Anh Nguyễn Hữu Đệ, ở ấp 4, xã Quy Đức, được Hội nông dân xã giới thiệu vay vốn làm ăn. Thời gian đầu, vợ chồng anh đầu tư mở rộng hơn 2.000m2 đất trồng lan Mokara, tạo thu nhập trên 20 triệu đồng/tháng.
Lợi ích từ tham gia tổ hợp tác
Sau đó, nhờ thường xuyên được tập huấn các khóa kỹ thuật về chăm bón hoa lan, nên anh Đệ đã đầu tư mở rộng vườn lan lên 4.000m2, cho thu nhập 600 triệu đồng/năm.
Còn chị Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, chủ vườn lan Hoàng Lực tại số C6/10B đường Nguyễn Văn Thời, xã Quy Đức, đã trồng lan từ 8 năm nay trên mảnh vườn 3.000m2 của gia đình.
![]() |
Chị Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, ở xã Quy Đức có thu nhập cao nhờ nghề trồng hoa lan. |
Nhờ chăm chút bài bản, có tay nghề cao nên vườn lan của chị Hạnh phát triển rất tốt, với khoảng 25.000 chậu lan dendrobium và trên 10.000 cây lan mokara.
Giá thành một chậu lan dendrobium (gồm giống, chậu, giá thể, phân bón và công) là khoảng 12.000 đồng, giá bán hiện nay 28.000 - 35.000 đồng/chậu, lợi nhuận đạt gần 20.000 đồng/chậu. Lan mokara cắt cành có giá bán khoảng 5.000 đồng/cành. Sau khi trừ chi phí, mỗi năm vườn lan của chị Hạnh cho thu nhập khoảng 400 triệu đồng.
Để giúp các hộ dân trồng lan trong xã có vốn đầu tư, tiêu thụ sản phẩm, vài năm trước, Hội nông dân xã Quy Đức đã vận động các hộ trồng lan thành lập Tổ hợp tác trồng hoa lan gồm 13 thành viên, với diện tích 2ha.
Tổ hợp tác chủ yếu trồng lan cắt cành, gồm các loại như: Dendrobium, Mokara, Catleya, Phalaenopsis, là các loại lan cho lợi nhuận cao. Theo ông Nguyễn Văn Hùng, Tổ trưởng Tổ hợp tác trồng lan xã Quy Đức, hoa lan cắt cành từ lúc trồng đến lúc thu hoạch là 5 tháng, năng suất cao nhất trong 2 năm đầu.
Ông Hùng được nhiều nông dân biết đến với nghề trồng hoa lan Dendro bằng mô hình trồng lan cắt cành với 40.700 cây lan cắt cành và lan chậu trên diện tích 2.000m2. Trừ chi phí, bình quân hàng tháng, ông thu lãi trên 30 triệu đồng.
Khi đã khấm khá, ông Hùng còn giúp các nông dân khác về giống, hỗ trợ kinh nghiệm, vốn, khoa học - kỹ thuật... để trồng hoa lan, đem lại thu nhập ổn định.
Nhờ tham gia Tổ hợp tác, nên các thành viên có sự liên kết về giá cả, đảm bảo đầu ra vững vàng, không bị tư thương ép giá. Từ ngày thành lập Tổ hợp tác đến nay, hầu hết các thành viên trồng lan ở xã Quy Đức có thu nhập ổn định, nhiều hộ thu nhập khá cao.
Điển hình như chị Nguyễn Ngọc Hạnh có diện tích trồng lan hơn 2.000 m2. Mỗi tháng chị thu trên 30 triệu đồng. Chị cho biết khi tham gia Tổ hợp tác trồng lan xã Quy Đức giúp mang lại thu nhập ổn định cho gia đình, cuộc sống khá hơn trước rất nhiều.
Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp đô thị
Đến Quy Đức hôm nay sẽ thấy ấn tượng đầu tiên là rực rỡ sắc hoa từ nghề trồng hoa lan và những khóm hoa mười giờ nhỏ khoe sắc được trồng dọc hai bên những con đường ruộng, đường giao thông nông thôn.
![]() |
Hoa mười giờ khoe sắc được trồng dọc hai bên những con đường ruộng ở xã Quy Đức. |
Gia đình ông Phạm Văn Nghề, trú tại ấp 2 xã Quy Đức, là một trong những gia đình tiên phong trồng hoa chống rác thải, từ đó mô hình được ấp nhân rộng cho nhiều tuyến đường khác.
Ông Nghề chia sẻ: "Ban đầu chỉ trồng hoa để ngăn cỏ mọc lấn lúa, nhưng dần dần hoa leo dọc khắp hai bên đường ruộng dẫn vào nhà, thấy đẹp quá nên tôi gieo thêm, trước đây có rác nhưng vì hoa mọc đẹp, người dân không xả rác nữa".
Diện mạo của xã Quy Đức từ khi xây dựng nông thôn mới đã thay đổi rõ rệt. Đặc biệt là nhiều năm qua, xã Quy Đức nhân rộng các mô hình thoát nghèo bền vững đến ấp, khu phố, tổ tự quản giảm nghèo nhằm hỗ trợ giúp đỡ hộ nghèo, hộ cận nghèo có việc làm ổn định, tăng thu nhập bảo đảm thoát nghèo bền vững. Điển hình như mô hình Tổ hợp se nhang tạo thu nhập bình quân mỗi lao động 200.000 đồng/ngày.
Ngoài ra, xã đã đẩy mạnh việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng đô thị của Tp.HCM, chẳng hạn như nghề trồng hoa lan là một điển hình (với quy mô dự kiến là 20ha) hay trồng các loại rau an toàn (với diện tích khoảng 120,8 ha) và trồng lúa đặc sản - rau - hoa vạn thọ (quy mô khoảng 80ha…
Đồng thời, xã khuyến khích người dân tham gia các mô hình kinh tế hợp tác và kinh doanh các dịch vụ nông nghiệp theo hướng đô thị, diện tích đất ít nhưng hiệu quả kinh tế cao, tạo cảnh quan, bảo vệ môi trường.
Nhờ đó, vào cuối năm 2019, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã đã đạt 64 triệu đồng. UBND Tp.HCM cũng công nhận xã Quy Đức đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2019.
Thanh Loan