Cổ phiếu ngành phân bón đang sốt trở lại trên thị trường chứng khoán. |
Theo đó, đầu tiên phải kể đến nhu cầu phân bón phục hồi mạnh mẽ đẩy giá phân ure lên mức trên 11.000/kg, tăng hơn 30% kể từ đầu năm 2021. Dự đoán giá ure sẽ tiếp tục đà tăng cho hết năm 2021 dựa trên cơ sở nguồn cung phân bón sụt giảm và nhu cầu phát triển nông nghiệp tăng trong năm nay.
Sự tái bùng phát dịch Covid-19 tại châu Á đã làm gián đoạn hoạt động sản xuất phân bón cũng như các chuỗi cung ứng trong khu vực. Hoạt động nông nghiệp nửa cuối năm 2021 dự kiến sẽ gặp điều kiện thời tiết thuận lợi với tỷ lệ thấp ảnh hưởng bởi các thiên tai. Do vậy, nhu cầu phân bón nhiều khả năng sẽ tăng 10% so với năm trước và duy trì ở mức cao.
Thứ hai là mảng xuất khẩu của một số doanh nghiệp trong ngành như Đạm Cà Mau tăng trưởng mạnh.
Cụ thể, phân ure đến 9 nước đối tác, bao gồm Thái Lan, Campuchia, Myanmar, Ấn độ, Bangladesh, Brazil, Nhật bản, Hàn Quốc và SriLanka. Đáng chú ý, Campuchia là đối tác xuất khẩu chủ lực của Đạm Cà Mau khi doanh nghiệp đang nắm giữ từ 35% - 40% thị phần ure tại thị trường này. Doanh thu mảng xuất khẩu sang Campuchia đạt tỷ lệ tăng trưởng kép đạt 49% trong giai đoạn 4 năm.
Thứ ba, sức khỏe tài chính lành mạnh với tỷ lệ nợ vay ngày càng cải thiện. Cùng với dòng tiền hoạt động mạnh mẽ, dòng tiền tự do cũng đã cải thiện rõ rệt.
Tuy nhiên, vẫn còn một yếu tố quan ngại là việc giá dầu tăng liệu có tác động khiến biên lợi nhuận của doanh nghiệp sản xuất urea giảm xuống. Thế nhưng theo tính toán của Mirae Asset thì tác động của yếu tố này là không cao do giá khí bán tại miệng giếng các mỏ Cửu Long tương ứng với giá dầu ở mức 60USD/thùng.
Ông Minh nhấn mạnh thêm, năm 2020 mức giá khí tự nhiên theo hợp đồng với PVN cũng ở mức tương đương (mặc dù giá dầu thấp). Như vậy, với giá phân bón tăng mạnh trong khi giá nguyên liệu đầu vào có tốc độ tăng không bằng nên kì vọng lợi nhuận quý III và quý IV sẽ tăng mạnh trên 50% so cùng kỳ.
Nhiều chuyên gia nhận định, giá phân bón sẽ tiếp tục có diễn biến tăng nhờ nhu cầu tiêu thụ cao ở các nước như Ấn Độ, Mỹ, Brazil…, trong khi nguồn cung bị hạn chế do chính sách giới hạn lượng phân bón xuất khẩu của Trung Quốc - vốn chiếm đến 50% lượng phân bón nhập khẩu vào Việt Nam.
Cùng với dầu khí, cổ phiếu phân bón trong tuần qua đã "làm mưa làm gió" thị trường với hầu hết các mã đều tăng trưởng tích cực. Trong tuần, giá cổ phiếu DCM tăng 21,7%; DPM tăng 22%, LAS tăng 12%, BFC tăng 20%, SFG tăng 18%...
M.K