Khoảng 2 tháng trở lại đây, thị trường ghi nhận nhiều hơn các phiên giao dịch tỷ USD (trên 23.500 tỷ đồng). Riêng giá trị giao dịch trên HoSE cũng có nhiều phiên xấp xỉ 20.000 tỷ đồng.
Dòng tiền có dấu hiệu dịch chuyển vào chứng khoán
TS Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính - ngân hàng nhận định, một số dòng tiền đã bắt đầu dịch chuyển từ kênh tiết kiệm sang chứng khoán.
Thị trường đang đón dòng tiền từ sự hưng phấn của một nhóm các nhà đầu tư mới. |
Thực tế, thanh khoản thị trường đang có xu hướng tăng trong quý II. Đặc biệt, trong tháng 4 và tháng 6, thanh khoản đã tăng lần lượt 25,8% và 27,2% so với tháng trước và đạt 19.829 tỷ đồng/phiên trong tháng 6, tăng 64,8% so với bình quân của tháng 1. Giá trị giao dịch bình quân quý II/2023 tăng khoảng 37% so với quý trước.
Giới phân tích cho rằng, về cơ bản, các nhà đầu tư đang trong giai đoạn hưng phấn khi đón nhận những thông tin hỗ trợ. Đó là việc Chính phủ chỉ đạo giảm mặt bằng lãi suất cho vay từ 1,5 - 2%/năm, đồng thời vẫn giữ nguyên mức tăng trưởng tín dụng ở mức 13 - 15% trong năm nay theo Nghị quyết 97 ngày 8/7/2023.
Theo đó, khi lãi suất giảm, việc gửi tiền sẽ trở thành một kênh đầu tư kém hấp dẫn so với những kênh đầu tư khác như chứng khoán, bất động sản.
“Với việc bất động sản hiện tại vẫn đang trong giai đoạn hồi phục, kênh đầu tư chứng khoán sẽ là lựa chọn phù hợp hơn và sẽ thu hút được nhiều dòng tiền nhàn rỗi trong tương lai”, bà Nguyễn Ngọc Linh, Giám đốc tự doanh Công ty Chứng khoán DNSE đánh giá.
Mặt khác, theo thống kê từ Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD), trong tháng 6 có thêm 145.864 tài khoản chứng khoán được các nhà đầu tư cá nhân mở mới, mức cao nhất trong vòng 10 tháng qua. Đây cũng là tháng thứ 2 liên tiếp, lượng tài khoản mở mới của nhà đầu tư nội tăng mạnh sau nhiều tháng sụt giảm.
Lượng tài khoản mở mới tăng mạnh trong bối cảnh thị trường đang trên đà tăng giá, hồi phục cho thấy tâm lý của nhà đầu tư đã cải thiện tích cực hơn sau những động thái của Ngân hàng Nhà nước với 4 lần hạ lãi suất điều hành.
Bên cạnh làn sóng nhà đầu tư mới tham gia đông đảo, nhu cầu sử dụng đòn bẩy (margin) cũng đã tăng mạnh trong quý 2 vừa qua. Đây là yếu tố dự báo sẽ đẩy thanh khoản thị trường được cải thiện hơn nữa.
Theo thống kê, dư nợ cho vay tại các công ty chứng khoán vào thời điểm 30/6 ước tính lên đến 150.000 tỷ đồng, tăng 27.000 tỷ so với cuối quý I. Trong đó, dư nợ margin cũng tăng khoảng 24.000 tỷ sau một quý, ước đạt 142.000 tỷ đồng vào cuối quý II.
Thời điểm 30/6, tổng vốn chủ sở hữu của các công ty chứng khoán ước tính lên đến hơn 207.000 tỷ đồng, tăng khoảng 17.000 tỷ đồng so với cuối quý I. Tỷ lệ cho vay margin/vốn chủ sở hữu tương ứng đạt gần 70%. Con số này cao hơn so với mức thấp nhất nhiều năm (khoảng 60%) ghi nhận trong giai đoạn từ quý IV/2022 đến I/2023. Tuy nhiên, tỷ lệ này vẫn thấp hơn nhiều so với mức 120% được duy trì thường xuyên suốt giai đoạn năm 2021 đến đầu năm 2022.
“Giai đoạn buồn với những phiên giao dịch vài nghìn tỷ đã ở lại phía sau. Thay vào đó là sự hưng phấn của một nhóm các nhà đầu tư mới”, một chuyên gia nói.
VN-Index hướng đến 1.300 điểm vào cuối năm
Nhờ sự đồng thuận của dòng tiền và nhiều yếu tố thuận lợi khác, giới phân tích nhận định thị trường đang vận động theo hướng tích cực. VN-Index sẽ vượt 1.200 điểm theo quán tính tăng và tiến tới 1.300 điểm vào cuối năm.
Ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó Giám đốc Chứng khoán Kiến Thiết cho rằng, sau nhiều phiên nhóm cổ phiếu nhỏ và vừa chiếm sóng khiến chỉ số giằng co, dòng tiền nhập cuộc tại nhóm cổ phiếu trụ đã dẫn dắt đà tăng của chỉ số.
Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán, bất động sản giao dịch tích cực giúp VN-Index tăng mạnh trong phiên giao dịch cuối tuần trước. Mặt khác, một vài bluechip chịu áp lực bán trong thời gian qua đã hưng phấn trở lại sau khi công bố kết quả kinh doanh quý II khá tích cực.
Với xu hướng giảm của mặt bằng lãi suất, xu hướng thị trường trong ngắn, trung và dài hạn đều tương đối tích cực. VN-Index có thể hồi phục lên 1.200 – 1.230 điểm trong tháng 8 và đà phục hồi có thể nối dài đến cuối năm giúp chỉ số lên 1.300 điểm.
Tương tự, các chuyên gia của Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) nhận định, VN-Index đang hình thành uptrend mục tiêu trung hạn sẽ hướng tới khu vực 1.300 điểm.
Tuy nhiên, chuyên gia của Chứng khoán Kiến Thiết khuyến nghị, bản chất dòng tiền đang tích cực nhưng điều quan trọng là nhà đầu tư phải sàng lọc được nhóm ngành và từng cổ phiếu cụ thể. Khi có sự chọn lọc, quan sát từng nhóm cụ thể mới có điểm giải ngân hợp lý. Nếu tập trung quá nhiều vào chỉ số, nhà đầu tư sẽ bị cuốn vào câu chuyện đầu cơ theo xu hướng thị trường.
Bên cạnh đó, nhà đầu tư cần định giá lại cổ phiếu sau mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý II. Đồng thời nên cân nhắc chốt lời với những cổ phiếu đã tăng quá đà so với kết quả kinh doanh thực tế và tiếp tục nắm giữ những cổ phiếu tăng giá nhưng triển vọng tốt trong những quý tiếp theo.
Bà Vũ Thị Ngọc Lê, Trưởng nhóm vĩ mô CTCP Chứng khoán Dầu Khí (PSI) chỉ ra một số nhóm cổ phiếu hút dòng tiền những tháng cuối năm 2023.
Theo bà Lê, cổ phiếu ngành chứng khoán vẫn có thể thu hút được các nhà đầu tư và đóng vai trò “dẫn sóng” thị trường khi thanh khoản được hỗ trợ bởi môi trường lãi suất thấp giúp doanh thu từ hoạt động môi giới và cho vay margin của các công ty chứng khoán tăng trưởng tích cực.
Bên cạnh đó, nhóm đầu tư công có thể sẽ có kết quả kinh doanh cải thiện đáng kể nếu các gói đầu tư cao tốc Bắc-Nam, sân bay Long Thành… được Chính phủ đẩy mạnh giải ngân nhằm mục tiêu giữ đà tăng trưởng kinh tế. Kèm với đó là nhóm ngành vật liệu xây dựng, dẫn dắt bởi các cổ phiếu thép khi nhu cầu thép tấm cuộn cán nóng (HRC) và tôn mạ tại châu Âu đang "ấm" dần lên.
Hải Giang