HTX Dịch vụ tổng hợp nông lâm nghiệp thôn Sà Phìn A, huyện Đồng Văn tỉnh Hà Giang, đang tiên phong trong công tác đào tạo nghề cho thành viên, người lao động là phụ nữ DTTS. Với việc trồng lanh và phát triển các sản phẩm lanh trắng, hàng trăm phụ nữ DTTS được tiếp cận với các chương trình dạy nghề, từ đó giúp nhiều chị em có việc làm ổn định, tăng thu nhập, vươn lên thoát nghèo, từng bước khẳng định vai trò, vị thế trong gia đình và ngoài xã hội.
Thực hiện mục tiêu giảm nghèo tại địa phương
Chị Sùng Thị Sy, Chủ tịch HĐQT HTX cho biết, hiện nay, thu nhập bình quân của mỗi thành viên HTX dao động từ 5,5 đến 7,5 triệu đồng/người/tháng. Đây là mức thu nhập cao hơn gấp nhiều lần so với trước khi chị em tham gia HTX.
Đào tạo nghề, giải quyết việc làm, là giải pháp căn bản để tạo sinh kế bền vững cho đồng bào DTTS. |
Với khát khao duy trì và phát triển nghề dệt lanh truyền thống, giải quyết việc làm cho phụ nữ dân tộc Mông, cho lao động dư thừa tại địa phương, nhất là chị em phụ nữ bị bạo lực gia đình, bị mua bán quay trở về, phụ nữ bị tàn tật, HTX dịch vụ tổng hợp nông lâm nghiệp thôn Sà Phìn A đã góp phần mang lại cuộc sống ổn định cho nhiều gia đình tại địa phương.
Nhờ được tiếp cận với các lớp học nghề, như: Thêu, may mặc, dệt vải lanh... Đến nay, hầu hết các chị em đã thạo nghề, tạo được sản phẩm để bán ra thị trường, có thu nhập và vươn lên thoát nghèo.
Chị Vừ Thị Mỷ, thành viên HTX chia sẻ, nhiều năm về trước, chị cũng như nhiều chị em phụ nữ khác trong thôn chỉ biết làm việc nhà và trên các nương ngô.
Sau khi Hội Phụ nữ huyện mở lớp dạy nghề may mặc trang phục dân tộc và vận động chị em tham gia, nhận thấy đây là cơ hội để vươn lên thoát nghèo, khẳng định bản thân, chị Mỷ đã chủ động sắp xếp công việc gia đình, cần mẫn học nghề. Đến nay, khi tay nghề thành thục, chị được bố trí công việc tại HTX. Công việc ở HTX mang lại thu nhập cho chị Mỷ từ 5-7 triệu đồng/tháng, tùy số lượng sản phẩm làm ra.
“Thu nhập ổn định, con cái được ăn no, mặc ấm, được đến trường với quần, áo đẹp là thành quả cho những nỗ lực của tôi. Chị em phụ nữ chỉ cần có một nghề ổn định, làm chủ cuộc sống thì gia đình sẽ hạnh phúc, vui vẻ hơn rất nhiều. Có lẽ, đây cũng là mong mỏi của bất cứ chị em phụ nữ DTTS nào”, chị Mỷ tâm sự.
Ông Dinh Chí Thành, Chủ tịch UBND huyện Đồng Văn đánh giá, Những thành quả trong công tác đào tạo nghề cho hội viên phụ nữ mở ra tương lai, hướng đi mới cho chị em, đặc biệt là phụ nữ DTTS từng bước thay đổi nhận thức, khơi dậy tinh thần, tiềm năng, sức sáng tạo của các chị em để phát triển kinh tế, cống hiến, xây dựng quê hương.
“Nhiều HTX do chị em làm chủ đã mở nhiều lớp dạy nghề giúp chị em có kiến thức và kỹ năng đối với nghề được học, nhằm nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống. Đến nay, nhiều mô hình dạy nghề trên địa bàn huyện đã và đang khẳng định rõ hiệu quả, nhiều chị em sau khi học nghề, có thu nhập trên 150 triệu đồng/năm, trở thành điển hình trong phát triển kinh tế địa phương”, ông Dinh Chí Thành nói.
Nâng cao chất lượng lao động vùng DTTS
Đánh giá về công tác đào tạo nghề vùng đồng bào DTTS, đại diện Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động TB&XH) đánh giá, với đặc điểm là một quốc gia đa dân tộc với 53 dân tộc thiểu số chiếm khoảng 14,4% dân số cả nước.
Trong những năm vừa qua, nhiều chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước nhằm phát triển kinh tế, xã hội vùng DTTS, miền núi được ban hành và thực hiện. Trong đó, phát triển giáo dục và đào tạo nghề nhằm nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, để thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, xóa đói giảm nghèo ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi được chú trọng.
Các HTX đã tăng cường liên kết với các cơ sở đào tạo, với các Trung tâm dạy nghề nhằm thực hiện công tác đào tạo cho đồng bào DTTS. |
Nhiều địa phương đã xây dựng quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn dân tộc miền núi, đảm bảo cân đối giữa các cấp trình độ đào tạo, giữa các nhóm nghề đào tạo.
Đồng thời, đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về dạy nghề. Nhiều HTX đã tăng cường sự phối hợp, liên kết với các cơ sở đào tạo, với các Trung tâm dạy nghề nhằm thực hiện công tác đào tạo, đào tạo lại.
Tại huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình, HTX dịch vụ nông nghiệp Huy Chỉ, xã Hùng Sơn đã thành lập đội ngũ lao động lành nghề để triển khai may gia công cho một doanh nghiệp may mặc xuất khẩu ở Hà Nội.
HTX đã phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Kim Bôi hỗ trợ dạy nghề, kết nối việc làm cho người dân địa phương.
Sau khi hoàn thành khóa đào tạo nghề may công nghiệp, các học viên sẽ được nhận vào làm việc tại xưởng may gia công của HTX. Mức lương tối thiểu của công nhân tại xưởng đạt 6 - 8 triệu đồng/người/ tháng.
Chị Bạch Thị Như, xã Hùng Sơn, công nhân may của HTX Huy Chỉ cho biết, chị làm công nhân may cho HTX từ nhiều năm nay. Hiện, công việc của chị khá ổn định, thu nhập cũng cao hơn nhiều so với làm nông nghiệp mà không phải ly hương đi làm lao động trong các khu, cụm công nghiệp trong và ngoài tỉnh.
“Cái hay khi tham gia các lớp dạy nghề của HTX Huy Chỉ là được "cầm tay chỉ việc", sau đó là được nhận vào làm luôn. Nhờ có HTX mà nhiều lao động tại địa phương, đa phần là nữ người dân tộc Mường, Dao vốn quan năm "chân lấm, tay bùn" nay có việc làm, thu nhập ổn định, vươn lên thoát nghèo”, chị Như phấn khởi nói.
Đại diện Vụ dân tộc thiểu số, Ủy ban Dân tộc đánh giá, để phát triển nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đào tạo nghề, tăng thu nhập cho người lao động vùng đồng bào DTTS và miền núi, thì việc liên kết đào tạo giữa HTX với doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo để thực hiện đào tạo nghề theo đơn đặt hàng sẽ là hướng đi đúng đắn để giải quyết việc làm cho đồng bào DTTS.
“Nhiều đồng bào DTTS đã thay đổi nhận thức, nếp nghĩ và cách làm trong các lĩnh vực được đào tạo nghề. Phần lớn lao động qua học nghề đã mạnh dạn phát triển kinh tế gia đình, vươn lên thoát nghèo, nhiều lao động DTTS đã biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào các lĩnh vực của đời sống”, vị đại diện này nói.
Huyền Trang