Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam nửa đầu năm biến động giằng co với xu hướng hồi phục là chủ đạo. Diễn biến giảm của mặt bằng lãi suất (4 lần hạ lãi suất của NHNN) là yếu tố chính hỗ trợ đà hồi phục của thị trường từ mức nền thấp được thiết lập vào cuối năm 2022.
Có thể trở lại mức 1.300 điểm
Mặc dù sự suy yếu của nền tảng vĩ mô, cũng như sự sụt giảm lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết là yếu tố kìm hãm đà hồi phục của thị trường, song trong báo cáo mới đây, Chứng khoán VNDirect cho rằng, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp trên sàn sẽ phục hồi vào 6 tháng cuối năm. Tăng trưởng EPS của các doanh nghiệp trên sàn HoSE dự báo sẽ đạt 10,4% cho năm 2023 và 19,3% cho năm 2024.
“Dự kiến tăng trưởng lợi nhuận từ Quý III/2023 trở đi có thể sẽ tạo hiệu ứng tích cực cho VN-Index. Trong quá khứ, thời điểm năm 2015, 2017 và 2021, khi tăng trưởng của các doanh nghiệp được cải thiện thì TTCK cũng đã phục hồi tương đối tích cực”, báo cáo nêu.
Với kì vọng lãi suất huy động sẽ tiếp tục hạ trong những quý tiếp theo trong khi lợi nhuận các doanh nghiệp trên sàn bắt đầu phục hồi, VNDirect cho rằng TTCK Việt Nam xứng đáng được định giá cao hơn.
Chuyên gia cho rằng, VN-Index sẽ có thể dao động trong khoảng 1.250 - 1300 điểm trong những tháng cuối năm. |
Theo nhóm phân tích này, P/E đang được giao dịch ở mức 0,8 lần so với trung bình 5 năm của VN-Index, cho thấy định giá đang rẻ hơn tương đối so với quá khứ. Mặt khác, EPS dự kiến sẽ cải thiện trong nửa sau năm 2023, điều này sẽ giúp P/E hấp dẫn hơn (P/E năm 2023 dự phóng ở mức 11,5 lần).
Thực tế, VN-Index và lãi suất cho vay thường diễn biến trái ngược với nhau. Vì vậy với kì vọng lãi suất cho vay sẽ giảm từ nửa sau năm 2023, VN- Index có thể bắt đầu tạo xu hướng tăng.
“Trong kịch bản cơ sở, với lộ trình của Fed theo đúng kế hoạch, tăng trưởng GDP phục hồi vào nửa sau năm 2023, tỷ giá duy trì ổn định, dự phóng VN-Index có thể đạt 1.300 điểm trong nửa sau năm 2023, tương ứng với mức P/E năm 2023 là 13,3 lần (-1 độ lệch chuẩn của P/E trung bình 10 năm)” , VNDirect nhận định.
Còn Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho rằng, bối cảnh vĩ mô trong nước sẽ chỉ thực sự khởi sắc từ quý IV, trong khi quý II và quý III sẽ tiếp tục ảm đạm và đối diện với nhiều rủi ro khiến hoạt động kinh doanh các doanh nghiệp tiếp tục kém khả quan.
Đồng thời, KBSV tăng dự phóng vùng P/E hợp lý của chỉ số VN-Index từ 14,3 lần lên 15,5 lần (phản ánh kỳ vọng vào tác động mạnh hơn của yếu tố giảm lãi suất lên TTCK) và đưa ra dự báo chỉ số VN-Index thời điểm cuối năm 2023 lên 1.240 điểm.
Ông Nguyễn Hồng Điệp, Giám đốc Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư S-Talk nêu quan điểm, kết quả kinh doanh quý II khởi sắc hơn nhưng nền kinh tế vẫn chưa thẩm thấu lãi suất thấp một cách rõ ràng, mà phải chờ đợi cuối quý III, doanh nghiệp tiếp cận vốn giá rẻ rõ ràng hơn.
Đồng thời, dòng tiền tiết kiệm hết kỳ hạn của người dân đi tìm kênh đầu tư mới khi lãi suất tiết kiệm giảm thấp sẽ hỗ trợ thị TTCK vì hiện tại, không có kênh nào đủ hấp dẫn.
“VN-Index sẽ có thể đạt mức điểm 1.250 - 1300 điểm trong năm nay”, ông Điệp dự báo.
“Săn” cơ hội trong nhịp chỉnh tháng 7
VNDirect tin rằng, giai đoạn sóng gió của nền kinh tế đang dần qua đi, TTCK đang bắt đầu cho một chu kỳ tăng trưởng mới. Mặt khác, dòng tiền vào TTCK bắt đầu có sự hồi phục, cho thấy niềm tin của nhà đầu tư đối với thị trường dần được cải thiện.
“Đây là thời điểm thích hợp đề nhà đầu tư quay trở lại thị trường và xây dựng danh mục đầu tư để đón đầu cho một chu kỳ tăng trưởng mới”, VNDirect khuyến nghị.
Trước mắt, trong tháng 7, thị trường bắt đầu đón nhận kết quả kinh doanh quý II. Nhiều dự báo cho thấy, kết quả kinh doanh quý II của các doanh nghiệp niêm yết đa phần sẽ có màu xám. Do đó, rất có thể thị trường sẽ đối mặt với một nhịp giảm điểm có tính chất điều chỉnh ngắn hạn, có thể kéo dài trong 3 - 4 tuần. Và nhịp điều chỉnh này được cho là cần thiết để thị trường có thể vững bước đi lên. Cho nên, những nhịp điều chỉnh trong tháng 7 này chính là cơ hội để nhà đầu tư có thể cân nhắc “xuống tiền” để chờ đợi hưởng thành quả.
Giới phân tích cho rằng, khi TTCK đi lên, không thể thiếu nhóm chứng khoán và ngân hàng, bởi đây là những ngành “nhạy” nhất với xu hướng thị trường. Trong đó, cổ phiếu ngân hàng sẽ phân hóa và ngân hàng nào tốt thì vẫn âm ỉ “bò” lên.
Trong nhóm đầu tư công có thể lựa chọn theo một số ngành, như nhóm thép. Ngoài câu chuyện đầu tư công thì còn kỳ vọng những nút thắt trên thị trường bất động sản được tháo gỡ, các công trường sẽ nhộn nhịp, sản lượng tiêu thụ gia tăng. Chưa kể, tồn kho nguyên vật liệu giá cao của các doanh nghiệp thép đang giảm dần nên kỳ vọng sẽ cải thiện được biên lợi nhuận.
Một ngành nữa là dầu khí và năng lượng nhờ chuyển sang trạng thái đón nhận chính sách, chu kỳ mới của ngành đang tốt lên. Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp đang nhận được nhiều thông tin tích cực và có tiềm năng phát triển trong tương lai. Một số tín hiệu tích luỹ dòng tiền ở nhóm may mặc cũng có thể chú ý, với kỳ vọng đơn hàng cuối năm cải thiện hơn…
Theo ông Hoàng Anh Tuấn, chuyên viên tư vấn đầu tư Khách hàng cá nhân cao cấp, Chứng khoán MB (MBS), sẽ có 2 nhóm ngành hưởng lợi chính cần quan tâm. Đó là nhóm ngành có kết quả kinh doanh quý II tăng trưởng và nhóm ngành được kỳ vọng quý III tăng trưởng.
Với nhóm một, ông Tuấn khuyến nghị nhóm ngân hàng, chứng khoán, nhóm bluechip. Với nhóm hai là nhóm thép, đá (kỳ vọng đầu tư công), đầu tư công, dầu khí (kỳ vọng Lô B – Ô Môn).
Hải Giang