Từ ngày 2 đến 7/7/2019, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng sẽ có thời gian làm việc tại Vương quốc Anh và chủ trì hội nghị xúc tiến đầu tư gián tiếp nước ngoài vào Việt Nam, tổ chức tại London với chủ đề "Đầu tư vào Việt Nam".
Sự kiện này nằm trong chuỗi chương trình Xúc tiến đầu tư gián tiếp mà chủ yếu là thu hút vốn trên thị trường chứng khoán được Bộ Tài chính tổ chức tại những trung tâm tài chính lớn của thế giới, nhằm quảng bá về thị trường vốn Việt Nam với những kỳ vọng đầu tư và tiềm năng phát triển trong những năm tới.
Kỳ vọng dòng vốn từ Anh
Việt Nam và Vương quốc Anh đã thiết lập quan hệ ngoại giao 45 năm qua. Anh hiện đứng trong top 15 nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất vào Việt Nam với khoảng 4 tỷ USD trong năm 2018.
Đặc biệt, hai nước đã ký kết nhiều hiệp định khung như Hiệp định tránh đánh thuế hai lần; Hiệp định về Bảo hộ và xúc tiến đầu tư,… va dư kiến trong thời gian tới, hai nước sẽ thúc đẩy việc ký kết Hiệp định tự do thương mại (FTA) trên cơ sở kế thừa EVFTA mà Việt Nam – EU vừa ký kết.
Trong lĩnh vực chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) và Cơ quan Quản lý thực thi tài chính Anh (FCA) cũng đã ký Thư trao đổi về hợp tác và trao đổi thông tin giữa cơ quan quản lý hai nước.
UBCKNN và FCA hiện đang trong quá trình rà soát lại nội dung để tiến tới ký Biên bản ghi nhớ về tư vấn, hợp tác và trao đổi thông tin giám sát ngành công nghiệp quỹ đầu tư thay thế (kế thừa MOU về nội dung này giữa UBCKNN và các cơ quan đồng cấp thuộc các nước Liên minh châu Âu).
Ngay trước thềm chuyến làm việc của Bộ Tài chính, Chủ tịch UBCKNN Trần Văn Dũng cho biết nhìn vào thực tiễn thì từ năm 2016 đến nay, vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII) liên tục vào ròng trên thị trường chứng khoán ở mức khá cao, trung bình 1,98 tỷ USD/năm (giai đoạn 2016 – 2018).
Trong bối cảnh tình hình tài chính – chứng khoán toàn cầu biến động mạnh, xu hướng nhà đầu tư rút vốn khỏi các thị trường mới nổi, thị trường cận biên thì Việt Nam vẫn là điểm đến của các nhà đầu tư nước ngoài với giá trị vốn FII vào ròng 6 tháng đầu năm 2019 đạt 1,28 tỷ USD.
Tuy nhiên, tổng giá trị đầu tư gián tiếp của Anh vào Việt Nam hiện nay mới chỉ đạt xấp xỉ 1 tỷ USD, số lượng nhà đầu tư nước ngoài mang quốc tịch Anh đăng ký tài khoản lưu ký chứng khoán tại Việt Nam vẫn còn ở con số ít (khoảng gần 270 nhà đầu tư).
Theo đánh giá của lãnh đạo các cơ quan chức năng, quy mô đầu tư của nhà đầu tư Anh vào Việt Nam chưa phản ánh đúng tiềm năng của Anh – một trong 5 nước đầu tư ra nước ngoài lớn nhất thế giới (khoảng 300 tỷ USD), đồng thời cũng là nước thu hút đầu tư từ bên ngoài lớn nhất thế giới.
Kỳ vọng thu hút dòng vốn FII từ Anh quốc vào TTCK Việt Nam |
Uy tín "người gọi vốn"
Thực tế, các nhà đầu tư châu Âu bao gồm cả những nhà đầu tư của Anh quốc đều là những nhà đầu tư rất chuyên nghiệp với những yêu cầu về chất lượng hàng hóa cao, để chinh phục được đối tượng nhà đầu tư này cũng là một trong những thách thức được đặt ra cho thị trường chứng khoán Việt.
Theo ông Trần Văn Dũng, thị trường chứng khoán Việt Nam ngày càng khẳng định rõ vai trò, vị thế là kênh huy động quan trọng cho đầu tư phát triển kinh tế – xã hội và trở thành một điểm sáng trong khu vực về tốc độ phát triển cũng như điểm đến hấp dẫn của dòng vốn nước ngoài.
Trong 19 năm vận hành, thị trường chứng khoán đã không ngừng tăng trưởng về quy mô và thanh khoản với tổng giá trị vốn hóa toàn thị trường cổ phiếu tính đến hết tháng 6/2019 đạt khoảng 4,3 triệu tỷ đồng, tương đương khoảng 78% GDP ước tính năm 2018, tăng 11,2% so với đầu năm 2019.
Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán cũng đã cơ bản hoàn thiện về mặt cấu trúc (cổ phiếu, trái phiếu, phái sinh), đa dạng hóa về sản phẩm (cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ, phái sinh, và gần nhất là chứng quyền có bảo đảm vừa mới vận hành).
Nhiều năm qua, thị trường chứng khoán Việt Nam được đánh giá là một điểm sáng trong khu vực về tốc độ phát triển cũng như điểm đến hấp dẫn của dòng vốn nước ngoài. Thị trường chứng khoán Việt Nam cũng đã được Tổ chức FTSE Russell đưa vào danh sách xem xét nâng hạng từ cận biên lên thị trường mới nổi hạng hai…
Không chỉ với các nhà đầu tư "Tây", những nhà đầu tư châu Á cũng có những yêu cầu khắt khe về tính minh bạch nhưng thị trường chứng khoán Việt đã từng bước chinh phục được thể hiện bằng làn sóng vốn mạnh mẽ từ Hàn Quốc, Nhật Bản… đổ vào trong thời gian qua.
Hiện, số lượng tham gia của các nhà đầu tư Hàn Quốc đã lên tới 4.846 và 5 công ty chứng khoán có vốn Hàn Quốc đã tham gia thị trường chứng khoán Việt Nam. Các công ty này đã, đang cùng các ngân hàng và đại diện các công ty quản lý quỹ của Hàn Quốc là cầu nối quan trọng cho dòng vốn đầu tư gián tiếp của Hàn Quốc.
Nguồn cung mạnh mẽ đến từ công tác cổ phần hoá thoái vốn, bán cổ phiếu riêng lẻ… được dự báo sẽ là thế mạnh chính của thị trường chứng khoán Việt trong việc khai thác được hết hiệu quả của hoạt động xúc tiến đầu tư tại các thị trường tài chính lớn.
"Khi đưa được tiềm năng, cơ hội của thị trường vốn Việt Nam đến gần hơn tới nhà đầu tư và trao đổi, giải đáp được những băn khoăn của họ, rõ ràng các nguồn vốn đầu tư có chất lượng vào Việt Nam sẽ tăng; và các tiêu chí cả về định lượng và định tính của các tổ chức như MSCI hay FTSE Russell sẽ sớm được đáp ứng", ông Trần Văn Dũng nhấn mạnh
Linh Đan