Quyết định chọn lựa hình thức pháp lý có thể ảnh hưởng mạnh mẽ tới cách bạn điều hành doanh nghiệp, tác động tới mọi thứ, từ trách nhiệm pháp lý và thuế tới kiểm soát toàn bộ công ty. Do đó, việc hiểu rõ về các loại hình doanh nghiệp chính là bí quyết giúp cho hoạt động kinh doanh của bạn có nhiều thuận lợi nhất bởi nó sẽ định hướng cho bạn đạt được những mục tiêu về tài chính cả của doanh nghiệp cũng như của bản thân.
Các loại hình doanh nghiệp
1. Doanh nghiệp tư nhân
Doanh nghiệp tư nhân (DNTN) là hình thức doanh nghiệp đơn giản nhất, hiện chiếm hơn 70% các doanh nghiệp tại Việt Nam. Đây là loại hình doanh nghiệp chỉ có một người chủ duy nhất chịu trách nhiệm về mọi vấn đề của công ty, từ lợi nhuận tới các khoản nợ.
2. Công ty hợp danh
Loại hình doanh nghiệp này được sở hữu từ hai người trở lên và thường có hai kiểu: kiểu hợp danh tất cả cùng chịu trách nhiệm và chia đều lỗ lãi như nhau; và kiểu hợp danh chỉ có một người chịu trách nhiệm kiểm soát, điều hành hoạt động của doanh nghiệp trong khi những người sở hữu còn lại đơn giản là góp vốn và chỉ nhận lại tiền lãi theo mức vốn góp.
Hình thức hợp danh này hoạt động cả ở hai trạng thái, vừa như một doanh nghiệp tư nhân nhưng cũng như một công ty trách nhiệm hữu hạn, tùy thuộc vào cơ cấu vốn và trách nhiệm pháp lý của doanh nghiệp.
3. Công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH)
Công ty TNHH là loại hình có cấu trúc “hai mang” khi cho phép những người chủ sở hữu, đối tác hoặc cổ đông hạn chế trách nhiệm pháp lý cá nhân trong việc tham gia hưởng các lợi ích linh hoạt và đóng thuế của mình.
Đối với hình thức TNHH, các thành viên góp vốn được bảo vệ không phải chịu trách nhiệm pháp lý cá nhân về các khoản nợ của doanh nghiệp, miễn sao không thể chứng minh được họ đã hành động theo cách bất hợp pháp, phi đạo đức hoặc vô trách nhiệm vào việc tham gia thực hiện các hoạt động của doanh nghiệp.
4. Tập đoàn
Tập đoàn là một hình thức hoạt động kinh doanh xác định rõ doanh nghiệp như một thực thể tách biệt với các chủ sở hữu của nó. Lúc này, bản thân tập đoàn có quyền pháp lý riêng của mình, hoàn toàn độc lập với các chủ sở hữu, và điều đó cho phép tập đoàn có thể khởi kiện, bị thưa kiện, sở hữu và bán tài sản, cũng như bán quyền sở hữu tập đoàn dưới hình thức cổ phiếu.
Trong hình thức tập đoàn còn có các kiểu tập đoàn khác nhau, bao gồm: tập đoàn C, tập đoàn S và tập đoàn B. Rất nhiều người đã không phân biệt sự khác nhau giữa các kiểu tập đoàn này bởi bản thân họ không nghĩ lại có sự phân loại trong hình thức hoạt động kinh doanh này.
![]() |
Các yếu tố để cân nhắc
Đối với những doanh nghiệp mới, thường không dễ dàng gì khi quyết định chọn lựa một trong những hình thức pháp lý trên cho hoạt động kinh doanh của mình. Vì vậy, điều trước tiên giúp các chủ doanh nghiệp non trẻ này định hướng sớm để có quyết định đúng đắn chính là cần cân nhắc về nhu cầu tài chính khởi nghiệp của mình, cũng như những rủi ro và khả năng phát triển của doanh nghiệp. Làm tốt điều này ngay từ đầu, bạn sẽ không còn gặp khó khăn trong việc chuyển đổi hình thức pháp lý sau khi đã đăng ký chính thức hoạt động doanh nghiệp của mình.
Sự phức tạp
Sự phức tạp về điều hành và những vấn đề liên quan tới khởi nghiệp chưa bao giờ đơn giản hơn nếu bạn chọn loại hình DNTN. Khi đó, bạn chỉ cần đăng ký tên của doanh nghiệp, bắt đầu thực hiện hoạt động kinh doanh của mình, báo cáo lãi lỗ và đóng thuế như thu nhập cá nhân bình thường. Tuy nhiên việc lựa chọn hình thức đơn giản này có thể khó tìm kiếm được nguồn vốn bên ngoài.
Mặt khác, hình thức hợp danh lại luôn yêu cầu có một bản ký thỏa thuận xác định rõ vai trò và tỷ lệ phần trăm lợi nhuận giữa các đối tác. Còn các tập đoàn và công ty TNHH lại đòi hỏi những yêu cầu khắt khe về hàng loạt báo cáo khác nhau với cổ đông cũng như các cấp chính quyền, bộ, ban, ngành.
Trách nhiệm pháp lý
Hình thức hoạt động kinh doanh theo kiểu tập đoàn giúp bạn chịu trách nhiệm pháp lý cá nhân ít nhất vì luật pháp đã coi tập đoàn có quyền pháp lý riêng của mình. Điều này có nghĩa các chủ nợ và khách hàng có thể khởi kiện tập đoàn, nhưng họ lại không thể xâm hại tới bất cứ tài sản cá nhân nào của nhân viên hoặc cổ đông trong tập đoàn.
Mặc dù hình thức TNHH cũng có sự bảo hộ luật pháp như vậy nhưng các lợi ích về thuế lại giống như của DNTN. Còn với hình thức hợp danh luôn có sự chia sẻ trách nhiệm pháp lý giữa các đối tác, điều luôn được xác định rõ trong bản thỏa thuận hợp tác đã ký kết ngay từ đầu.
Thuế
Chủ sở hữu một công ty TNHH sẽ phải đóng thuế giống như chủ một DNTN vẫn làm, đó là tất cả lợi nhuận được xem như thu nhập cá nhân và mức thuế phải đóng căn cứ vào cuối năm. Vì vậy, nếu bạn là một chủ doanh nghiệp nhỏ, bạn muốn tránh đóng thuế hai lần trong thời gian đầu thì hình thức TNHH giúp được bạn điều đó bởi nó bảo đảm bạn không bị đóng thuế cho cả công ty và cá nhân bạn.
Còn trong một công ty hợp danh, rõ ràng các đối tác sẽ coi cổ tức như thu nhập cá nhân của họ. Và kế toán của bạn có thể phải đề nghị những khoản trả trước hằng quý hoặc nửa năm một để giảm thiểu gánh nặng cuối năm cho lợi nhuận của bạn.
Với mô hình tập đoàn, bạn đưa ra báo cáo lợi nhuận trước thuế hằng năm, rồi nộp thuế theo lợi nhuận sau khi trừ chi phí, bao gồm cả lương. Nếu bạn nhận lương từ chính tập đoàn, bạn sẽ phải nộp thuế thu nhập cá nhân theo những khoản bạn được trả trong suốt cả năm đó.
Kiểm soát
Nếu việc kiểm soát độc lập toàn bộ doanh nghiệp cùng mọi hoạt động của nó là điều quan trọng đối với bạn, mô hình DNTN hoặc TNHH thực sự là lựa chọn tốt nhất cho bạn. Tuy nhiên bạn cũng có thể đàm phán việc kiểm soát như vậy trong thỏa thuận đối tác ở một công ty hợp danh.
Còn một tập đoàn được dựng lên để có một ban giám đốc đưa ra những quyết định quan trọng, chủ chốt nhằm định hướng cho sự phát triển của tập đoàn.
Một cá nhân đơn lẻ có thể kiểm soát một tập đoàn, nhất là thời kỳ đầu của nó; nhưng khi tập đoàn lớn mạnh và phát triển, điều đó cần cả một bộ phận định hướng – ban giám đốc – đầu não riêng.
Ngay cả một tập đoàn ở quy mô nhỏ thì những quy định được đề ra để định hướng cho các tổ chức lớn hơn – chẳng hạn như việc ban giám đốc mới là nơi chính thức đưa ra các quyết định quan trọng có tác động tới công ty – vẫn được áp dụng.
Vốn đầu tư
Nếu bạn cần kêu gọi thêm các nguồn vốn bên ngoài – như từ phía các nhà đầu tư hay quỹ đầu tư mạo hiểm, các khoản vay hỗ trợ từ ngân hàng hay những nguồn cung tiền khác – tốt hơn cả bạn hãy thành lập tập đoàn, bởi hình thức này cho bạn thời gian dễ dàng huy động, kêu gọi nguồn vốn bên ngoài hơn so với một DNTN.
Các tập đoàn có thể bán cổ phiếu, bảo đảm nguồn vốn bổ sung, linh hoạt cho sự phát triển của doanh nghiệp, trong khi những chủ DNTN chỉ có thể huy động vốn thông qua tài khoản cá nhân, sử dụng thẻ tín dụng của chính họ hoặc đặt vấn đề với các bạn hàng của mình.
Còn với một công ty TNHH, bạn cũng có thể phải đối mặt với những thách thức tương tự, cho dù không phải khi nào nó cũng cần người chủ doanh nghiệp sử dụng tới tài sản hoặc thẻ tín dụng riêng của mình.
Giấy phép, quyền hạn và quy định
Để hoạt động một cách hợp pháp, mọi doanh nghiệp đều phải được cấp phép kinh doanh.
Tùy theo loại hình doanh nghiệp và hoạt động của nó mà việc cấp giấy phép này thuộc thẩm quyền ở mức sở, bộ, ngành hay chính quyền cấp cao hơn. Bên cạnh đó, để bảo đảm cho việc cơ sở kinh doanh của bạn được đăng ký hợp pháp, bạn có thể cần tới một số quyền hạn cụ thể.
Và theo từng cấu trúc doanh nghiệp khác nhau mà luôn có những yêu cầu đăng ký kinh doanh bắt buộc khác nhau. Đồng thời, cũng còn tùy thuộc vào nơi bạn đăng ký kinh doanh mà có thể cần những cấp độ yêu cầu khác nhau.
Vì vậy, khi chọn lựa một hình thức pháp lý cho hoạt động kinh doanh của mình, bạn phải hiểu rõ về thể chế và ngành nghề mình tham gia. Thủ tục cấp giấy phép kinh doanh không phải là “một chiếc áo vừa cho tất cả mọi người”, còn các doanh nghiệp thường không thể nhận thức hết xem điều gì thực sự áp dụng được cho mình.
Mộc Miên