Thu hút lực lượng lao động cho khu vực KTTT, HTX vùng đồng bào dân tộc thiểu số trung du và miền núi phía Bắc
Đào tạo nghề cho lực lượng lao động là người dân tộc thiểu số (DTTS) trong khu vực KTTT, HTX nhằm góp phần nâng cao chất lượng lao động ở địa phương, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Do đó, Nhà nước đã có nhiều chính sách tạo điều kiện cho đồng bào DTTS học nghề phù hợp nhu cầu, trình độ, từng bước vận dụng kiến thức để phát triển kinh tế địa phương.
Quyết định số 1719/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025.
Nghị định số 193/2013/NĐ-CP ngày 21/11/2013 của Chính phủ về quy định chi tiết một số điều của Luật Hợp tác xã quy định như sau: “Nhà nước hỗ trợ kinh phí đào tạo chính quy, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ, kỹ thuật đối với cán bộ quản lý hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, thành viên hợp tác xã”.
Quyết định số 1804/QĐ-TTg ngày 13/11/2020 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021-2025.
Thông tư 02/2022/TT-UBDT ngày 30/6/2022, của Ủy ban Dân tộc về hướng dẫn thực hiện một số dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và MN giai đoạn 2021 – 2030; giai đoạn 1 từ năm 2021 – 2025.
Từ năm 2013 - 2022 có khoảng 324.276 lượt cán bộ, thành viên HTX được hỗ trợ tập huấn, bồi dưỡng; có khoảng 19.767 cán bộ HTX được hỗ trợ đào tạo. Ngân sách Trung ương hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng HTX, THT giai đoạn 2013 - 2022 là 749 tỷ đồng, ngân sách địa phương khoảng 574 tỷ đồng. Số lượt người được tham gia đào tạo và bồi dưỡng tăng dần qua các năm.
Tính đến 31/12/2020, tỷ lệ cán bộ, thành viên, người lao động là người DTTS đạt trình độ sơ, trung cấp chiếm 42%, số cán bộ đạt trình độ cao đẳng, đại học chiếm 15%. So với trước khi thực hiện chính sách, thì đây là một bước tiến tương đối khá.
Thực hiện chủ trương đưa cán bộ trẻ tốt nghiệp cao đẳng, đại học về làm việc tại HTX có thời hạn, đến 31/12/2020 đã đưa được 1.028 cán bộ trẻ về làm việc có thời hạn tại HTX. Đây là một bước tiến quan trọng trong việc nâng cao trình độ cán bộ quản lý HTX, đồng thời tạo nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý cho HTX.
Lao động HTX vùng đồng bào DTTS được bồi dưỡng, đào tạo với nhiều nội dung phong phú, đa dạng đáp ứng được một phần yêu cầu tổ chức, quản lý và hoạt động sản xuất, kinh doanh của HTX với tư cách là một tổ chức kinh tế. Nội dung bồi dưỡng, đào tạo liên tục được điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế của từng thời kỳ và của từng địa phương.
Những nội dung này bao gồm những vấn đề về đường lối, quan điểm của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế tập thể trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, các văn bản quy phạm pháp luật về HTX (Nghị quyết của Đảng, Luật HTX, các Nghị định của Chính phủ và các Thông tư hướng dẫn của các bộ, ngành) và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan như Bộ Luật lao động, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật thuế, Luật Đất đai...
Các giảng viên tham gia bồi dưỡng, đào tạo cán bộ, người lao động HTX vùng đồng bào DTTS được các đơn vị tổ chức lớp học mời từ các nguồn khác nhau tuỳ đối tượng và nội dung bồi dưỡng ở từng lớp học. Đa số các tỉnh đều chưa có đội ngũ giảng viên chuyên nghiệp. Phần lớn giảng viên là cán bộ kiêm nhiệm của Liên minh HTX, của một số Bộ, ngành, giáo viên của các trường trung học, cao đẳng, hoặc một số trường đại học và các chuyên gia trong lĩnh vực kinh tế tập thể, HTX.
Các Bộ, ngành đã ban hành chương trình dạy nghề, danh mục thiết bị dạy nghề các trình độ sơ cấp, ngắn hạn; một số Bộ đã xây dựng bộ câu hỏi, tài liệu hướng dẫn xây dựng mô hình nghề… làm căn cứ cho các cơ sở dạy nghề của địa phương tham khảo, xây dựng chương trình, biên soạn tài liệu giảng dạy, tổ chức xây dựng các mô hình phù hợp với từng nghề, trình độ lao động của từng địa phương.
Hiện nay, ở Trung ương, việc bồi dưỡng cán bộ, thành viên, người lao động HTX, đồng bào DTTS được giao cho các đơn vị khác nhau: Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Mặt trận tổ quốc Việt Nam, Liên minh hợp tác xã Việt Nam, Ủy Ban dân tộc, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Trung ương hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Trung ương, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Trung ương Hội cựu chiến binh Việt Nam...
Ở các địa phương, việc bồi dưỡng, đào tạo cán bộ HTX vùng đồng bào DTTS cũng được giao cho các đơn vị khác nhau, không địa phương nào giống địa phương nào, mỗi địa phương, tuỳ theo điều kiện cụ thể, có cách làm khác nhau. Có địa phương giao toàn bộ việc bồi dưỡng, đào tạo cho Liên minh hợp tác xã tỉnh hoặc Sở Kế hoạch và đầu tư, hoặc Ban Dân tộc phối hợp với Sở Lao động Thương binh và Xã hội; Có địa phương vừa giao cho Liên minh HTX tỉnh vừa giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; có địa phương giao cho trường Chính trị tỉnh
Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách ưu tiên trong đầu tư phát triển thu hút nguồn nhân lực cho HTX vùng đồng bào DTTS và miền núi. Trong đó, chính sách đào tạo nghề thu hút lao động cho đồng bào dân tộc thiểu số đã mang lại những kết quả thiết thực, góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Rõ ràng, chính sách đào tạo nghề thu hút lực lượng lao động gắn với giải quyết việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số là một trong những giải pháp căn cơ, thiết thực nhằm giúp cho cộng đồng các tộc người thiểu số có việc làm ổn định, phát triển KTTT, HTX bền vững.
Minh Thành