HTX Tân Long (Hậu Giang) là một trong những mô hình sản xuất gạo ST24 để phục vụ xuất khẩu. Cùng với HTX Tân Long, không ít HTX cũng lựa chọn 2 giống lúa ST24 và ST25 để trồng vì cả hai đều chiếm ngôi vị gạo ngon nhất thế giới.
Chủ yếu xuất thô
Ông Nguyễn Văn Thích, Phó Giám đốc HTX lúa gạo Tân Long (Hậu Giang) cho biết, dù đã xuất khẩu nhiều và chú trọng sản xuất theo chuỗi giá trị, nhưng ngay những vùng chuyên trồng lúa theo mô hình cánh đồng lớn từ miền Bắc đến miền Nam như Đồng bằng sông Cửu Long vẫn chưa có được một thương hiệu gạo nào có thể tự tin mang đi để giao dịch xuất khẩu.
“Gạo không có thương hiệu thì rất khó trong việc xúc tiến thương mại, nhất là khi đưa gạo đi xuất khẩu”, ông Thích nói.
Thực ra, ở trong nước đã có nhiều thương hiệu gạo như: Nàng Thơm Chợ Đào, ST24, ST25, Hương Lài, Séng Cù... nhưng các thương hiệu này hầu như không khắc ghi trong tâm trí của người tiêu dùng trong nước. Chẳng hạn như gạo Séng Cù, chỉ những người ở vùng núi phía Bắc biết tên, hay Nàng Thơm Chợ Đào, ST24, ST25, Hương Lài... thì chỉ những người khu vực miền Nam được nghe đến nhiều.
HTX lúa gạo Tân Long sản xuất gạo sạch phục vụ xuất khẩu. |
PGS.TS Dương Văn Chín, nguyên Phó Viện trưởng Viện lúa ĐBSCL cho biết, các loại gạo trên dù là gạo ngon và có thương hiệu nhưng không tồn tại trong suy nghĩ của nhiều người tiêu dùng trong nước. Vì vậy mà những loại gạo này chưa thể coi là thương hiệu gạo chung của đất nước để mang đi xuất khẩu.
“Dù là một trong những dòng gạo chất lượng cao nhưng nhiều doanh nhân nhập khẩu gạo lớn trên thế giới vẫn chưa biết đến ST24, ST25. Do đó, sức ép cạnh tranh khi đưa gạo ra thế giới là rất lớn”, ông Chín nói.
Nguyên nhân là vì dù được sản xuất sạch nhưng các loại gạo này mới chỉ được một vài doanh nghiệp, HTX xây dựng thương hiệu cho riêng mình. Nhiều HTX, địa phương sản xuất những loại gạo này nhưng quy mô còn nhỏ và bị nhái nhiều nên mất uy tín đối với người tiêu dùng cũng như các đơn vị nhập khẩu.
Bên cạnh đó, dù là một trong ba nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới với sản lượng trung bình hơn 6 triệu tấn gạo/năm, nhưng đến nay Việt Nam vẫn chủ yếu là xuất khẩu gạo thô theo container thông qua các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp nước ngoài sau đó về nước đóng gói và dán nhãn mác dưới thương hiệu của họ. Vì vậy mà người tiêu dùng ở nhiều nước chỉ biết đến thương hiệu gạo của doanh nghiệp ngoại mà không biết đó là gạo của Việt Nam. Điều này chính là điểm bất cập hiện nay.
Thống kê cũng cho thấy, dù xuất khẩu trung bình hơn 6 triệu tấn gạo/năm nhưng số lượng gạo được đóng túi, có bao bì trước khi xuất khẩu chỉ chiếm khoảng 15%, tức khoảng hơn 1,5-1,7 triệu tấn. Đây là con số quá nhỏ so với năng lực sản xuất gạo của nước ta hiện nay.
“Nhiều HTX dù tự sản xuất được lúa gạo sạch nhưng không làm được theo chuỗi mà liên kết với doanh nghiệp bao tiêu. Khi đó, lúa gạo được sơ chế, đóng gói, dán nhãn mác dưới tên của doanh nghiệp nên gạo không còn là sản phẩm của HTX nữa”, ông Nguyễn Văn Thích chia sẻ.
Cần đồng loạt xây dựng thương hiệu
Thực tế hiện nay đã có doanh nghiệp, HTX xác định được các phân khúc gạo phù hợp để phục vụ xuất khẩu. Trước đây, các HTX, doanh nghiệp chỉ tập trung cho phân khúc gạo phẩm cấp thấp (gạo 25% tấm) với khoảng 70%, thì nay gạo phẩm cấp cao đã được chú trọng.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), năm 2021, tỷ trọng gạo chất lượng cao chiếm trên 89% lượng xuất khẩu, góp phần nâng cao giá xuất khẩu từ 496 USD/tấn năm 2020, đến nay đã lên trên 503 USD/tấn.
Tuy nhiên, để xây dựng được thương hiệu gạo trên thị trường nhằm thúc đẩy xuất khẩu thì vẫn còn nhiều việc cần phải làm. Bởi xây dựng thương hiệu không chỉ giúp chuyển đổi hình ảnh của ngành lúa gạo trong mắt người tiêu dùng quốc tế, nâng cao giá trị sản phẩm trong quá trình xuất khẩu mà còn giúp ngành này mở rộng thị trường xuất khẩu, hỗ trợ HTX, doanh nghiệp xây dựng uy tín trên thị trường.
Hiện, Bộ NN-PTNT đã công bố logo thương hiệu gạo Việt “Vietnam Rice” nhưng theo các chuyên gia, đây chỉ là một phần nhỏ trong xây dựng thương hiệu. Mấu chốt của việc xây dựng thương hiệu phải đến từ việc nhận diện sự khác biệt, cảm xúc trong tâm trí khách hàng, tạo ra trải nghiệm trọn vẹn cho người tiêu dùng.
Đối với lúa gạo, Việt Nam cũng đã có một vài thương hiệu được khách hàng nhận diện và sẽ đóng góp tích cực cho việc xây dựng thương hiệu cả ngành lúa gạo. Tuy nhiên, theo các chuyên gia việc xây dựng thương hiệu cho doanh nghiệp, HTX và ngành hàng phải được thực hiện song song, không thể chờ đến khi các HTX, doanh nghiệp có sản phẩm nổi tiếng mới xây dựng thương hiệu.
Ông Phạm Ngọc Hưng, Giám đốc công ty lương thực thực phẩm Khang Long cho rằng, hiện nay không ít doanh nghiệp, HTX đã bắt đầu đầu tư cho bao bì, nhãn mác để xuất khẩu gạo. Tuy nhiên, điều đó là chưa đủ mà cần đồng loạt các doanh nghiệp, HTX trong ngành hàng này cùng vào cuộc để đầu tư về hình ảnh, marketing cho gạo Việt. Đi liền với đó là cần xây dựng vùng trồng theo tiêu chuẩn chất lượng cao, sản xuất khép kín từ cánh đồng đến bàn ăn để tận dụng các cơ hội xuất khẩu.
Còn ông Lê Văn Mưa, Giám đốc HTX Dịch vụ sản xuất lúa tôm Trí Lực, cho rằng cần cụ thể hóa chính sách hỗ trợ cho HTX, doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu gạo, nhất là những đơn vị được gắn nhãn chứng nhận quốc gia gạo Việt Nam (Vietnam Rice).
Cụ thể, Nhà nước nên bỏ thủ tục đăng ký hợp đồng xuất khẩu gạo, tham gia đấu thầu hợp đồng tập trung và yêu cầu đạt chuẩn đối với nhà máy của các HTX, doanh nghiệp xuất khẩu gạo vì vẫn còn nhiều quy định bất cập, yêu cầu quá cao so với năng lực của các HTX.
Bên cạnh đó, vấn đề logo thương hiệu gạo Việt “Vietnam Rice” hiện có rất ít đơn vị đầu tư vì còn những lo ngại như gắn logo liệu có tăng được giá trị hạt gạo hay không, giá bán có cao hơn không? “Đó là nguyên nhân mà thương hiệu gạo của Việt Nam vẫn còn xa vời”, ông Mưa nói.
Huyền Trang