Sáng 7/5, Bộ GD&ĐT phối hợp với Học viện Ngân hàng tổ chức lễ phát động cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” năm 2019 (SV.Starup - 2019).
Đây là lần thứ hai SV.Starup được triển khai tại các trường trung học phổ thông (THPT) và trường đại học, cao đẳng (ĐH-CĐ) trên cả nước. Cuộc thi nhằm khích lệ học sinh, sinh viên xây dựng và phát triển các ý tưởng khởi nghiệp khi còn chưa tốt nghiệp. Đồng thời tạo cầu nối để học sinh, sinh viên có thể tiếp cận gần hơn với các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất.
Đây là lần thứ hai SV.Starup được triển khai tại các trường THPT và trường ĐH-CĐ trên cả nước (Ảnh Internet) |
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa cho hay, trong thời gian qua, với mong muốn đưa Việt Nam trở thành quốc gia khởi nghiệp, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách, giải pháp để thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam ngày càng toàn diện hơn. Trong đó các trường ĐH có một vai trò hết sức quan trọng đó là cung ứng, kết nối và thúc đẩy.
Qua đó, Bộ GD&ĐT đã chủ động tham mưu triển khai nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả, từng bước hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp trong các trường ĐH. Điều này sẽ tạo điều kiện tốt nhất hỗ trợ học sinh, sinh viên tích cực tham gia các hoạt động khởi nghiệp và có các dự án khởi nghiệp thành công sau khi tốt nghiệp.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa, để hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp, các trường ĐH cần có lộ trình từng bước xây dựng triển khai các nội dung như xây dựng và tạo cơ chế chính sách riêng, thúc đẩy văn hóa khởi nghiệp của học sinh, sinh viên phù hợp với đặc điểm của từng trường. Xây dựng nội dung, chương trình đào tạo về khởi nghiệp chính khóa hoặc ngoại khóa; bố trí cơ sở vật chất, hình thành các không gian khởi nghiệp trong cơ sở đào tạo phù hợp với các nhóm ngành đào tạo. Ngoài ra cần bố trí đội ngũ cán bộ đủ mạnh để hỗ trợ toàn diện các hoạt động khởi nghiệp của học sinh, sinh viên từ tư vấn, hình thành ý tưởng đến việc kết nối với các hoạt động kết nối triển khai dự án, ý tưởng khởi nghiệp.
Bên cạnh đó, các trường cần có các hoạt động kết nối doanh nghiệp, kết nối nguồn lực từ các cựu sinh viên. Đặc biệt cần sớm nghiên cứu và xây dựng các quỹ hỗ trợ khởi nghiệp cấp trường để sản xuất thử, triển khai thí điểm các dự án khởi nghiệp.
Được biết, đối tượng tham dự là học sinh, sinh viên đang học tại các trường ĐH - CĐ, học viện, trung cấp sư phạm và học sinh THPT trên toàn quốc. Các cá nhân hoặc nhóm học sinh, sinh viên của các cơ sở đào tạo đăng ký dự thi theo đơn vị trường. Các cá nhân hoặc nhóm học sinh THPT đăng ký dự thi theo đơn vị Sở GD&ĐT cấp tỉnh, TP trực thuộc Trung ương.
Các dự án khởi nghiệp tham dự cuộc thi được chia theo các lĩnh vực, khoa học, công nghệ; công nghiệp, chế tạo sản phẩm; Nông, lâm, ngư nghiệp; Giáo dục, y tế; Dịch vụ, du lịch; Tài chính, ngân hàng; Kinh doanh tạo tác động xã hội; Các ngành nghề khác và lĩnh vực kinh doanh khác.
Phần thưởng cho giải Nhất đối với các dự án khởi nghiệp của sinh viên các cơ sở đào tạo lên đến 100 triệu đồng. Bên cạnh đó nhiều giải nhì, giải ba ở các hạng mục khác nhau cũng rất có giá trị.
Công Huyền