Trong một báo cáo tổng quan mới đây, Bộ Tài chính nhận định, thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đã có bước phát triển mạnh mẽ, thậm chí có dấu hiệu tăng trưởng "nóng" giúp doanh nghiệp huy động được nguồn vốn trung dài hạn trong nền kinh tế, giảm thiểu lệ thuộc vào nguồn tín dụng ngân hàng nhưng cũng tiềm ẩn khá nhiều rủi ro.
Từ khuyến khích...
Ngày 4/12/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 163/2018/NĐ-CP quy định về phát hành TPDN thay thế Nghị định số 90/2011/NĐ-CP nhằm tạo dựng khuôn khổ pháp lý mới cho các doanh nghiệp huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu.
Nghị định này ban hành với các điều kiện phát hành được nới lỏng nhằm mục tiêu tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu, phát triển thị trường TPDN nhằm giảm bớt gánh nặng huy động vốn cho kênh tín dụng ngân hàng.
Ngay khi Nghị định có hiệu lực, nhiều trường hợp gọi vốn thành công cho doanh nghiệp (kể cả doanh nghiệp chưa niêm yết), đã góp phần mở ra một “chương mới” cho thị trường TPDN. Sẽ không là nói quá khi coi năm 2019 là năm của TPDN với hàng loạt đợt phát hành, quy mô thị trường ngày càng tăng và dần trở thành kênh dẫn vốn quan trọng cho nhiều doanh nghiệp.
Theo báo cáo thị trường TPDN Việt Nam năm 2019 của CTCP Chứng khoán SSI, trong năm 2019 có 211 doanh nghiệp thực hiện chào bán tổng cộng 300.588 tỷ đồng trái phiếu, chia làm 807 đợt phát hành trong đó có 12 đợt phát hành không thành công. Tổng số trái phiếu phát hành cả năm đạt 280.141 tỷ đồng, tương đương 93,2% giá trị chào bán và tăng 25% so với năm 2018.
Thống kê của SSI cho thấy, hầu hết các doanh nghiệp phát hành dưới hình thức riêng lẻ, chỉ có khoảng 6% phát hành ra công chúng bởi các ngân hàng thương mại. Lượng phát hành lớn trong năm đã khiến quy mô thị trường TPDN tăng mạnh từ 9,01% GDP (2018) lên khoảng 11,3% GDP (2019), tổng lượng TPDN lưu hành đạt gần 670.000 tỷ đồng.
Gây ấn tượng nhất là Công ty Đầu tư Thương mại Hồng Hoàng đã phát hành lượng trái phiếu có trị giá hơn 1.403 tỷ đồng với mức lãi suất “khủng” lên tới 20%/năm, trong khi trước đó, TPDN có lãi suất cao nhất là 14,5%/năm do một doanh nghiệp bất động sản phát hành.
Có ý kiến cho rằng, dù phát triển khá nhanh nhưng quy mô thị trường TPDN còn nhỏ so với các cấu phần khác của thị trường vốn như trái phiếu chính phủ, thị trường cổ phiếu; so với kênh huy động vốn tín dụng ngân hàng và quy mô của các nước trong khu vực (thị trường TPDN các nước trong khu vực có quy mô đạt 20-50% GDP). Do đó, việc tiếp tục đẩy mạnh sự phát triển của thị trường TPDN vẫn là điều cần thiết trong thời gian tới.
TPDN giải quyết được nỗi lo về vốn cho doanh nghiệp nhưng lại mang đến rủi ro cho nhà đầu tư |
... Đến lo quá đà
Giữa lúc thị trường đang trong đà phát triển, các chuyên gia tài chính, cơ quan chức năng lại đồng loạt đưa ra các cảnh báo về những rủi ro của sản phẩm TPDN. Bộ Tài chính đã dẫn số liệu thống kê của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, trong 11 tháng đầu năm 2019 có 28/177 doanh nghiệp có khối lượng phát hành trái phiếu vượt quá 3 lần vốn chủ sở hữu (chiếm 27,8% tổng khối lượng phát hành).
Trong số vượt quá trên có 11 doanh nghiệp có khối lượng phát hành vượt tới 50 lần vốn chủ sở hữu, 6 doanh nghiệp có khối lượng phát hành vượt tới 100 lần vốn chủ sở hữu.
“Trong số các doanh nghiệp phát hành trái phiếu với khối lượng lớn, một số doanh nghiệp không làm rõ mục đích sử dụng vốn và phương án bố trí nguồn thanh toán gốc, lãi trái phiếu”, báo cáo của Bộ Tài chính cho biết.
Qua đây có thể thấy, nhiều doanh nghiệp đã khá lạm dụng trái phiếu để gọi vốn. Chưa kể các đơn vị này lách hạn mức tín dụng và một số ngân hàng xem đây là một hình thức cho vay không bị hạn chế bởi những quy định khắt khe.
Do đó, để nhằm hạn chế tình trạng doanh nghiệp có quy mô vốn nhỏ phát hành trái phiếu với khối lượng lớn tiềm ẩn rủi ro cho cả doanh nghiệp phát hành và nhà đầu tư mua trái phiếu, Bộ Tài chính đang hoàn thiện dự thảo một nghị định bổ sung điều kiện về giới hạn khối lượng phát hành trái phiếu.
Theo đó, giới hạn dự kiến sẽ theo hướng doanh nghiệp phát hành phải đảm bảo dư nợ TPDN phát hành riêng lẻ không vượt quá 3 lần vốn chủ sở hữu tại báo cáo tài chính quý gần nhất được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Trường hợp doanh nghiệp muốn phát hành trái phiếu vượt quá 3 lần vốn chủ sở hữu thì lựa chọn kênh phát hành ra công chúng với tiêu chuẩn, điều kiện cao hơn và công khai, minh bạch hơn.
Về tần suất phát hành, các đợt phát hành phải cách nhau tối thiểu 6 tháng và quy định trái phiếu phát hành trong mỗi đợt phải có cùng điều kiện, điều khoản. Về lãi suất phát hành, dự thảo bổ sung quy định về trần lãi suất phát hành theo quy định tại điều 468 Luật Dân sự năm 2015 (không quá 20%/năm) và quy định chi phí trả lãi trái phiếu là chi phí lãi vay của doanh nghiệp khi xác định thu nhập tính thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định pháp luật về thuế.
Các doanh nghiệp phát hành phải có tổ chức phát hành là các công ty chứng khoán được phép thực hiện hoạt động tư vấn, trừ trường hợp tổ chức phát hành là công ty chứng khoán.
Thực tế, đầu tư là chấp nhận rủi ro bởi không có gì để đảm bảo sự an toàn 100%. Tuy nhiên, chính sách là do cơ quan lập nên, “lỗ hổng” và khiếm khuyết cũng xuất phát từ chính sách. Cần phải nhắc lại về mục đích ban đầu của Nghị định 163 là tạo điều kiện để doanh nghiệp phát hành trái phiếu, nhưng chính Nghị định này lại đang mang lại những rủi ro cần cảnh báo.
Linh Đan