Thoái vốn trên thị trường chứng khoán gắn với hoạt động bán vốn nhà nước tại các doanh nghiệp, cũng như thoái vốn của các tổ chức khác. Không còn những thương vụ kỷ lục và hoành tráng như tại Sabeco và Vinamilk, nhưng năm 2019, hàng loạt thương vụ bán vốn nhà nước với quy mô lớn cũng đang diễn ra mạnh mẽ.
Đây là một dòng chảy gắn với diễn biến trên thị trường chứng khoán. Giới đầu tư từng kỳ vọng dòng chảy này sẽ tạo sức hút, thúc đẩy sôi động trên sàn.
Săn cổ phiếu thoái vốn
Ngày 2/7 tới, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sẽ bán đấu giá 11,29 triệu cổ phiếu TV4 của CTCP Tư vấn Xây dựng điện 4 với giá khởi điểm 59.400 đồng/cp, tương đương 71,56% vốn điều lệ nhằm mục đích thoái hết vốn. Với mức giá khởi điểm này, EVN có thể thu về tối thiểu 671 tỷ đồng.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 6/6, cổ phiếu TV4 giao dịch tại mức giá 29.200 đồng/cp, thấp hơn rất nhiều so với mức giá mà EVN thoái vốn.
Đáng chú ý, trước đó, cổ phiếu TV4 duy trì giao dịch quanh mức giá 17.000 đồng/cp trong một khoảng thời gian khá dài; chỉ đến giữa tháng 5/2019, cổ phiếu này mới bật tăng mạnh lên tới 30.100 đồng/ cp (phiên 4/6), tương đương mức tăng hơn 77%.
Trước TV4, ngày 25/6 tới, EVN cũng thực hiện bán ra hơn 4 triệu cổ phiếu TV3 của CTCP Tư vấn Xây dựng điện 3 với giá khởi điểm là 76.700 đồng/cp. Trong khi đó, giá cổ phiếu TV3 đang giao dịch trên HNX tại mức giá 38.800 đồng/cp, thấp hơn một nửa so với giá thoái vốn.
Gây xôn xao thị trường tài chính thời gian gần đây là thương vụ thoái vốn của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) tại CTCP Cao su Sao Vàng (mã: SRC) và CTCP Cao su Đà Nẵng (mã: DRC) ngày 4/6 vừa qua.
Theo đó, phiên đấu giá hơn 4,2 triệu cổ phiếu SRC với giá khởi điểm 46.452 đồng/cp, tương đương 15% vốn điều lệ tại Cao su Sao Vàng đã diễn ra thành công khi toàn bộ số cổ phần đã được bán hết cho 4 nhà đầu tư với giá đấu thành công là 46.454 đồng/cp không quá chênh lệch so với mức giá khởi điểm.
Mức giá này cao gần gấp đôi thị giá cổ phiếu SRC tại thời điểm công bố thoái vốn (14/5). Trong bối cảnh hiệu quả kinh doanh sụt giảm, mức giá khủng của SRC được đánh giá đến từ chính những khu "đất vàng" mà doanh nghiệp này đang sở hữu.
Ngược lại với diễn biến "đắt hàng" của SRC, phiên đấu giá hơn 17 triệu cổ phiếu DRC, với giá khởi điểm 25.170 đồng/cp của Cao su Đà Nẵng lại bị hủy do không có nhà đầu tư nào đăng ký tham gia.
Nhiều ý kiến cho rằng nguyên nhân của sự "ế" này là bởi lượng cổ phần mà Vinachem bán ra trong đợt này là quá nhỏ, chỉ 15% là chưa đủ hấp dẫn.
Sau thoái vốn, cổ phiếu của nhiều doanh nghiệp đã tăng mạnh |
Thoái vốn xong là tăng giá?
Thông thường, những thương vụ như vậy sẽ chỉ hấp dẫn nhà đầu tư, tổ chức muốn sở hữu tỷ lệ lớn để tham gia quản trị, điều hành, thay đổi hiệu quả sử dụng tài sản của doanh nghiệp. Theo đó, những "tay to" này sẽ chờ đợi một phiên bán vốn trọn lô trong tương lai gần.
Nhìn lại diễn biến quá trình bán vốn tại doanh nghiệp nhà nước trong nhiều năm qua, rất nhiều doanh nghiệp sau khi được nhà nước bán cho tư nhân, giá trị cổ phiếu đã tăng phi mã. Thực tế này đã thiết lập một xu hướng đầu tư chạy đua săn dòng cổ phiếu thoái vốn.
Có thể kể đến những cái tên đình đám như VNM của Vinamilk sau khi thoái vốn nhà nước vào cuối năm 2017, thị giá cổ phiếu VNM đã tăng mạnh từ 130.000 đồng/ cp lên mức giá 214.000 đồng/cp (tháng 3/2018), giá thoái vốn là 190.000 đồng/cp.
Hay cổ phiếu VCG của Vinaconex đã tăng một mạch từ 18.000 đồng/cp lên 29.000 đồng/cp (bằng mức giá thoái vốn) sau khi nhà đầu tư An Quý Hưng mua lại trọn lô 57,71% cổ phần mà SCIC thoái vốn hồi tháng 11/2018.
Hiện, cổ phiếu VCG tuy đã có sự điều chỉnh do pha loãng sau phát hành và diễn biến chung của thị trường chứng khoán nhưng vẫn duy trì được mức giá 26.000 đồng/cp, cao hơn 44,4% so thời điểm trước thoái vốn.
Chắc hẳn nhiều nhà đầu tư trên thị trường vẫn còn nhớ "siêu cổ phiếu" trong sóng thoái vốn là VEF của Triển lãm Giảng Võ. Tiến hành IPO với mức giá chỉ tương đương mệnh giá nhưng chỉ sau 2 tháng lên sàn UPCoM (năm 2016), thị giá đã tăng gấp 4, đạt hơn 41.000 đồng/cp.
Quay trở lại với các cổ phiếu thoái vốn nói trên, SRC đã chứng tỏ được sức hấp dẫn ngay từ khi bắt đầu có thông tin Vinachem thoái vốn.
Trong khoảng thời gian từ 9 – 22/5, cổ phiếu SRC tăng một mạch từ 21.300 đồng/cp lên 31.100 đồng/ cp. Nếu tính từ đầu 2019, SRC đã tăng gấp đôi.
Sau một vài lùm xùm liên quan đến cổ đông, SRC đã giảm xuống mức giá 25.000 đồng/cp nhưng rất nhanh chóng tăng trần hai phiên liên tiếp lên 28.600 đồng/cp.
Không thể tổ chức phiên đấu giá như kế hoạch, cổ phiếu DRC đã có những phản ứng tiêu cực khi giảm sâu 8 phiên liên tiếp trong khoảng thời gian từ 24/5 đến 4/6, từ mức giá 23.800 đồng/cp xuống 18.900 đồng/cp.
Tuy nhiên, cổ phiếu này đã rục rịch tăng trở lại trong hai phiên gần đây lên mức giá 19.600 đồng/cp. Trên thị trường, đã có nhiều đồn đoán về việc có nhiều nhà đầu tư lớn như Vingroup, Thaco… đang nhòm ngó Cao su Đà Nẵng nếu Vinachem thoái vốn trọn lô và cổ phiếu DRC sẽ nhanh chóng "phi mã".
Trước đó, các chuyên gia chứng khoán cũng đã từng đưa ra nhận định giá cổ phiếu sẽ biến động mạnh mẽ ngay sau khi tên người chủ sở hữu mới xuất hiện. Tuy nhiên, cơ hội sẽ không chia đều cho tất cả.
Những doanh nghiệp đã thực hiện thoái vốn nhưng tỷ lệ vốn nhà nước nắm giữ còn cao thì hiệu quả trong đổi mới quản trị doanh nghiệp và thu hút vốn bên ngoài vẫn sẽ hạn chế.
Linh Đan