Ứng dụng công nghệ cao trong khu vực HTX nông nghiệp, vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Trung du và miền núi phía Bắc
Những năm qua, hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học-công nghệ vào sản xuất nông nghiệp của vùng Trung du và miền núi phía Bắc có nhiều chuyển biến tích cực. Từ đó, thúc đẩy tiềm năng thế mạnh, sản phẩm chủ lực của vùng, góp phần phát triển kinh tế-xã hội tại các địa phương.
Trung du và miền núi phía Bắc là một trong 7 vùng kinh tế - xã hội của Việt Nam, bao gồm 14 tỉnh (Hà Giang, Cao Bằng, Lào Cai, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Yên Bái, Thái Nguyên, Phú Thọ, Bắc Giang, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình).
Tổng diện tích khoảng 100.965 km2, chiếm 28,6% diện tích cả nước; tổng dân số 13.853.190 người, trong đó có khoảng 30 dân tộc đang sinh sống.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến hết năm 2021, khu vực Trung du, miền núi phía Bắc có 3.371 HTX, chiếm 24,15% số HTX trong cả nước. Trong đó, số HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi, nông nghiệp, thủy sản) chiếm hơn 60%, còn lại hơn 30% hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ.
HTX có nhiệm vụ tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm, đồng thời cung ứng các sản phẩm đầu vào như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, con giống. Các thành viên trong HTX đều tự sản xuất và thu lợi nhuận, sau đó, thành viên trích một phần lập quỹ để chi trả nguyên vật liệu đầu vào.
Về năng lực ứng dụng công nghệ cao trong khu vực HTX vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Trung du và miền núi phía Bắc. Thời gian qua, phát triển kinh tế tập thể là một trong những chính sách quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao mức sống cho người dân trên cả nước. Đặc biệt đối với các tỉnh vùng Trung du và miền núi phía Bắc, nơi có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số cao. Đáng chú ý, các HTX có thành viên, nông dân liên kết là người dân tộc thiểu số đã có những bước phát triển vượt bậc cả về số lượng và quy mô.
Theo khảo sát của nhóm nghiên cứu tạp chí Kinh Doanh (cơ quan của Liên minh HTX Việt Nam), về thực trạng và nhu cầu, khả năng tiếp cận công nghệ nói chung của các HTX vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại khu vực Trung du và miền núi Bắc Bộ, dù đã có những chuyển biến tích cực nhưng còn nhiều rào cản cần tháo gỡ để phát triển và nâng cao hiệu quả.
Cụ thể, cuộc khảo sát (theo phương thức điều tra xã hội học) được thực hiện tại 52 HTX có thành viên là đồng bào dân tộc thiểu số, phân bổ đều tại 14 tỉnh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ. Trong đó, có 60% là các HTX nông nghiệp (ngành nghề chính là trồng trọt và chăn nuôi), 40% là các HTX phi nông nghiệp (mây tre đan, dệt may, thêu ren, đồ gỗ và các sản phẩm từ gỗ).
Kết quả cho thấy, chỉ có khoảng 30% HTX (tương đương 16 đơn vị) đang ứng dụng một phần công nghệ cao vào sản xuất; 60% HTX (tương đương 32 đơn vị) sẵn sàng tiếp nhận chuyển giao và ứng công nghệ cao, chuyển đổi số, đổi mới hoạt động sản xuất, kinh doanh theo hướng hiện đại. Số còn lại chưa từng tiếp cận và cũng chưa sẵn sàng đổi mới, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, kinh doanh do những hạn chế về thông tin, năng lực tài chính, trình độ nhân lực, đất đai, điều kiện vật chất, cùng nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan khác.
Khảo sát cũng chỉ ra, về năng lực chuyển đổi số của các HTX vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại các tỉnh Trung du và miền núi Bắc Bộ còn nhiều hạn chế. Cụ thể, tính đến cuối tháng 7/2022, chỉ có khoảng 45% HTX (tương đương 23 đơn vị) đang sử dụng máy tính và các ứng dụng phần mềm vào hoạt động sản xuất, kinh doanh (chủ yếu là các phần mềm kế toán và một số phần mềm phục vụ sản xuất như ứng dụng theo dõi hoạt động của hệ thống bơm tự động, chạy máy công nghệ cao cho sản xuất đồ gỗ, thủ công mỹ nghệ; các phần mềm thương mại điện tử, email, khai thác thông tin về mẫu mã, truy xuất nguồn gốc…).
Dù đã có những chuyển biến lớn, tuy nhiên, xét trên mặt bằng chung, tỷ lệ cán bộ quản lý đã qua đào tạo bậc cao đẳng, đại học trong các HTX có thành viên là đồng bào dân tộc thiểu số còn khá thấp, chỉ chiếm 14-21% tùy theo lĩnh vực và tùy từng vùng miền. Đa số cán bộ quản lý HTX mới chỉ được đào tạo qua sơ cấp và trung cấp hoặc học tại các trường nghề.
Báo cáo về thực trạng chuyển đối số tại các HTX nông nghiệp đã chỉ ra rằng sự hiểu biết của cán bộ quản lý HTX về các công nghệ số, lợi ích của chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất kinh doanh còn thấp.
Phần lớn cán bộ quản lý chưa biết, chưa từng nghe đến những công nghệ cơ bản của chuyển đổi số như Công nghệ điện toán đám mây (Cloud Computing), Internet vạn vật (IoT), Công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), Dữ liệu lớn (Big Data),… Bên cạnh đó, kỹ năng sử dụng các thiết bị số cũng được đánh giá ở mức trung bình.
Riêng vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ hiện có 30 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Nhìn chung, các vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số vẫn tồn tại khoảng cách chênh lệch khá lớn so với sự phát triển chung của cả nước.
Đặc biệt, lao động trong các HTX vùng dân tộc thiểu số về cơ bản vẫn là lao động phổ thông, tỷ lệ qua đào tạo mới khoảng trên dưới 10% (chỉ bằng hơn 1/3 so với tỷ lệ lao động qua đào tạo của cả nước).
Hưng Nguyên