Phiên đầu tháng 8, VN-Index bất ngờ "quay xe" giảm trong những phút cuối của phiên chiều, để mất 5,34 điểm (-0,44%) về mốc 1.217. Điểm nhấn của phiên là thanh khoản tiếp tục lập kỷ lục: có tới gần 1,3 tỷ cổ phiếu, tương đương 26.404 tỷ đồng (khoảng 1,1 tỷ USD) được giao dịch thành công.
Dấu hiệu phân phối
Chỉ số giảm điểm khi thanh khoản tăng vọt cho thấy dấu hiệu của một phiên phân phối đang xuất hiện trên thị trường.
Thị trường đã xuất hiện dấu hiệu phân phối, dự báo về một xu hướng điều chỉnh mạnh sắp tới. |
Trước đó, nhiều ý kiến nhận định, thị trường sẽ sớm rơi vào xu hướng điều chỉnh bởi đà tăng quá nóng kéo dài, bất chấp kết quả kinh doanh kém tích cực của doanh nghiệp cũng như các chỉ số cho thấy cảnh báo quá mua.
Trong phiên giao dịch cuối cùng của tháng 7 (31/7), mức điểm kết phiên 1.222,9 đã giúp VN-Index ghi nhận một phiên lên cao nhất trong vòng hơn 10 tháng trở lại đây. Cùng với đó, dòng tiền hưng phấn đã kéo thanh khoản thị trường rất sôi động với hơn 1,1 tỷ cổ phiếu được khớp lệnh trên HoSE, đây cũng là phiên giao dịch thứ 3 liên tiếp khối lượng khớp lệnh đạt vượt 1 tỷ đơn vị trong một phiên.
Giá trị giao dịch trên HoSE theo đó bứt phá lên hơn 22.419 tỷ đồng, ghi nhận mức cao nhất trong vòng 15 tháng trở lại đây (kể từ phiên 22/4/2022). Mức thanh khoản đột biến này đẩy giá trị khớp lệnh bình quân trong cả tháng 7 tăng trưởng tháng thứ 4 liên tiếp, đạt trên 16.700 tỷ đồng/phiên. Giá trị giao dịch trên 3 sàn chạm ngưỡng tỷ USD, với xấp xỉ 27.100 tỷ đồng.
Về góc nhìn kỹ thuật, Chứng khoán Vietcombank (VCBS) nhận xét, chỉ số VN-Index mở gap hình thành nến xanh tăng điểm vượt lên trên khu vực 1.220 điểm. Ở cả hai khung đồ thị ngày và giờ, các chỉ báo đều đồng loạt hướng lên cho thấy lực cầu vẫn đang tham gia thị trường tích cực, nhưng hầu hết các chỉ báo đều đã ở vùng quá mua.
“Thị trường có thể xuất hiện những điều chỉnh bất ngờ trong các phiên tới”, VCBS nhấn mạnh.
Nhìn chung, dòng tiền trên thị trường hiện rất khỏe và câu chuyện kỳ vọng hiện tại đang được đẩy lên cao. Lực mua chủ động áp đảo khiến các nhóm cổ phiếu dẫn dắt như chứng khoán, bất động sản gần như không có nhịp chỉnh nào đáng kể trong giai đoạn thị trường tăng nóng.
Tuy nhiên, trước đà tăng nóng của thị trường, nhiều nhà đầu tư cảm thấy sốt ruột và không thể kiên nhẫn chờ đợi thêm nên đua nhau xuống tiền. Điều này dẫn tới có hiện tượng FOMO (sợ bỏ lỡ cơ hội) đang diễn ra trên thị trường. Bản chất FOMO không xấu, nhưng nếu nó diễn ra trong lúc thị trường tăng không bền thì rất nhanh có sự đảo chiều xảy ra.
Mặt khác, sau nhịp tăng dài, định giá thị trường không còn rẻ, nhiều cổ phiếu đang đắt so với kết quả kinh doanh của doanh nghiệp trong năm nay, thậm chí năm sau nữa.
“Khi định giá đẩy lên mức cao, kết quả kinh doanh không cải thiện kịp thì đó sẽ là thời điểm rủi ro của thị trường”, ông Bùi Nguyên Khoa, Trưởng nhóm vĩ mô và thị trường Chứng khoán BIDV (BSC) nhìn nhận.
Theo ông Bùi Văn Huy, Giám đốc Chi nhánh Chứng khoán DSC, tính đến thời điểm hiện tại, thị trường đã hồi phục được phân nửa mức giảm từ đỉnh. Nếu nhìn ở góc độ bức tranh lớn, ông Huy cho rằng phải bao hàm những chuyển biến then chốt và kháng cự sẽ tính là một vùng nhỏ nhất định và được kiểm định không chỉ một phiên.
Dù sóng tăng hiện tại đã hồi khá nhiều về mặt điểm số, tuy nhiên, ông Huy cho rằng xương sống của sóng tăng khá mỏng và không có những vùng tích lũy chặt.
"Câu chuyện là dòng tiền cần được duy trì, nếu không khả năng giá sẽ sụt nhanh vì không có vùng tích lũy chặt. Đặc biệt, thị trường hiện đang quá mua, nên rung lắc có thể xảy ra", ông Bùi Văn Huy nhận định.
Động lực hỗ trợ từ dòng tiền
Mặc dù nhận định áp lực điều chỉnh vẫn có khi nền tảng cơ bản vẫn yếu và thị trường rơi vào trạng thái quá mua, song ông Bùi Văn Huy cho rằng điều này chưa đủ làm thay đổi xu hướng trong một thị trường hưng phấn.
Thực tế, câu chuyện thị trường hiện tại là câu chuyện của dòng tiền và đầu cơ ngắn hạn. Khi dòng tiền còn duy trì thì VN-Index khó có thể giảm mạnh.
Theo ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Nghiên cứu Chứng khoán Agriseco, một động lực hỗ trợ cho thị trường là có thể sẽ có lượng lớn tiền gửi chuyển sang kênh đầu tư chứng khoán. Giai đoạn vừa qua, dòng tiền trên thị trường một phần có đến từ những khoản tiền gửi đáo hạn kỳ hạn 6 tháng. Trong giai đoạn cuối năm, vị chuyên gia kỳ vọng sẽ có lượng lớn tiền gửi lãi suất cao 1 năm đáo hạn tới đây sẽ là trợ lực quan trọng cho thị trường.
Quan sát dòng tiền trên thị trường, ông Bùi Nguyên Khoa cũng nhận thấy có một dòng tiền đang chực chờ bên ngoài thị trường tìm cơ hội trong bối cảnh lãi suất đang đi xuống. Theo thống kê của chuyên gia BSC, dòng tiền chảy vào kênh huy động đã giảm gần 1 triệu tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước.
“Dù không thể kỳ vọng dòng tiền đó có thể chảy hoàn toàn vào chứng khoán, song cũng cho thấy sự dịch chuyển của tài sản sang những kênh lãi suất cao. Lượng tiền gửi 6 tháng đã đáo hạn trong quý 2, song lượng tiền gửi 1 năm sẽ đáo hạn dần trong quý 3 tới đây. Với lãi suất hạ nhiệt như hiện tại, tôi kỳ vọng một phần dòng tiền sẽ trở lại thị trường chứng khoán trong thời gian tới”, chuyên gia BSC nhận định.
Mặt khác, chuyên gia này đánh giá rủi ro trên thị trường chưa quá cao. Bởi dòng tiền trên thị trường có hai loại là cơ sở và margin, rủi ro sẽ xuất hiện trong trường hợp hai dòng tiền này đều tăng mạnh. Tuy nhiên, hiện lượng margin tại các công ty vẫn đang giữ mức ổn định cho thấy dòng tiền tăng nhiều từ cơ sở. Nhìn số lượng tài khoản mở mới tăng gấp đôi trong tháng 6 cũng phần nào thấy đang có lượng tiền mới tham gia thị trường.
Theo chuyên gia BSC, giai đoạn xấu nhất gần như đã đi qua, vĩ mô có thể bắt đầu tạo đáy và đi lên. Đồng thời, bối cảnh thế giới cũng không có quá nhiều vấn đề đáng lo ngại và đang trong xu hướng phục hồi.
“Thị trường chứng khoán trong quá khứ đã chứng minh một điều là, dòng tiền một khi đã chảy vào thì rất khó chảy ra, trừ phi thị trường bước vào giai đoạn suy thoái. Trong khi đó, hiện tại thị trường vừa mới chạm đáy (tháng 11/2022) nên khả năng cao dòng vốn mới sẽ tiếp tục nằm lại”, một chuyên gia nhận định.
Hải Giang