Trong năm 2019, khối lượng trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) phát hành tăng mạnh so với năm 2018. Số liệu cập nhật từ Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) cho thấy lũy kế 11 tháng đầu năm 2019, 189 DN đã thực hiện 726 đợt phát hành trái phiếu, qua đó huy động được lượng vốn lên đến 233.000 tỷ đồng với kỳ hạn phát hành bình quân là 4,13 năm.
Theo mục tiêu đề ra tại Quyết định số 1191/ QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 14/8/2017, dự kiến dư nợ thị trường TPDN đạt khoảng 7% GDP vào năm 2020 và khoảng 20% GDP vào năm 2030, nhưng đến năm 2018 và nối tiếp năm 2019 đã đạt trên 10% GDP.
Tiếp “sóng” năm cũ
Trong năm qua, 2 đối tượng phát hành TPDN chính gồm: các ngân hàng huy động vốn trung và dài hạn nhằm đáp ứng chuẩn Basel II cũng như lộ trình giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn; nhóm các DN bất động sản (BĐS) do bị siết tín dụng bởi hệ số rủi ro cho vay BĐS được quy định ở mức cao.
Hiện, nhà đầu tư (NĐT) trái phiếu lớn nhất vẫn là các ngân hàng, tiếp đến là các công ty chứng khoán. Các công ty chứng khoán hoạt động như một đơn vị trung gian và phân phối lại trái phiếu phát hành cho NĐT khác như ngân hàng, DN, NĐT cá nhân.
Những năm trước, TPDN phát hành riêng lẻ thường có kỳ hạn từ 1-3 năm. Tuy nhiên, các DN hiện nay thường phát hành trái phiếu kỳ hạn từ 5 năm trở lên, phần lớn các đợt phát hành này có lãi suất thả nổi bằng lãi suất tiền gửi một năm của một hoặc một số ngân hàng thương mại trong nước cộng với biên độ từ 2 – 4%; có rất ít đợt phát hành với lãi suất cố định.
Trong một sự kiện mới đây của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), ông Đỗ Ngọc Quỳnh – Tổng thư ký, cho biết sự tăng trưởng của thị trường TPDN thời gian qua là phù hợp với chủ trương của Chính phủ về phát triển thị trường vốn, giúp giảm áp lực cho kênh tín dụng ngân hàng.
Bước sang năm 2020, thị trường TPDN được dự báo sẽ tiếp tục sôi động khi cả cung và cầu nhiều khả năng vẫn được duy trì. Lợi tức trái phiếu cao hơn so với lãi suất tiền gửi ngân hàng khiến thị trường này càng thêm hấp dẫn các NĐT cá nhân, trong khi lãi suất trái phiếu chính phủ thấp sẽ giúp gia tăng nhu cầu đầu tư TPDN của các NĐT tổ chức.
Ts. Cấn Văn Lực – Kinh tế trưởng BIDV, dự báo trong năm 2020 sẽ có ít nhất 300.000 tỷ đồng trái phiếu sẽ được phát hành ra thị trường.
Đồng thuận quan điểm này, tại Diễn đàn Đầu tư và Phát triển Kinh doanh 2020, ông Lý Hoài Văn – Phó Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB), cho rằng thị trường TPDN sẽ tăng trưởng khoảng 50% trong năm nay.
TPDN được dự báo sẽ khiến thị trường cổ phiếu khó tăng trưởng |
Cạnh tranh với cổ phiếu
Sự phát triển nhanh trong những năm gần đây về cả quy mô, tính đa dạng và khả năng tiếp cận NĐT nhỏ của thị trường TPDN là không thể phủ nhận. Quy mô phát hành trái phiếu tăng mạnh đã tạo một dòng chảy lớn dần trên thị trường.
Cơ sở cho sự phát triển này là Nghị định 163 đã tạo hành lang pháp lý thông thoáng hơn cho thị trường TPDN. Trong khi đó, các chính sách từ Ngân hàng Nhà nước như giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn, giới hạn cho vay với một khách hàng không quá 15% vốn tự có, điều chỉnh hệ số rủi ro với cho vay BĐS… đã tạo ra sự dịch chuyển trong kênh huy động vốn của DN.
Tuy nhiên, báo cáo vĩ mô của Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) lại đưa ra lo ngại về việc phát triển này sẽ tạo ra sự cạnh tranh lớn đối với thị trường cổ phiếu vốn đã “hẩm hiu” từ năm 2019.
Thực tế, dù vẫn ghi nhận sự tăng trưởng nhưng năm 2019 là một năm tối màu của thị trường chứng khoán Việt Nam. Đặc biệt là thanh khoản trên thị trường cổ phiếu đã sụt giảm mạnh so với năm 2018.
Thanh khoản bình quân trên HoSE và HNX chỉ đạt 4.444 tỷ đồng/ phiên, giảm mạnh so với mức 6.283 tỷ đồng/phiên trong năm 2018, tương ứng với mức giảm 29,3%. Sự sụt giảm thanh khoản cho thấy dòng tiền vào thị trường khá yếu ớt.
Xu hướng giảm này diễn ra trong bối cảnh thị trường liên tục tiếp nhận những thông tin vĩ mô tích cực trong nước như GDP tăng vượt kỳ vọng, ký kết và thực thi các hiệp định thương mại mới như EVFTA hay CPTPP, Ngân hàng Nhà nước cắt giảm lãi suất, Luật Chứng khoán sửa đổi được thông qua hay sự ra đời của các sản phẩm mới.
Đặc biệt, theo khảo sát của Thời báo Kinh doanh, mức độ quan tâm của các NĐT với TPDN đang tăng mạnh bởi tính linh hoạt của sản phẩm này. Đây sẽ là một kênh để các NĐT bổ sung và phân bổ danh mục của mình.
Trong khi đó, năm 2020 được đánh giá là năm “bản lề” của thị trường chứng khoán, đảm bảo yêu cầu quy mô thị trường phải tăng cả về chất và lượng để trở thành kênh dẫn vốn trung và dài hạn quan trọng cho nền kinh tế.
Thế nhưng, rủi ro bị áp đảo bởi thị trường TPDN, song song với những diễn biến tiêu cực từ lạm phát, quan hệ thương mại Mỹ – Trung… đang đe dọa dấu mốc quan trọng này của thị trường cổ phiếu.
Linh Đan