Tại Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2018, OCB đặt kế hoạch đưa cổ phiếu lên niêm yết trên sàn HoSE trong quý cuối năm với kỳ vọng đạt 1 tỷ USD vốn hóa. Nếu kế hoạch đúng như dự kiến, OCB sẽ trở thành ngân hàng thứ tư niêm yết trên HoSE trong năm 2018, sau HDBank, TPBank và Techcombank.
Cổ phiếu tiềm năng
Mới đây, OCB đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận cho tăng vốn điều lệ lên 7.500 tỷ đồng.
Trước đó, OCB đã thu về hơn 900 tỷ đồng từ đợt phát hành cổ phiếu trả cổ tức và chào bán cho cổ đông hiện hữu, nhằm nâng cao năng lực tài chính, đảm bảo hệ số an toàn vốn (CAR) và đáp ứng các tiêu chuẩn Basel II.
Theo đó, OCB sẽ đưa 750 triệu cổ phiếu lên sàn HoSE. Mặc dù giá khởi điểm vẫn chưa được công bố nhưng trên sàn OTC, cổ phiếu OCB đã tăng mạnh, từ mức 7.100 đồng/cp (9/3/2017) lên mức 17.200 đồng/cp hồi đầu năm 2018.
Thậm chí, có thời điểm OCB đã tăng lên 21.000 đồng/cp, gấp ba lần năm 2017. Hiện tại, dù đã có sự điều chỉnh nhưng vẫn dao động quanh mức 20.000 đồng/ cp và được giới đầu tư hết sức quan tâm.
Điều này được thể hiện qua phiên đấu giá cổ phần OCB của Vietcombank diễn ra mới đây khi toàn bộ 1,4 triệu cổ phiếu OCB đã được bán cho hai nhà đầu tư.
Giá trúng bình quân là 20.501 đồng/cp, tương đương tổng giá trị đạt hơn 30 tỷ đồng, giá đấu cao nhất đạt 22.200 đồng/cp. Đây là số cổ phiếu mà Vietcombank được nhận trong đợt chi trả cổ tức năm 2017, tỷ lệ 14,2%.
Trước đó, hồi tháng 4/2018, Vietcombank cũng bán đấu giá thành công 5,2 triệu cổ phần tại OCB với mức giá bình quân 25.735,2 đồng/cp, gần gấp đôi giá khởi điểm là 13.000 đồng/cp.
Sự tăng trưởng về thị giá của OCB trên sàn OTC một phần đến từ kết quả kinh doanh khả quan của ngân hàng này. Tại ĐHĐCĐ thường niên, ban lãnh đạo OCB cho biết trong nhiều năm qua, OCB đã khẳng định được vị thế từ một ngân hàng nhỏ có nhiều thứ chưa hoàn thiện thành một ngân hàng có tốc độ tăng trưởng gấp đôi trung bình ngành, lợi nhuận hàng năm của OCB liên tục tăng gấp đôi.
Trong 6 tháng đầu năm 2018, OCB chính thức góp mặt trong danh sách các ngân hàng có lợi nhuận nghìn tỷ với lợi nhuận sau thuế đạt 1.041 tỷ đồng, tăng tới 163% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tính tới ngày 30/6/2018, tổng tài sản OCB đạt 90.831 tỷ đồng, tăng 7,75% so với cuối năm 2017; cho vay khách hàng đạt 52.901 tỷ đồng, tăng 10,7% so với cuối năm 2017 và 25% so với cùng kỳ năm 2017.
Năm 2018, HĐQT trình lên ĐHĐCĐ kế hoạch kinh doanh năm 2018 với mức lợi nhuận trước thuế gấp đôi năm 2017, đạt 2.000 tỷ đồng.
Nhiều người tỏ ra hoài nghi với mục tiêu này của OCB nhưng trong một thông báo mới đây, Tổng Giám đốc Nguyễn Đình Tùng đã úp mở về kết quả kinh doanh 9 tháng với sự tự tin sẽ về đích sớm.
Trên sàn OTC, cổ phiếu của OCB đã tăng mạnh lên gấp gần 3 lần trong vòng một năm qua và được giới đầu tư săn lùng |
Cơ hội và thách thức
Trong một vài năm gần đây, khối ngoại có xu hướng muốn đẩy mạnh đầu tư vào ngành ngân hàng, OCB cũng là một trong những nhà băng được khối này "nhòm ngó".
Thực tế, hồi tháng 10/2017, Quỹ Vietnam Opportunity Fund VinaCapital đã phải bỏ ra khoảng 11 triệu USD vào OCB để sở hữu gần 5% cổ phần.
Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, cuối tháng 12/2017, cổ đông chiến lược BNP Paribas đã thoái toàn bộ hơn 74 triệu cổ phần, tương đương 18,68% vốn điều lệ của OCB sau hơn 10 năm gắn bó.
Theo công bố mới nhất của OCB, tỷ lệ nắm giữ của nhà đầu tư nước ngoài hiện tại của ngân hàng này là 4,98% vốn điều lệ. OCB sẽ bán cổ phần cho đối tác nước ngoài trước khi niêm yết.
Trung tuần tháng 8, OCB đã hoàn tất việc phát hành cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu từ lợi nhuận chưa phân phối lũy kế đến ngày 31/12/2017, tỷ lệ 14,2% với giá trị trên 695 tỷ đồng. Bên cạnh đó, OCB sẽ phát hành thêm 20,5% cổ phần cho cổ đông hiện hữu với giá 10.000 đồng/cp, giá trị khoảng 1.004 tỷ đồng.
Thực tế, bài toán lợi nhuận sau khi lên sàn nhìn từ HDBank và VPBank khiến giới đầu tư háo hức và trông chờ thời khắc cổ phiếu đó lên sàn. Tính đến thời điểm hiện tại vẫn còn nhiều ngân hàng thờ ơ với kế hoạch lên sàn như: ABBank, Nam A Bank…, thì "làn gió mới" OCB được nhiều nhà đầu tư đặt nhiều kỳ vọng.
Lên sàn đúng thời điểm sẽ là cơ hội, nhưng trong bối cảnh thị trường chứng khoán có nhiều biến động như hiện tại, cổ phiếu ngân hàng cũng không còn quá hấp dẫn sau khoảng thời gian tăng trưởng mạnh trước đó cũng đặt ra nhiều thách thức cho OCB.
Thực tế, nếu so sánh về quy mô, doanh thu, lợi nhuận và thương hiệu thì OCB vẫn là cái tên tương đối "mờ nhạt" trong toàn ngành ngân hàng.
Hơn nữa, mặc dù báo lãi đậm trong nửa đầu năm 2018 nhưng nợ xấu của ngân hàng này cũng đang tăng mạnh, vượt ngưỡng nghìn tỷ (1.088 tỷ đồng), tương đương tỷ lệ nợ xấu cũng tăng từ 1,8% lên 2,06%. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn ở mức 540 tỷ đồng, giảm nhẹ 5,5% và chiếm 49,6% tổng nợ xấu.
Kết thúc quý II/2018, dư nợ cho vay khách hàng của OCB tăng 9,8% lên mức 52.900 tỷ đồng, huy động tiền gửi tăng trưởng chậm hơn với 56.973 tỷ đồng, tương đương tăng 7% so với đầu năm.
Tín dụng tăng trưởng cho vay cũng đồng nghĩa với việc OCB phải đối mặt với nguy cơ nợ xấu trong tương lai là rất cao.
Linh Đan