Theo thống kê của Tổng cục hải quan, lũy kế từ đầu năm đến hết tháng 4/2019, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 3,1 tỷ USD, tăng 17,8% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 2,2 tỷ USD, tăng 18,6% so với cùng kỳ năm 2018.
Các thị trường xuất khẩu chính của gỗ Việt Nam như Mỹ, Nhật, Úc… đều tăng trưởng mạnh, đặc biệt là Mỹ (chiếm 40% sản lượng xuất khẩu gỗ của Việt Nam) tăng tới 35% so với cùng kỳ.
Bối cảnh thuận lợi
Cuộc chiến tranh thương mại Mỹ – Trung đang leo thang, Chính phủ Mỹ bắt đầu tăng thuế từ 10% lên 25% với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc từ 10/5/2019.
Trước đó, trong danh sách các mặt hàng của Trung Quốc dự kiến bị Mỹ áp thuế nhập khẩu bổ sung có mặt hàng gỗ, nội thất. Như vậy, nếu hàng Trung Quốc bị đánh thuế, các nhà nhập khẩu Mỹ nhiều khả năng sẽ đi tìm nguồn hàng khác, trong đó có Việt Nam.
Đây là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp của Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang thị trường Mỹ trong thời gian tới.
Trong một diễn biến khác, hiệp định EVFTA nhiều khả năng sẽ được phê chuẩn vào giữa năm nay, sau khi nghị viện châu Âu kết thúc bầu cử. Theo đó, khi EVFTA có hiệu lực, mức thuế xuất gỗ của Việt Nam xuất sang EU sẽ giảm từ 3% về 0%.
Sản phẩm gỗ của Việt Nam vào EU khi đó sẽ có tính cạnh tranh cao hơn, và việc chúng ta tận dụng được ưu thế này để nâng cao giá trị xuất khẩu là hết sức rõ ràng.
Nhắc lại câu chuyện đầu năm 2017, khi lệnh cấm khai thác gỗ rừng tự nhiên của Chính phủ Trung Quốc có hiệu lực, ngành gỗ nước này rơi vào tình cảnh thiếu hụt nguồn cung nguyên liệu trầm trọng khiến giá gỗ cao su tăng phi mã cho đến thời điểm hiện tại.
Với lệnh cấm này, sản lượng gỗ xuất khẩu của Trung Quốc ít nhiều bị ảnh hưởng và Việt Nam trở thành quốc gia thay thế, giá trị xuất khẩu gỗ của Việt Nam trong năm đó tăng 10%, đạt mức kỷ lục gần 7,7 tỷ USD.
Theo báo cáo phân tích ngành gỗ của CTCK Đại Nam, sự ưa chuộng các sản phẩm về gỗ của các quốc gia như Mỹ và EU đã giúp cho giá trị chế biến gỗ toàn cầu tăng lên 7,2% trong giai đoạn 2012-2016.
Đây là một tốc độ tăng trưởng cao so với mức tăng trưởng chung các nhóm ngành. Tốc độ này còn được dự báo tăng cao hơn 9,2% trong giai đoạn 2016-2020 lên 531 tỷ USD vào năm 2020.
Trong khi đó, thị trường gỗ và sản phẩm gỗ toàn cầu có trị giá 120 tỷ USD/năm trong khi cung ứng của Việt Nam chỉ đạt khoảng 6% trong số này, đặc biệt sản xuất đồ nội thất luôn là thế mạnh của các doanh nghiệp niêm yết của Việt Nam. Điều này đồng nghĩa với việc còn nhiều dư địa sản xuất, chế biến gỗ.
Thời gian gần đây, các doanh nghiệp ngành gỗ niêm yết trên sàn chứng khoán cũng có động thái từng bước cải tổ mạnh mẽ, nhiều đơn vị vượt qua khó khăn.
Cổ phiếu ngành gỗ đón cơ hội từ xuất khẩu |
Cơ hội DN niêm yết
Trong những năm gần đây, mảng sản xuất gỗ của CTCP Phú Tài (mã: PTB) tăng trưởng rất mạnh, bình quân hơn 20% mỗi năm và chiếm đến 40% doanh thu toàn công ty trong năm 2018. Điều này chứng tỏ Phú Tài đã có bước "chuyển mình" mạnh mẽ từ mảng ô tô sang mảng gỗ và đây sẽ là động lực tăng trưởng chính của công ty trong vài năm tới.
Cũng như các doanh nghiệp khác, Phú Tài chủ yếu xuất khẩu sang các thị trường Mỹ, Nhật, EU, Trung Quốc… với các sản phẩm chủ lực từ gỗ tinh chế và gỗ ván ghép với tổng công suất khoảng 60.000 m3/năm.
Trong năm nay, PTB chuẩn bị đưa vào vận hành thêm một nhà máy gỗ và đẩy mạnh công suất ở nhà máy Phù Cát (chỉ đạt 50% công suất trong năm 2018).
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu PTB cũng ghi nhận đà tăng từ mức giá 56.600 đồng/ cp hồi đầu năm 2019 lên mức 64.000 đồng/cp như hiện nay, tương đương mức tăng gần 13,1%. Có thời điểm, PTB đạt mức giá 66.100 đồng/cp rồi điều chỉnh về vùng giá 60.000 đồng/cp trước khi hồi phục về mức giá hiện tại.
Một doanh nghiệp khác cũng được cho là sẽ hưởng lợi từ ngành gỗ là CTCP Cao su Phước Hòa (mã: PDR) dù không phải doanh nghiệp chủ lực sản xuất gỗ để xuất khẩu như các doanh nghiệp đặc thù nhưng sẽ được "ăn theo" từ sự gia tăng giá trị ngành gỗ.
Trong vài năm gần đây, do giá cao su thế giới gặp nhiều khó khăn, Cao su Phước Hòa đã và đang dịch chuyển dần sang duy trì thanh lý số lượng lớn gỗ cao su già và đã gặt hái được thành công. Việc khan hiếm gỗ nguyên liệu ở Trung Quốc đã khiến giá gỗ cao su tăng mạnh, kéo theo giá gỗ cao su thanh lý tăng.
Đáng chú ý, cổ phiếu PHR gây ấn tượng trên thị trường chứng khoán với mức tăng 57,6% từ mức giá 33.450 đồng/cp hồi đầu năm 2019 lên 57.600 đồng/cp.
Nếu như những năm trước, các công ty đầu ngành là Gỗ Trường Thành (mã: TTF) và Tập đoàn Đức Long Gia Lai (mã: DLG) còn chìm ngập trong khó khăn, cổ phiếu rơi về mức thấp chỉ còn vài nghìn đồng thì đến nay đã có phần khởi sắc.
Đặc biệt là Gỗ Trường Thành, dù kết quả kinh doanh vẫn thua lỗ và áp lực nợ vay vẫn đang đè nặng nhưng thương vụ sáp nhập với Sứ Thiên Thanh được kỳ vọng sẽ giúp doanh nghiệp gỗ này thoát lỗ lũy kế.
Gỗ Trường Thành sẽ chào bán 96,6 triệu cổ phiếu, hoán đổi theo tỷ lệ 8,21:1 với cổ phiếu Sứ Thiên Thanh. Sau phát hành, công ty sẽ tăng vốn lên 3.146 tỷ đồng và lượng cổ phiếu mới phát hành chiếm 46,6% tổng số cổ phiếu đang lưu hành.
Dù triển vọng của ngành gỗ là không thể phủ nhận nhưng các chuyên gia cũng đưa ra khuyến nghị về việc cuộc chiến tranh thương mại có thể khiến mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam bị thị trường Mỹ để ý do lo ngại khả năng "lợi dụng" tránh thuế của Trung Quốc. Vì vậy, gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam có thể sẽ phải chịu việc kiểm soát chặt chẽ khi nhập khẩu vào Mỹ trong thời gian tới.
Linh Đan