Mới đây, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank, mã: VPB) vừa công bố kết quả phát hành thành công hai lô trái phiếu riêng lẻ với tổng giá trị 1.000 tỷ đồng trong hai ngày 9 và 13/5.
Đây đều là trái phiếu không chuyển đổi, không có tài sản đảm bảo và không kèm chứng quyền. Mỗi trái phiếu có mệnh giá 1 tỷ đồng/trái phiếu, kỳ hạn 3 năm. Mức lãi suất được "cố định" ở mức 6,9%/năm.
Ngân hàng "được mùa"
Trong hai đợt phát hành này, công ty chứng khoán VPS tham gia với vai trò là đại lý phát hành, đại lý đăng ký và lưu ký. Đồng thời, cũng chính là nhà đầu tư đã mua toàn bộ số trái phiếu kể trên của VPBank.
Kể từ đầu tháng 4 tới nay, VPS đã mua vào tổng cộng 2.000 tỷ đồng trái phiếu VPBank với mức lãi suất 6,4 – 6,9%/năm.
Không chỉ VPBank, trước đó, Ngân hàng TMCP Á Châu (mã: ACB) cũng đã công bố việc phát hành thành công 2.350 tỷ đồng trái phiếu có kỳ hạn 3 năm, với mức lãi suất 6,8%/năm. Lô trái phiếu này đã được bán hết cho CTCP Chứng khoán VnDirect và CTCP Chứng khoán SHS.
Mới đây, ACB lại vừa công bố thông tin phát hành riêng lẻ lần hai năm 2019 với 5.500 trái phiếu, tổng giá trị phát hành tối đa là 5.500 tỷ đồng, kỳ hạn trái phiếu là 2-3 năm. Đây là loại trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không phải nợ thứ cấp của ACB.
Lãi suất áp dụng cho trái phiếu là lãi suất cố định trong suốt thời hạn phát hành. Mức lãi suất cụ thể tùy theo điều kiện thị trường, nhu cầu của nhà đầu tư và sẽ do Tổng giám đốc ngân hàng quyết định, tối đa 6,75%/ năm đối với kỳ hạn 3 năm và 6,7%/năm đối với kỳ hạn 2 năm.
Theo ACB, số vốn huy động được từ đợt phát hành trái phiếu lần hai nhằm tăng quy mô vốn hoạt động của ngân hàng phục vụ nhu cầu cấp tín dụng trung dài hạn.
Tương tự, Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) cũng đã phát hành thành công 2.500 tỷ đồng loại hình trái phiếu không chuyển đổi, không có bảo đảm có kỳ hạn 3 năm, mức lãi suất danh nghĩa năm đầu tiên là 6,5% và sau đó được điều chỉnh mỗi năm 1 lần. Lô trái phiếu này được phân phối cho 4 nhà đầu tư tổ chức trong nước.
Ngoài ra, vào đầu tháng 5/2019, CTCP Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội cũng là nhà đầu tư duy nhất "ôm trọn" lô trái phiếu giá trị 1.000 tỷ đồng do Ngân hàng TMCP Bưu Điện Liên Việt (LienVietPostBank, mã: LPB) phát hành riêng lẻ. Đây là lô trái phiếu có kỳ hạn 2 năm, với mức lãi suất cố định là 6,7%/năm.
Phát hành trái phiếu khiến doanh nghiệp phải đối mặt với bài toán chi phí tài chính |
Có lợi, có cả nguy cơ
Trong tháng 5 vừa qua, CTCP Đầu tư Văn Phú – Invest cũng huy động thành công 800 tỷ đồng thông qua đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, kỳ hạn 32 tháng với lãi suất trung bình 12%/năm. Đây là loại trái phiếu doanh nghiệp không chuyển đổi, có tài sản bảo đảm, mệnh giá 100 triệu đồng/trái phiếu.
Theo nhận định của một chuyên gia tài chính, giữa lúc huy động vốn từ thị trường chứng khoán, khách hàng khó khăn, thì phát hành trái phiếu là một giải pháp cho doanh nghiệp. Nhất là các doanh nghiệp, tập đoàn thuộc lĩnh vực kinh doanh đòi hỏi vốn rất lớn, kỳ hạn dài như than, điện, bất động sản…
Hoạt động huy động vốn qua trái phiếu còn giúp các ngân hàng cân bằng được nguồn vốn, nhất là trong giai đoạn nước rút tăng vốn nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn của Basel II khi thời hạn áp dụng đặt ra tại Thông tư 41 vào đầu năm 2020 đang cận kề.
Hơn nữa, các nhà đầu tư cũng mặn mà với trái phiếu hơn bởi đó không được xét là loại đầu tư vĩnh viễn, mà một thời điểm nhất định, họ sẽ nhận lại được tiền gốc của mình, với lãi suất cố định.
Tuy nhiên, việc phát hành trái phiếu cũng cần phải được tính toán kỹ lưỡng nhằm tránh rủi ro về dòng tiền khi công cụ tài chính này đến ngày đáo hạn. Khi đó, áp lực trả lãi và gốc sẽ rất lớn, không loại trừ việc doanh nghiệp phải tiếp tục nâng thêm lãi suất để có vốn trả cho trái chủ.
Đây sẽ là một vòng luẩn quẩn khó chấm dứt nếu đơn vị phát hành không có kế hoạch sử dụng vốn và đáo hạn đầy đủ.
Đối với ngành ngân hàng, nếu lạm dụng phát hành trái phiếu sẽ tạo ra rủi ro trong tương lai, ảnh hưởng tới lợi nhuận bởi lượng vốn trung – dài hạn này thường không rẻ, gây áp lực lên mặt bằng lãi suất dù chỉ là nhất thời. Do đó, đây không phải là giải pháp lâu dài.
Các chuyên gia nhận định, không chỉ với ngân hàng, mức lãi suất cao của trái phiếu cũng sẽ là một sức ép lớn cho các doanh nghiệp ngành khác, bởi khi đưa ra một mức lãi suất cao đồng nghĩa với việc chi phí tài chính của doanh nghiệp đó sẽ bị đội lên đáng kể.
Nếu doanh nghiệp không tìm kiếm được lợi nhuận để bù đắp thì gánh nặng tài chính này sẽ khiến đơn vị phát hành rơi vào "điểm chết".
Đối với các doanh nghiệp nhà nước còn tiềm ẩn những ảnh hưởng tiêu cực lâu dài đến cả nền kinh tế như: hiện tượng chèn lấn nợ với doanh nghiệp tư nhân gia tăng, chi phí vốn xã hội tăng…
Đặc biệt trong trường hợp doanh nghiệp phát hành trái phiếu và ngân hàng mua lại, sau đó doanh nghiệp dùng khoản tiền này để đảo nợ. Trong trường hợp này, nợ xấu sẽ chỉ bị che đậy nhưng vẫn tồn tại và rủi ro gia tăng, tức doanh nghiệp không thể trả được nợ thì ngân hàng cũng không thể đòi các tài sản thế chấp như trong cho vay tín dụng thông thường.
Linh Đan