Câu chuyện những ĐHĐCĐ sẽ được tổ chức trước thời hạn 30/6 cũng như những ước tính về kết quả kinh doanh quý II và 6 tháng đầu năm, đặc biệt quyết định có đưa Việt Nam vào danh sách theo dõi hay không được dự báo sẽ là những điểm nhấn thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư trong tháng 6.
Nhiều điểm nhấn thú vị
Đối với các doanh nghiệp dự kiến ĐHĐCĐ tháng 6, tình hình chia làm hai hướng: một bên cổ đông mong chờ phương án kinh doanh, những bước chuyển để tiếp tục tăng trưởng; bên khác, cổ đông chờ đợi nhiều hơn vào những kế hoạch vượt qua giai đoạn khó khăn.
Mới đây, Ngân hàng TMCP Xuất Nhập khẩu Việt Nam (Eximbank – mã: EIB) đã phát đi thông báo về việc gia hạn ngày tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2019 lần thứ hai vào một ngày thích hợp trong tháng 6.
Đây là ĐHĐCĐ được giới tài chính khá mong chờ, bởi đây là một trong những tâm điểm của thị trường trong khoảng hai tháng gần đây do những lùm xùm trong HĐQT ngân hàng.
Ngày 11/6 tới, CTCP Dược Hậu Giang (mã: DHG) cũng tổ chức ĐHĐCĐ nhằm thông qua các nội dung quan trọng thuộc thẩm quyền của ĐHĐCĐ như chiến lược kinh doanh, tỷ lệ cổ tức, bầu HĐQT và Ban Kiểm soát…
Đáng chú ý, ĐHĐCĐ lần này của Dược Hậu Giang được tổ chức trong bối cảnh cổ đông lớn Taisho đã chào mua thành công 20,6 triệu cổ phiếu DHG hồi tháng 4 vừa qua nâng lượng cổ phiếu nắm giữ lên gần 66,4 triệu đơn vị, tương đương tỷ lệ sở hữu 50,78%. Dược Hậu Giang chính thức trở thành công ty con của đơn vị Nhật Bản này.
Câu chuyện vượt qua khó khăn, thách thức, lấy lại đà tăng trưởng cho kết quả kinh doanh và thị giá cổ phiếu dự kiến cũng sẽ là những câu hỏi làm nóng ĐHĐCĐ của nhiều doanh nghiệp khác như CTCP Đầu tư Dịch vụ Tài chính Hoàng Huy (mã: TCH), CTCP Tập đoàn Thiên Long (mã: TLG), CTCP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo (Itaco – mã: ITA)…
Ngoài ra, kỳ tái cơ cấu của hai quý ETF trong nửa đầu tháng 6 cũng luôn được xem là điểm nhấn quan trọng của thị trường chứng khoán thì nửa cuối tháng, thị trường lại chờ đợi kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp, qua đó giúp đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch trong quý II và nửa đầu năm, cũng như xác định những nhiệm vụ còn lại trong nửa cuối năm 2019.
Đặc biệt, ánh mắt của các nhà quản lý quỹ thị trường cận biên và mới nổi sẽ tập trung vào Việt Nam trong tháng 6, thời điểm MSCI quyết định có đưa quốc gia này vào danh sách theo dõi để bổ sung vào chỉ số MSCI EM hay không.
Vẫn có những thông tin hỗ trợ thị trường trong tháng 6 |
Cơ hội của nhóm cổ phiếu vừa
Được biết, UBCKNN đã trình dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi) lên Quốc hội trong kỳ họp thứ 7 (kéo dài tới giữa tháng 6) và được kỳ vọng sẽ thông qua vào cuối năm nay. Điều này đồng nghĩa luật sửa đổi có thể có hiệu lực từ đầu năm 2021, sớm hơn so với kỳ vọng.
Mặc dù giao dịch không quá tươi sáng nhưng sau những gì đã diễn ra có thể dễ dàng nhận thấy là thị trường chứng khoán Việt đã phá vỡ lời nguyền "Sell in may" (bán trong tháng 5).
Theo nhận định của CTCK MB (MBS), thị trường sẽ xuất hiện các nhịp phục hồi đan xen với các nhịp điều chỉnh, do đó có thể kỳ vọng Vn- Index quay trở lại vùng kháng cự gần nhất tại 979 – 985 điểm.
Theo MBS, với kịch bản lạc quan, kể cả trong trường hợp mức hồi phục có thể không vượt qua được vùng 980 điểm, việc chỉ số Vn-Index đi ngang quanh mốc 970 điểm đã là một thành công trước áp lực bán của nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục gia tăng mạnh mẽ trong thời gian gần đây.
Thậm chí, MBS còn kỳ vọng chỉ số Vn-Index có cán mốc 1.000 điểm vào đầu tháng 6 tới và sau đó sẽ có xu hướng đi ngang. Dòng tiền vẫn vận động tích cực để tìm kiếm các cơ hội ngắn hạn mặc dù các rủi ro, bất ổn vẫn đang khá lớn.
Với góc nhìn này, MBS cho rằng những ngành/ nhóm cổ phiếu sẽ tăng trưởng tích cực trở lại khi lợi nhuận cải thiện trong quý II/2019 là dầu khí, ngành hàng tiêu dùng, công nghệ thông tin… và đặc biệt là nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa có mức định giá rẻ, nền tảng cơ bản sẽ thu hút được dòng tiền trong thời gian tới.
Đặc biệt, nhóm cổ phiếu được hưởng lợi từ các hiệp định thương mại tự do mới như thủy sản, dệt may dù đã ghi nhận tăng điểm trong thời gian qua sẽ tiếp tục phát huy sức hấp dẫn.
Hay những doanh nghiệp có tỷ lệ nợ vay thấp, ở mức an toàn và không phụ thuộc nhiều vào dòng vốn vay; các công ty có thị trường tiêu thụ nội địa lớn; cổ phiếu các doanh nghiệp ít nhạy cảm với thị trường đi xuống.
Đồng tình với quan điểm này, ông Trần Đức Anh, Giám đốc chiến lược CTCK KBSV, cho biết lợi thế của nhóm vốn hóa lớn đang dần mất đi khi mà thống kê kết quả kinh doanh quý I/2019 cho thấy, tăng trưởng lợi nhuận ở nhóm này đã không còn vượt trội so với thị trường chung.
Bên cạnh đó, dòng tiền ngoại cũng đang giao dịch tương đối thận trọng ở nhóm cổ phiếu này trong bối cảnh các yếu tố rủi ro toàn cầu gia tăng và đa số các cổ phiếu vốn hóa lớn hiện đang giao dịch ở mức P/E cao.
Thực tế, thị trường chứng khoán đã trải qua một giai đoạn đi xuống (downtrend) kéo dài hơn một năm nên tâm lý của nhiều nhà đầu tư vẫn là trạng thái sợ hãi. Cơn bão giảm giá đã gây ra thiệt hại nặng nề, đặc biệt với những nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy nên với nhiều nhà đầu tư, chiến lược này hợp lý trong ngắn hạn vẫn ưu tiên lướt sóng.
Linh Đan