiện nay, đất sản xuất nông nghiệp là đất sử dụng của người dân nên với các dự án lớn của tỉnh thì chính quyền rất khó can thiệp”, ông Đông cho biết.
Phạm Duy