Hiện, nhiều mặt hàng nông sản chủ lực trong nước đang rơi vào cảnh giá rẻ - khó bán. Mới nhất là việc Trung Quốc tiếp tục phong tỏa nhiều địa phương do bùng phát dịch Covid-19. Và hàng nghìn tấn tiêu sọ nước này đã mua từ Việt Nam nhưng chưa nhận hàng, khả năng cao, phía Trung Quốc sẽ phải bán ngược lại cho Việt Nam.
Đối thủ cạnh tranh ngày càng mạnh
Không chỉ mặt hàng hồ tiêu, nhiều loại nông sản khác như mít, xoài… cũng đang nghẽn đầu ra. Đây là hệ lụy từ việc Trung Quốc - quốc gia nhập khẩu nông sản với số lượng lớn, áp dụng triệt để chính sách Zero Covid.
Tuy nhiên, có một sự thật là giữa lúc trái cây Việt Nam gặp khó, thì nhiều quốc gia trong khu vực lại không quá khó khăn về đầu ra cho nông sản, thậm chí vẫn được phía Trung Quốc đánh giá cao.
Tại phiên tư vấn xuất khẩu nông sản mới đây, ông Diêu Lâm, Giám đốc Công ty TNHH hữu hạn xoài Cung Dia (Trung Quốc) cho biết, trong 2 năm qua, quả xoài mà đơn vị này nhập khẩu từ Việt Nam vẫn chưa thỏa mãn điều kiện về mẫu mã như: bề mặt quả không được nhẵn, cháy, nám, nhiều vết đen… nên số lượng xoài dùng để bán ăn trực tiếp, bán tươi không nhiều, chỉ khoảng 30-40%/container.
Ông Vương Lệ Quân, Tổng giám đốc Công ty TNHH Hưng Huệ Vinh (Trung Quốc) cũng thông tin, trong quá trình nhập khẩu các mặt hàng trái cây từ Việt Nam, xác suất hỏng rất cao, nhất là tình trạng nông sản chín do đông đá, cháy vì độ lạnh cao. Điều này có thể do quá trình vận chuyển, việc kiểm soát nhiệt độ giữa xe và kho chưa tốt. Quá trình đóng gói, bảo quản chưa đúng quy trình.
“Ngay như quả chuối của Việt Nam hiện có độ đồng đều kém, vỏ chuối không được sáng bóng so với sản phẩm chuối của Lào”, ông Quân nói.
Không chỉ chuối, mà theo các chuyên gia, từ trước đến nay, nhiều nông sản của Việt Nam có vẻ yếu thế hơn so với các nước khác trong khu vực. Chẳng hạn như quả xoài Campuchia hiện đã được đẩy mạnh ứng dụng công nghệ ảnh hưởng từ màu sắc của bao trái đến chất lượng trái nên tình trạng nám, cháy nắng vỏ quả được kiểm soát. Việc xuất khẩu bằng máy bay cũng được chú trọng nên hiện có những vùng xoài của nước này được xuất khẩu sang Trung Quốc với giá 40 Nhân dân tệ/kg, tương đương gần 150.000 đồng/kg. Trong khi, giá bán xoài Cát Chu, hay xoài Cát Hòa Lộc ở Việt Nam từ đầu năm đến nay vẫn ảm đạm, nhiều khi xuống dưới 10.000 đồng/kg.
Trái chuối Việt Nam vẫn bị doanh nghiệp Trung Quốc đánh giá chưa cao về mẫu mã. |
Hay ngay như quả sầu riêng, nhờ triển khai hệ thống chứng nhận kiểm dịch thực vật điện tử, huy động cả ngành công an vào cuộc để kiểm tra chất lượng từ khi trồng đến đóng gói, sầu riêng Thái Lan vẫn vượt qua được những quy định về kiểm dịch do phía Trung Quốc yêu cầu, từ đó tạo được niềm tin cho nhà nhập khẩu.
Không chỉ cạnh tranh về mặt chất lượng, việc các nước chủ động mở rộng diện tích sản xuất các mặt hàng cũng đang tạo áp lực cạnh tranh trong xuất khẩu đối với HTX, doanh nghiệp Việt Nam.
Chẳng hạn như quả xoài, Việt Nam hiện có 114,2 nghìn ha, sản lượng 938,2 nghìn tấn/năm và giàu tiềm năng xuất khẩu sang Trung Quốc. Nhưng theo ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp Hội Rau Quả Việt Nam, một điều cần quan tâm đó là Trung Quốc hiện cũng là nước sản xuất xoài lớn thứ hai thế giới sau Ấn Độ. Diện tích xoài của nước này không ngừng được mở rộng và hiện đang gấp 3 diện tích xoài Việt Nam.
Hay như quả mít Thái tại nhiều vùng chuyên canh ở trong nước dù đang tăng giá với mức 26.000-29.000 đồng/kg nhưng vẫn xảy ra tình trạng người dân chặt mít chuyển sang trồng sầu riêng. Nguyên nhân được người dân đưa ra là vì dù giá mít tăng nhưng vẫn không đủ bù cho chi phí đầu vào.
Tuy nhiên, điều đáng chú ý là hiện nay, nông dân Thái Lan cũng đang đẩy mạnh mở rộng diện tích trồng sầu riêng để cạnh tranh với Việt Nam. Và hiện thị trường Trung Quốc vẫn đang tiêu thụ sầu riêng Thái Lan nhiều hơn sầu riêng Việt. Chính vì vậy, việc các nước tăng diện tích một số loại nông sản sẽ tạo ra cuộc canh tranh hết sức căng thẳng đối với HTX, doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình xuất khẩu.
Liên kết để "bán cái thị trường cần"
Trước thực trạng trên, ông Lý Minh Hùng, Giám đốc HTX liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản sạch Thanh Bình (Đồng Nai) cho rằng, thời gian tới, nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam sẽ tiếp tục gặp khó khăn do nhiều quốc gia là đối thủ trong xuất khẩu với Việt Nam đã và đang có những định hướng rõ ràng và áp dụng nhiều cách làm sáng tạo trong sản xuất và kinh doanh nông sản.
Chẳng hạn như việc Campuchia, Thái Lan đã nghiên cứu rất kỹ nhu cầu thị trường Trung Quốc về các giống trái cây mà nước này ưa chuộng. Do Trung Quốc ưa chuộng giống xoài Úc, xoài Ánh Kim… nên hai nước này đã liên kết với doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư sản xuất theo hướng công nghệ cao nên vừa giải quyết được những rào cản về kỹ thuật, vừa đáp ứng được nhu cầu thị trường. Trong khi mặt hàng xoài nói riêng, một số nông sản đặc trưng khác nói chung ở Việt Nam thực chất chưa có thương hiệu lớn để có thể tạo thuận lợi trong giao dịch, cũng như thu hút đối tác nước ngoài.
Ông Vũ Tiến Hùng, Văn phòng Xúc tiến thương mại Việt Nam tại Hàng Châu, cho biết nhu cầu về các loại nông sản tươi và đã qua chế biến của Trung Quốc đều có nhưng đây cũng là thị trường mở nên ngày càng cạnh tranh cao. HTX, doanh nghiệp muốn tìm kiếm đối tác ở thị trường này cần học hỏi Thái Lan, Campuchia trong việc liên kết để sản xuất ra những cái thị trường cần, chứ không phải bán những thứ chúng ta có sẵn.
Chẳng hạn như ở mỗi tỉnh thành, Trung Quốc lại có các chợ đầu mối. Các doanh nghiệp buôn bán ở các chợ này đều có các chân rết ăn nằm ở Việt Nam để giám sát chất lượng, cập nhật thông tin giá cả. Các HTX, doanh nghiệp Việt cần phối hợp với các chân rết này hoặc liên kết với nhau, sang tận nơi để xem yêu cầu của đối tác, thị trường như thế nào, chất lượng ra sao thì mới giao dịch hiệu quả và lâu dài.
Ngoài liên kết chặt chẽ với các đối tác, theo các chuyên gia, một điều cần lưu ý là Nhà nước nhiều quốc gia “đối thủ” của Việt Nam đang có nhiều chính sách hỗ trợ nông dân, HTX để thúc đẩy xuất khẩu và xây dựng thương hiệu nông sản.
Tại Ấn Độ, cơ quan quản lý đang thực hiện hỗ trợ giá phân bón cho người dân, HTX nên giá bán lẻ phân urê tại nước này chỉ khoảng 1.600 đồng/kg so với giá trên thế giới ở mức khoảng 23.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá phân urê ở Việt Nam là hơn gần 20.000 đồng/kg, gây khó khăn cho người dân, HTX trong sản xuất theo chuỗi.
Hay như người dân, HTX ở Thái Lan đang được Nhà nước trợ giá lúa. Cụ thể với giống lúa thơm Jasmine, giá thu mua là 8.200 đồng/kg, Nhà nước hỗ trợ thêm 1.360 đồng/kg. Người dân, HTX sẽ được nhận tiền sau 3 ngày công bố giá.
Có thể thấy, ngoài nghiên cứu kỹ thị trường, người dân, HTX đang rất cần tiếp sức để có thể sản xuất mạnh ngay trên sân nhà. Có như vậy mới giảm bớt áp lực cạnh tranh khi tìm đầu ra, đặc biệt là phục vụ xuất khẩu.
“Chính vì vậy, cần hỗ trợ HTX, doanh nghiệp nâng cao năng lực phát triển chuỗi nông sản để nâng cao giá trị gia tăng, đáp ứng các quy định của thị trường xuất khẩu”, bà Nguyễn Thu Thủy, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ công Thương) nhấn mạnh.
Huyền Trang