Thời gian gần đây, nghề may gia dụng ở xã An Long đã giúp nhiều người có thêm thu nhập. Nghề may gia công dễ học, dễ làm và có lợi thế là tiện sắp xếp thời gian để đưa đón con đi học và chăm lo cho gia đình, nên thu hút không ít lao động nữ trong xã.
HTX may mặc tạo việc làm cho lao động nữ
Để nghề này phát triển ổn định, nhất là có được nguồn hàng may mỗi ngày và có đại diện đứng ra chủ động liên hệ đầu mối công ty để lãnh hàng gia công theo sản phẩm, rất cần những người thợ may trong xã liên kết theo mô hình kinh tế hợp tác.
Nghề may gia dụng ở xã An Long giúp nhiều phụ nữ có thêm thu nhập. |
Chính vì vậy, cách đây 3 tháng, HTX may gia dụng Khang Thịnh Phát đã chính thức đi vào hoạt động tại ấp Bàu Cừ, xã An Long, do bà Nguyễn Thị Nem làm Giám đốc.
Khi đi vào hoạt động, ngoài chức năng nhiệm vụ, ngành nghề hoạt động chính là thiết kế, may các loại đồ bộ phục vụ cho chị em phụ nữ, HTX còn may các loại đồng phục công sở như áo sơ mi, áo vest và cung cấp các mặt hàng may mặc sỉ cho các shop, các chợ và bán hàng theo hình thức trực tuyến.
Hơn nữa, HTX vận động và kết nạp thành viên mới, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho lao động nông thôn, nhất là các phụ nữ trên địa bàn xã An Long và các địa phương khác khi có nhu cầu may gia công tại nhà…
Ngoài HTX mới thành lập nêu trên, ở xã An Long hiện đang phát triển các mô hình kinh tế trang trại giúp nâng cao đời sống cho người dân địa phương.
Điển hình như trang trại chăn nuôi tổng hợp của chị Tăng Thị Hằng ở ấp Bàu Càm với hơn 10ha đất, trong đó đất trồng cây cao su đang khai thác 7ha, hơn 2ha trồng cây cao su con cùng các cây trồng khác và 1ha chăn nuôi với 3 nhà yến, thỏ... Với mô hình này, thu nhập bình quân hàng năm sau khi trừ chi phí đạt hơn 1 tỷ đồng.
Là người tiên phong trong các mô hình về trồng trọt, chăn nuôi ở xã An Long, chị Hằng còn bao tiêu phân bón, thuốc bảo vệ thực vật bán thiếu trả chậm cho nông dân trong xã (tức là đầu vụ bán thiếu cho nông dân, khi nào thu hoạch sản phẩn thì mới trả tiền gốc, không tính phí phát sinh).
Bên cạnh đó, chị Hằng còn hỗ trợ hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc cây cao su, cây sầu riêng, cây có múi, trang trại nuôi yến cho bà con nông dân ở trong xã cũng như trong huyện Phú Giáo.
Nâng cao đời sống người dân
Với mô hình trang trại chăn nuôi tổng hợp, chị Hằng còn tham gia tư vấn cho hàng trăm nông dân trong xã về kỹ thuật công nghệ, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất, chăn nuôi. Đồng thời, trang trại còn giải quyết việc làm cho hàng chục lao động địa phương và hỗ trợ vốn, kỹ thuật cho các hộ nghèo, cận nghèo phát triển kinh tế.
Trang trại chăn nuôi tổng hợp của chị Tăng Thị Hằng ở ấp Bàu Càm, xã An Long. |
Những năm qua, cuộc sống của người dân xã An Long chủ yếu phụ thuộc vào cây công nghiệp, trong đó cây cao su là cây trồng chủ lực. Thế nhưng vài năm trở lại đây, khi giá mủ cây cao su xuống quá thấp cũng đã có phần ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế của người dân địa phương.
Do vậy, chính quyền xã đã có nhiều giải pháp giúp người dân thực hiện chuyển đổi cây trồng, từ những loại cây trồng công nghiệp sang loại cây trồng ăn trái có múi, phát triển trang trại tổng hợp kết hợp giữa trồng trọt và chăn nuôi, cũng như triển khai các giải pháp kỹ thuật để tăng năng suất.
Trong xã còn có nông dân Nguyễn Hoàng Hiếu được xem như một điển hình với mô hình trang trại chăn nuôi tổng hợp (vịt cạn ngắn ngày, thỏ thả vườn, dê, bò thịt, đặc biệt là mô hình trồng mít lá bàng...).
Anh Hiếu cũng là người tiên phong trong việc xây dựng các mô hình hay về trồng trọt và chăn nuôi để giúp hàng chục nông dân trong xã An Long vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.
Từ việc thành lập HTX may gia dụng Khang Thịnh Phát cho đến những mô hình trang trại kết hợp trồng trọt và chăn nuôi đã giúp xã An Long giữ vững chuẩn xã nông thôn mới (được công nhận từ cách đây 5 năm) và hướng đến việc nâng "chất" nông thôn mới.
Đặc biệt là xã đã nhân rộng mô hình giảm nghèo, tạo hiệu quả tích cực, giúp cho đời sống của người dân không ngừng được nâng cao. Từ 2 năm trước, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm còn 0,67%; thu nhập bình quân đầu người đạt gần 60 triệu đồng.
Thanh Loan