Mới đây, trong báo cáo chiến lược về thị trường chứng khoán năm 2022, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định, tổng quan thế giới năm 2022 sẽ gia tăng bất ổn, trong khi lạm phát vẫn duy trì ở mức cao, các ngân hàng trung ương phải rút bớt thanh khoản và sự chuyển dịch từ tài sản rủi ro sang tài sản an toàn sẽ tiếp diễn. Vì vậy, thị trường Việt Nam vẫn hấp dẫn các nhà đầu tư trong nước và hấp dẫn hơn cả các thị trường khác trên thế giới.
Năm 2022, thị trường chứng khoán vẫn là 'vùng trũng' hút tiền. (Ảnh: Int) |
Cụ thể, sự kết hợp giữa tiến độ tiêm chủng, lĩnh vực sản xuất phục hồi, chi tiêu tiêu dùng tăng trở lại và chính sách tiếp tục hỗ trợ có thể giúp nền kinh tế tăng trưởng khoảng 6,8% vào năm 2022, cao hơn mục tiêu của Chính phủ là 6,0-6,5%.
Sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng của Việt Nam đã dần giảm bớt sau khi Chính phủ thay đổi tư duy về đối phó với đại dịch theo Nghị quyết 128, tạo động lực mạnh mẽ cho tăng trưởng trở lại của các hoạt động sản xuất. Ngoài ra, nền kinh tế toàn cầu sẽ tiếp tục phục hồi vào năm 2022, nhu cầu thế giới tích cực sẽ giúp cho tăng trưởng xuất khẩu cao được duy trì trong năm 2022.
"Việt Nam sẽ tiếp tục mang đến những cơ hội đầu tư hấp dẫn nhưng hãy lựa chọn những cổ phiếu phù hợp", báo cáo nhấn mạnh.
Theo các công ty chứng khoán, VN-Index được dự báo dao động trong khoảng 1.340 - 1.730 điểm, dựa trên kịch bản tăng trưởng EPS 17% và mức PE dự phóng là 16,4 lần.
Bên cạnh đó, giá trị giao dịch trên mỗi tài khoản của các nhà đầu tư cá nhân đang tăng mạnh theo thời gian. Ước tính bình quân mỗi tháng năm 2022 sẽ có thêm khoảng 150.000 tài khoản mở mới với thanh khoản khớp lệnh bình quân toàn thị trường có thể dao động ở mức 30.000-35.000 tỷ đồng/phiên. Kỳ vọng thị trường chứng khoán sẽ tiếp tục thu hút các nhà đầu tư mới, phù hợp với mục tiêu của Chính phủ để đạt được 5% dân số có tài khoản chứng khoán vào năm 2025.
Hiện tại, các công ty chứng khoán đang tăng cường huy động vốn để tăng nguồn cho vay margin. Nếu thành công, sẽ có thêm nguồn tiền mới chảy vào thị trường khoảng 144.400 tỷ đồng (tăng gấp đôi so với năm 2020) - mức cao nhất từ trước tới nay. Con số này hoàn toàn phù hợp với sự gia tăng của các nhà đầu tư F0 và thanh khoản, hỗ trợ thúc đẩy thị trường tiến xa hơn.
Tuy nhiên, thị trường có thể sẽ dễ biến động mạnh trước thông tin tiêu cực, nhất là khi định giá cổ phiếu đã lên mặt bằng cao hơn rất nhiều, thậm chí nhiều cổ phiếu đã tăng mạnh hơn cả giá trị thật của doanh nghiệp.
Những thông tin có thể xem là tiêu cực có thể kể đến là rủi ro lạm phát tăng mạnh, xác suất lây nhiễm đối với các chủng virus kháng vắc xin sẽ góp phần gia tăng tính bất định của quá trình phục hồi kinh tế và các biến động về chính sách tiền tệ gây ra biến động tiêu cực trên thị trường chứng khoán quốc tế.
H.Giang