Chỉ số VN-Index được kỳ vọng biến động từ 1.420 đến 1.950 điểm. |
Theo Công ty chứng khoán Mirae Asset, dự phóng GDP năm 2022 của Việt Nam có thể dao động trong khoảng 5,7% - 6,2% trong trường hợp Việt Nam mở cửa kinh tế thành công.
Các động lực tăng trưởng chính bao gồm Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn của làn sóng dịch chuyển FDI toàn cầu; đầu tư công được đẩy mạnh; xuất khẩu lấy lại đà tăng trưởng khi sản xuất trong nước quay trở lại hoạt động và nhu cầu bên ngoài hồi phục.
Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ kinh tế, duy trì mặt bằng cho vay thấp, ổn định vĩ mô, và việc thúc đẩy chuyển đổi số chính phủ và doanh nghiệp đóng vai trò rất quan trọng trong sự hồi phục của nền kinh tế.
Tuy nhiên, triển vọng tăng trưởng vẫn phải đối mặt với các rủi ro như: số ca nhiễm có thể tăng khi Việt Nam mở cửa kinh tế trở lại và sự phát triển các biến chủng COVID-19 mới trên phạm vi toàn cầu. Ngoài ra, lĩnh vực dịch vụ du lịch, hàng không sẽ mất nhiều năm để hồi phục.
Đồng thời, nền kinh tế vẫn phải đối mặt với nhiều rủi ro bao gồm các biến chủng COVID mới, sự thay đổi trong định hướng chính sách tiền tệ và tài khóa toàn cầu, nợ xấu, và lạm phát. Do vậy, một số công ty chứng khoán cho rằng, thị trường chứng khoán sẽ biến động hơn trong năm 2022.
Mirae Asset ước tính, tăng trưởng EPS năm 2021 của cả sàn HoSE khoảng 39% so với năm 2020 và có thể tăng 19% trong năm 2022. Chỉ số VN-Index được kỳ vọng biến động từ 1.420 đến 1.950 điểm, tương ứng P/E dao động từ 14 đến 18 lần và mức tăng trưởng kép EPS giai đoạn 2020 - 2022 từ 26% đến 30%/năm.
Theo đó, CTCP Chứng khoán Everest (EVS) đưa ra 3 nhóm ngành tâm điểm trong năm 2022. Đó là nhóm Bất động sản khu công nghiệp khi tiếp tục phát triển nhờ nhiều yếu tố tích cực. Bên cạnh đó, nhóm ngân hàng cũng được đánh giá cao khi tăng trưởng lợi nhuận ngành ngân hàng sẽ tiếp tục được duy trì ở mức tốt. Ngoài ra, nhóm ngành bán lẻ cũng có nhiều động lực thúc đẩy cho sự tăng trưởng, hồi phục và chuyển mình.
Châu Giang