Ngày 10/12 tới, 100 triệu cổ phiếu C4G của CTCP Tập đoàn Cienco4 sẽ chính thức giao dịch trên UPCoM với giá tham chiếu 14.000 đồng/cp, tương đương giá trị vốn hóa đạt 1.400 tỷ đồng.
Hiện, cổ phiếu của Cienco4 đang được giao dịch trên "chợ" OTC với giá 20.000 đồng/cp, tuy nhiên lượng mua bán khá đìu hiu.
"Bóng ma" nợ vay
Trên thị trường, Cienco4 vẫn luôn được biết đến là "trùm thầu số 1" trong lĩnh vực hạ tầng giao thông khi có mặt hầu hết tại các dự án lớn. Ngoài mảng xây lắp và thi công cơ sở hạ tầng, Cienco4 còn lấn sân sang đầu tư vào các dự án BOT giao thông.
Tính đến thời điểm hiện tại, Cienco4 có 16 dự án đã ký kết và đang triển khai với tổng mức đầu tư hơn 11.700 tỷ đồng, chủ yếu là các dự án BOT về hạ tầng giao thông.
Tuy nhiên, trong những năm qua, doanh thu của Cienco4 có xu hướng giảm mạnh: năm 2015 đạt 6.147 tỷ đồng, nhưng đến năm 2017 giảm xuống chỉ còn 4.094 tỷ đồng.
Theo Báo cáo tài chính 9 tháng năm 2018 của Cienco4, công ty ghi nhận 2.337 tỷ đồng doanh thu, giảm gần 11% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt gần 131,6 tỷ đồng, tăng gần 31% so với cùng kỳ do ghi nhận thêm khoản lợi nhuận khác 945,3 triệu đồng, trong khi cùng kỳ khoản mục này lỗ hơn 7,8 tỷ đồng.
Tính đến ngày 30/6/2018, tổng tài sản của Cienco4 đạt 7.727 tỷ đồng, tăng gần 4,5% so với đầu kỳ. Đáng chú ý, khoản nợ phải trả của công ty lên tới 6.564 tỷ đồng, tăng 5,3% so với đầu kỳ và cao hơn khoảng 5,6 lần so với vốn chủ sở hữu (1.162 tỷ đồng).
Cụ thể, nợ ngắn hạn 3.578 tỷ đồng, vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn chiếm gần một nửa với 1.603 tỷ đồng; nợ dài hạn hơn 2.986 tỷ đồng, chủ yếu là vay nợ tài chính (hơn 2.629 tỷ đồng). Bên cạnh đó, khoản phải trả người bán, phải trả khác cũng lên tới 1.445 tỷ đồng.
Cơ cấu tài sản của Cienco4 phần lớn là các khoản phải thu ngắn hạn ghi nhận giá trị đạt 2.974 tỷ đồng và tài sản dài hạn ghi nhận giá trị đạt 4.109 tỷ đồng. Khoản mục tiền và các khoản tương đương tiền chỉ chiếm tỷ trọng rất nhỏ với 89 tỷ đồng tính đến ngày 30/9/2018.
Với tỷ lệ nợ phải trả/ vốn chủ sở hữu cao, trong khi dự án BOT đang gặp rất nhiều khó khăn về thủ tục pháp lý, thủ tục quyết toán…, áp lực trả nợ gốc và lãi vay ngân hàng của Cienco4 rất lớn, nhất là khi lãi suất cho vay được dự báo sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Mới đây, HĐQT Cienco4 đã quyết định dừng triển khai các dự án không khả thi và tập trung quyết toán các dự án BOT giao thông như: Dự án Thái Nguyên – Chợ Mới; dự án mở rộng Quốc lộ 1A đoạn Nghi Sơn – Cầu Giát… Trong giai đoạn 2019-2021, Cienco4 dự kiến sẽ chuyển nhượng một số dự án như: dự án Long Sơn 1, 2, 3, 4, 5, Khu du lịch Cầu Cau.
Cơ cấu cổ đông nhập nhằng liệu có làm giảm sức hấp dẫn của C4G? |
Nhập nhằng sở hữu
Tính đến hết ngày 25/10/2018, Cienco4 có ba cổ đông lớn. Trong đó, cổ đông lớn nhất là CTCP New Link với tỷ lệ sở hữu 20,75%, tiếp đến là công ty TNHH Đầu tư Thượng Hải với tỷ lệ sở hữu 14,13% và CTCP Xây dựng Dũng Hưng với tỷ lệ sở hữu 10,9%.
Trong đó, Đầu tư Thượng Hải mới trở thành cổ đông của Cienco4 từ tháng 3/2018 sau khi nhận chuyển nhượng toàn bộ 14,13 triệu cổ phần Cienco4 (tương ứng với 14,13% vốn điều lệ) từ công ty TNHH XNK và Dịch vụ tổng hợp Nhật Minh.
Thương vụ chuyển nhượng này khiến nhiều người nghi vấn bởi phương thức giao dịch được áp dụng là thỏa thuận trực tiếp và đặc biệt hơn là cả hai doanh nghiệp nói trên đều có liên quan tới ông Nguyễn Văn Tuấn – Chủ tịch HĐQT vừa được bổ nhiệm hồi tháng 4/2018 của Cienco4.
Cụ thể, công ty TNHH XNK và Dịch vụ tổng hợp Nhật Minh do ông Tuấn làm Chủ tịch HĐQT, còn Đầu tư Thượng Hải do ông Nguyễn Văn Thành – em trai của ông Tuấn là một trong hai thành viên sáng lập.
Thành viên còn lại của Đầu tư Thượng Hải là ông Nguyễn Tuấn Nghi – em trai của Tổng Giám đốc Cienco4 Nguyễn Tuấn Huỳnh. Hai cá nhân này mỗi người sở hữu 50% vốn điều lệ của Đầu tư Thượng Hải.
Trước khi mua lại lượng cổ phần nói trên của Nhật Minh, ông Nghi cũng sở hữu hơn 1,5 triệu cổ phần của Cienco4 (tương đương 1,5% vốn).
Trong khi đó, cổ đông lớn CTCP New Link không phải là một cái tên quá xa lạ, bởi đây chính là CTCP Tập đoàn VPA – cổ đông từng nắm 27,33% vốn của Cienco4. Tuy nhiên, đến cuối năm 2017, con số trên đã suy giảm đáng kể về còn hơn 20% như hiện tại.
Trước đó, tại thời điểm cuối năm 2016, sau khi thực hiện tăng vốn từ 600 tỷ đồng từ khi cổ phần hóa lên 1.000 tỷ đồng cùng sự rút lui "chóng vánh" của hai cổ đông chiến lược CTCP Đầu tư Xây dựng Tuấn Lộc và Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB), hai doanh nghiệp có liên hệ mật thiết với ông Lê Ngọc Hoa – nguyên Tổng Giám đốc Cienco4 là CTCP Tập đoàn VPA và Nhật Minh đã được thay thế.
Là doanh nghiệp hàng đầu trong số các Cienco trước đây của Bộ GTVT với bề dày lịch sử về danh tiếng và uy tín, Cienco4 sẽ không gặp nhiều khó khăn để lấy lại đà và tiếp tục phát triển. Đặc biệt, động thái lên sàn nhằm kêu gọi vốn càng khiến Cienco4 như "hổ mọc thêm cánh".
Tuy nhiên, bên cạnh lịch sử uy tín, Cienco4 cũng có lịch sử biến động về cơ cấu sau 4 năm cổ phần hóa. Trước những mối quan hệ, những sở hữu liên quan "mập mờ" có khiến cổ phiếu C4G hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư trên sàn chứng khoán?
Chỉ trong thời gian ngắn, tại Cienco4 đã có khá nhiều biến động về mặt cơ cấu tổ chức, từ việc "sang tên" cổ phần đến màn "thay tướng" nhanh chóng, khiến nhiều người tỏ ra nghi ngại tính ổn định của doanh nghiệp.
Giá trị quyền sử dụng đất của Cienco4 đến 30/6/2018 là 13,42 tỷ đồng, bao gồm các lô đất tại: số 19 ngõ 1043 đường Giải Phóng, phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội; số 29 Quang Trung, phường Quang Trung, Tp Vinh, Nghệ An; số 62 – 68 đường 50, KP9, phường Tân Tạo, quận Bình Tân, Tp.HCM; số 37 đường Đào Duy Anh, phường 9, quận Phú Nhuận, Tp.HCM.
Linh Đan