Bộ Tài chính cho biết, tính tới ngày 15/11/2018 vẫn còn 667 doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) đã cổ phần hóa nhưng chưa thực hiện đăng ký giao dịch, niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán. Trong số này, mới chỉ có khoảng 44 doanh nghiệp cho biết đang thực hiện thủ tục để chuẩn bị cho việc đăng ký giao dịch, niêm yết.
Trong danh sách bị “bêu tên” có khá nhiều cái tên quen thuộc như: Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PG Bank), CTCP Len Việt Nam, CTCP Vật tư và XNK Hóa chất (thuộc tập đoàn hóa chất Việt Nam), CTCP Vinalines Nha Trang, CTCP Điện tử và truyền hình cáp Việt Nam, CTCP Kinh doanh thiết bị và truyền thông, CTCP Gạch men Cosevco, CTCP Môi trường dịch vụ đô thị Phú Thọ, CTCP Xuất nhập khẩu thủy sản Quảng Nam…
Nhiều lý do “trời ơi”
Hầu hết các doanh nghiệp đều đưa ra những nguyên nhân khác nhau để lý giải về việc chưa hoàn thành nghĩa vụ lên sàn sau cổ phần hóa. Phổ biến nhất là các lý do không đủ số lượng cổ đông cần thiết, vốn điều lệ nhỏ hơn 10 tỷ đồng…
Ngoài ra, cũng có nhiều nguyên nhân khác như: đang hoàn thiện hồ sơ quyết toán, đang tiến hành bàn giao cho SCIC, hoàn thiện hồ sơ lưu ký, đang hoàn tất thủ tục lên sàn…
Tuy nhiên, cũng có những lý do hết sức “trời ơi” như doanh nghiệp cho rằng việc niêm yết chưa mang lại nhiều lợi ích cho cổ đông và công ty hay do tỷ lệ sở hữu của Nhà nước dưới 50% vốn điều lệ nên không quyết định được việc lên sàn hay đang trong quá trình tái cơ cấu nên chưa “kịp” triển khai kế hoạch…
Hay như nhiều doanh nghiệp giải thích, việc chậm đưa cổ phiếu lên đăng ký giao dịch, niêm yết là do chưa nắm được các quy định về đưa cổ phiếu lên sàn, phải tiến hành tổ chức Đại hội đồng cổ đông để xin ý kiến về phương án đưa cổ phiếu lên sàn, kiểm toán báo cáo tài chính…
Có thể kể đến trường hợp của PGBank, theo công văn của ngân hàng gửi Bộ Tài chính, do PGBank đang trong quá trình thực hiện tái cơ cấu nên chưa có kế hoạch giao dịch, niêm yết trên sàn chứng khoán.
Tuy nhiên, hồi tháng 9 vừa qua, NHNN đã chấp thuận về mặt nguyên tắc việc sáp nhập của PGBank vào HDBank, như vậy, câu chuyện lên sàn của PGBank có lẽ không cần nhắc tới.
Kinh doanh thua lỗ nhiều năm cũng là lý do làm “cản trở” quá trình lên sàn của nhiều doanh nghiệp bất chấp việc UPCoM không yêu cầu phải có lãi vài năm trước đó mới được niêm yết như HoSE và HNX.
Hay như trường hợp của một CTCP Cấp nước trực thuộc UBND tỉnh Phú Thọ cho biết nguyên nhân chậm trễ lên sàn là do… “người đại diện phần vốn nhà nước chưa quan tâm”!?
Bộ Tài chính nhận định việc nhiều doanh nghiệp chậm đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán ảnh hưởng đến tính công khai, minh bạch của thị trường; chậm đổi mới công tác quản trị doanh nghiệp sau cổ phần hóa theo thông lệ và chuẩn mực của các doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán, cũng như hạn chế công tác giám sát của toàn xã hội đối với hoạt động của các doanh nghiệp này.
Trên thực tế, theo đánh giá của Bộ Tài chính, hầu hết các doanh nghiệp cổ phần hóa đã niêm yết trên thị trường chứng khoán đã có lãi và có sự tăng trưởng cả về doanh thu cũng như lợi nhuận.
Vấn đề chính của việc doanh nghiệp “trốn” lên sàn là do con người |
Ai được, ai mất?
Tỷ trọng doanh thu và lợi nhuận của các DNNN chiếm khá lớn so với toàn thị trường niêm yết nói chung.
Như vậy, lý do thật sự của việc doanh nghiệp “chây ỳ” lên sàn là gì khi các doanh nghiệp này đều có những lợi thế nhất định do được thừa hưởng cơ sở vật chất, nguồn nhân lực và các ưu đãi từ chính sách cổ phần hóa?
Theo nhận định của một chuyên gia kinh tế, DNNN cổ phần hóa không muốn lên sàn vì không muốn công khai minh bạch, không muốn đổi mới, doanh nghiệp chây ỳ lên sàn thêm ngày nào, thì ngày đó còn mang lại những lợi ích cho ban lãnh đạo doanh nghiệp.
Việc bắt buộc các doanh nghiệp lên sàn là nhằm minh bạch hóa thông tin, tài sản nhà nước được đảm bảo, tạo niềm tin cho các nhà đầu tư, cổ đông có quyền được biết về hoạt động của doanh nghiệp, tình hình tài chính một cách cụ thể.
Ngoài ra, niêm yết sau khi cổ phần hóa cũng là một kênh gọi vốn đầu tư hiệu quả, muốn biết “sức khỏe” của doanh nghiệp chỉ cần nhìn vào diễn biến giá của cổ phiếu.
Ngược lại, DNNN cổ phần hóa nhưng không niêm yết trên thị trường chứng khoán thì chỉ là “bình mới, rượu cũ”, hơn nữa, cổ đông Nhà nước chiếm tới 70-80% vốn điều lệ sẽ khiến cổ phiếu rơi vào tình trạng không có thanh khoản thì về bản chất vẫn là như nhau.
Theo quan điểm từ một nhà đầu tư, bình thường ngay tại những doanh nghiệp trên sàn thì quyền lợi của cổ đông nhỏ lẻ vẫn còn bị xâm phạm không ít. Vậy nên, với những doanh nghiệp ngoài sàn, quyền lợi của cổ đông nhỏ lẻ càng khó được đảm bảo.
Bởi việc doanh nghiệp “trốn” lên sàn còn tạo điều kiện cho nhiều hoạt động không minh bạch khác, gây nên những “ẩn họa” không chỉ cho nhà đầu tư cá nhân mà ngay cả cổ đông nhà nước.
Trên thực tế, có rất nhiều doanh nghiệp sau cổ phần hóa đã gây thất thoát tài sản của Nhà nước như đất đai, bộ máy quản lý cồng kềnh, nhiều cán bộ thiếu năng lực vẫn được tuyển dụng nhờ một “mối quan hệ” nào đó như câu chuyện của Sabeco trong quá khứ.
Để chấn chỉnh tình trạng trì trệ lên sàn như hiện nay, các nhà đầu tư đề xuất các cơ quan quản lý cần tăng cường các hoạt động thanh tra, kiểm tra từ đó xác minh rõ ràng sai phạm của doanh nghiệp, trên cơ sở đó áp dụng chế tài xử phạt mạnh tay nhằm đảo bảo quyền lợi cho các nhà đầu tư.
Linh Đan