Trên đà phát triển nông nghiệp đô thị, với ý chí tự thân lập nghiệp cao, nhiều thanh niên ở xã An Phú Tây đã khởi nghiệp thành công bằng mô hình trồng mai, lan tại địa phương.
Khởi nghiệp với hoa lan, cá kiểng
Đơn cử như mô hình trồng hoa lan của anh Nguyễn Phước Long trên diện tích hơn 4.000m2 được đánh giá là mô hình tiêu biểu của thanh niên nông thôn làm kinh tế giỏi của Tp.HCM.
![]() |
Tổ hợp tác cá kiểng xã An Phú Tây giúp nhiều thanh niên trong xã khởi nghiệp. |
Hoặc như anh Nguyễn Ngọc Xuân (ở ấp 3, xã An Phú Tây) nhiều năm trước đã khởi nghiệp thành công từ nghề nuôi cá kiểng với mô hình nuôi cá La Hán và cá chép Koi với trên 20 hồ kiếng nuôi cá La Hán với diện tích 300m2, 5 hồ và 2 ao nuôi cá chép Koi.
Mỗi năm anh xuất bán ra thị trường cá kiểng 3-4 đợt, sau khi trừ các khoản chi phí, gia đình anh Xuân lãi trên 200.000.000 đồng/năm. Anh Xuân cũng là thành viên của Tổ hợp tác cá kiểng xã An Phú Tây nhiều năm nay.
Tổ hợp tác cá kiểng xã An Phú Tây được thành lập từ 7 năm trước, với 6 thành viên ban đầu, tổng diện tích nuôi 21.300 m2, hoạt động rất có hiệu quả.
Các thành viên Tổ hợp tác đều có chung niềm đam mê cá kiểng, các thanh niên nông thôn khởi nghiệp ở địa phương với nghề nuôi cá kiểng khi tham gia Tổ hợp tác đã được chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ vốn, kỹ thuật, tạo giống cá để cùng nhau phát triển, đầu ra ổn định, đời sống các thành viên ngày được nâng lên.
Thời gian qua Tổ hợp tác đã đứng ra hỗ trợ từ sản xuất đến khâu tiêu thụ, với đầu ra ổn định. Tổ hợp tác cung ứng ra thị trường với các loại cá kiểng gồm: cá xiêm Dumbo và cá Halfmoon, cá La Hán và cá chép Koi,…
Hầu hết các loại cá kiểng do Tổ hợp tác nuôi đạt chuẩn, không chỉ bắt mắt với màu sắc xinh đẹp, mà còn hấp dẫn khách tham quan bởi yếu tố phong thủy và nguồn gốc xuất xứ nên rất được ưa chuộng,
Tổ hợp tác cá kiểng xã An Phú Tây hiện đã tạo được chỗ đứng trên thị trường trong và ngoài Tp.HCM. Hàng tháng, Tổ hợp tác xuất bán trung bình 1 lần, mỗi lần gần 1 tấn cá kiểng cho các thương lái tại chợ cá cảnh trên đường Lưu Xuân Tín (quận 5, Tp.HCM) và nhập sỉ cho các cửa hàng bán cá kiểng trên địa bàn Tp.HCM. Thu nhập bình quân của mỗi thành viên Tổ hợp tác là trên 200 triệu đồng/năm.
Ngoài Tổ hợp tác nêu trên thì ở xã An Phú Tây còn có HTX nông nghiệp thương mại dịch vụ An Phú (tại ấp 2) đang tạo cầu nối tiêu thụ các sản phẩm cây hoa kiểng, cung cấp các dịch vụ nông nghiệp cho các hộ nông dân trồng lan trên địa bàn xã và các xã lân cận ở huyện Bình Chánh.
Không ngừng nâng chất nông thôn mới
Hiện tại, HTX An Phú đang cung cấp đầu vào cho các thành viên vật tư nông nghiệp (giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, ống nước, lưới lan, ...) với giá thành thấp hơn ngoài thị trường từ 5% - 10% do mua tập trung với giá sỉ. Từ đó, góp phần giảm chi phí sản xuất cho thành viên, nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm so với các hộ sản xuất đơn lẻ.
![]() |
Phát triển hiệu quả nông nghiệp đô thị giúp An Phú Tây nâng chất nông thôn mới. |
Ngoài ra, HTX tổ chức hướng dẫn thành viên sản xuất có năng suất, hiệu quả cao, giúp họ nâng cao chức năng quản lý quy trình sản xuất, chăm lo phúc lợi thành viên, thực hiện tương trợ lẫn nhau.
Bên cạnh đó, HTX An Phú còn thu mua sản phẩm cố định theo hợp đồng ký với thành viên, đảm bảo hộ thành viên có lãi ít nhất 30% - 35% so với giá thành sản xuất. Tỷ lệ sản phẩm của thành viên được HTX thu mua trên 90%.
Hiện nay, HTX đang ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với hầu hết các vựa buôn bán sỉ và lẻ cây hoa kiểng trong khu vực nội thành. Ngoài ra, HTX còn liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm hoa lan với các hộ nông dân tại các tỉnh Tiền Giang, Long An.
Với sự phát triển của nông nghiệp đô thị, tinh thần khởi nghiệp của thanh niên nông thôn và dấu ấn của các Tổ hợp tác, HTX đã giúp xã An Phú Tây đạt chuẩn xã nông thôn mới từ cách đây 5 năm.
Thời gian qua xã An Phú Tây đã không ngừng đổi mới, nâng chất nông thôn mới. Đời sống người dân trong xã ngày càng phất lên, thu nhập bình quân đầu người vào năm 2019 đạt hơn 64 triệu đồng/người/năm. Năm 2019, UBND Tp.HCM đã công nhận An Phú Tây là xã nông thôn mới nâng cao.
Thanh Loan