Hiện trên thị trường chứng khoán có khoảng 10 cổ phiếu bảo hiểm đang được giao dịch, ngoại trừ BVH của Tập đoàn Bảo Việt thì hầu hết những cổ phiếu còn lại đều khá mờ nhạt.
Trong khi đó, thị trường bảo hiểm tại Việt Nam được đánh giá là khá non trẻ do đó triển vọng tăng trưởng ngành này là rất lớn. Sự tham gia của các nhà bảo hiểm lớn trên thế giới giúp các doanh nghiệp trong nước tiếp cận với sự chuyên nghiệp tạo ra những bước tăng trưởng ấn tượng mới, đặc biệt là các doanh nghiệp có thị phần nhỏ.
Cổ tức ổn định, cổ phiếu mờ nhạt
Theo thống kê tại các công ty bảo hiểm đang niêm yết, hầu hết đều kinh doanh ổn định và có mức trả cổ tức bằng tiền trung bình 10-15%/năm.
Mới đây, Tập đoàn Bảo Việt (mã: BVH) vừa công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2019 với tổng doanh thu hợp nhất ước đạt 20.925 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế hợp nhất ước đạt 670 tỷ đồng, hoàn thành 54,6% kế hoạch năm.
Trong quý III/2019, Bảo Việt sẽ thực hiện chi trả cổ tức năm 2018 với tỷ lệ 10%, tương đương hơn 700 tỷ đồng cho cổ đông.
Trong 6 tháng đầu năm, dù thị trường chứng khoán có nhiều biến động nhưng giá cổ phiếu BVH cũng chỉ ghi nhận mức giảm nhẹ. Kết thúc phiên giao dịch ngày 2/8, BVH giao dịch tại mức giá 83.000 đồng/cp, giảm 6,7% so với đầu năm.
Trước đó, tại danh mục cổ phiếu thành phần chỉ số VN30 kỳ tháng 7/2019, cổ phiếu BVH đã được lựa chọn vào rổ chỉ số VN30 trong đợt cơ cấu này. Tuy nhiên, thanh khoản của cổ phiếu này vẫn chưa có sự bứt phá, chỉ đạt trung bình trên 220.000 đơn vị mỗi phiên.
Dù chưa công bố kết quả kinh doanh quý II và 6 tháng đầu năm 2019 nhưng ngày 21/6 vừa qua, Tổng CTCP Bảo Minh (mã: BMI) cũng vừa thực hiện thanh toán cổ tức năm 2018 bằng tiền cho cổ đông với tỷ lệ 12%.
Với hơn 91 triệu cổ phiếu BMI đang được niêm yết, tổng số tiền chi trả cổ tức đợt này của Bảo Minh có thể lên tới 110 tỷ đồng. Hiện BMI đang giao dịch tại mức giá 26.650 đồng/cp, tăng hơn 35% so với mức giá 19.730 đồng/ cp (giá điều chỉnh) hồi đầu năm.
Một cái tên khác là Tổng CTCP Bảo hiểm Bưu điện (mã: PTI) vừa công bố kết quả kinh doanh khả quan trong 6 tháng đầu năm 2019, với tổng doanh thu đạt 2.684 tỷ đồng, tăng 39,8% so với cùng kỳ năm ngoái, hoàn thành hơn 53% kế hoạch năm. Đồng thời cũng thực hiện chi trả cổ tức năm 2018 bằng tiền với tỷ lệ 8% trong tháng 7 vừa qua.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu PTI đang giao dịch quanh ngưỡng 16.000 đồng/ cp, giảm khoảng 21% so với mức giá 20.530 đồng/cp hồi đầu năm. Thanh khoản trung bình 10 phiên giao dịch gần nhất của PTI chỉ đạt hơn 5.700 đơn vị/phiên.
Tương tự, các doanh nghiệp bảo hiểm đang niêm yết khác như Tổng CTCP Bảo hiểm BIDV (BICO, mã: BIC), CTCP Bảo hiểm Agribank (ABIC, mã: ABI), Tổng CTCP Bảo hiểm Quân đội (MIC, mã: MIG)… cũng duy trì mức tăng trưởng nhưng thị giá cổ phiếu lại khá “lình xình”.
Từ diễn biến giá cổ phiếu và thanh khoản trên thị trường chứng khoán của nhóm cổ phiếu bảo hiểm có thể thấy đây không phải là nhóm cổ phiếu “hot” đối với nhà đầu tư cá nhân nhưng ngành bảo hiểm lại đang khá thu hút được các nhà đầu tư tổ chức, đặc biệt là dòng vốn ngoại.
Cổ phiếu bảo hiểm hấp dẫn với các nhà đầu tư tổ chức |
Hút nhà đầu tư tổ chức
Đặc biệt, trong bối cảnh năm 2019 các doanh nghiệp bảo hiểm đang dần chuyển hướng trọng tâm hoạt động đầu tư sang tìm kiếm các cơ hội đầu tư an toàn nhưng có tỷ lệ sinh lời cao hơn lãi suất tiền gửi, trái phiếu chính phủ… lại càng hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư chiến lược.
Ví dụ như năm 2019, Bảo Minh sẽ tiếp tục thận trọng với thị trường chứng khoán, vẫn để tỷ trọng đầu tư trong ngân hàng là chủ yếu và nghiên cứu, tìm cơ hội ở thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Vừa qua, công ty TNHH Một thành viên Đầu tư SCIC (SIC) đã có thông tin về việc muốn mua 1 triệu cổ phiếu BMI, tương đương 1,09% vốn điều lệ của Bảo Minh để đầu tư tài chính. Thời gian giao dịch dự kiến từ ngày 26/6 đến 24/7 theo phương thức thỏa thuận và khớp lệnh.
Trong khi trước đó, từ ngày 19/3 đến 16/4, SIC có thoái toàn bộ vốn góp Bảo Minh với việc bán ra 702.520 cổ phiếu BMI, ước tính thu về hơn 15 tỷ đồng.
Tuy nhiên, do biến động thị trường nên SIC chưa mua được cổ phiếu BMI nào, có thể trong thời gian không xa SIC sẽ tái khởi động lại thương vụ mua bán này.
Trong danh sách 108 doanh nghiệp mà Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) dự kiến thoái vốn trong năm 2019, Bảo Minh (Nhà nước sở hữu 51%) cũng là một cái tên được góp mặt.
Trong các thương vụ thoái vốn Nhà nước, bóng dáng các nhà đầu tư tổ chức luôn thể hiện rõ nét hơn các nhà đầu tư cá nhân bởi lợi thế về tiềm lực kinh tế cũng như quản trị.
Thực tế, sự góp mặt của các nhà đầu tư tổ chức và những “cú bắt tay” với các doanh nghiệp nước ngoài đã thay đổi bức tranh kinh doanh của nhiều doanh nghiệp bảo hiểm. Có thể kể đến như, BIC đã gặt hái được nhiều thành công kể từ sau khi có sự góp mặt của nhà đầu tư chiến lược FairFax (Canada).
Hay Bảo hiểm Bưu điện cũng có sự thay đổi ngoạn mục từ mức doanh thu chỉ đạt hơn 1.000 tỷ đồng thì đến năm 2019 dự kiến tăng gấp 5 lần, vượt con số 5.000 tỷ đồng sau khi có sự góp mặt của cổ đông chiến lược công ty Bảo hiểm DB.
Nhận thấy tầm quan trọng của các nhà đầu tư chiến lược và để bắt kịp với xu hướng, MIC cũng đã lên kế hoạch chuyển sàn niêm yết từ UPCoM sang HoSE để hấp dẫn nhiều nhà đầu tư hơn, bao gồm cả nhà đầu tư nước ngoài.
Linh Đan