Trong khoảng hơn một tháng vừa qua, thị trường chứng khoán Việt Nam liên tiếp rơi vào trạng thái giằng co khiến nhiều nhà đầu tư "mệt mỏi". Tính từ phiên giao dịch cuối cùng trước Tết Nguyên đán (9/2), chỉ số Vn-Index chỉ tăng hơn 5% - là một con số khá khiêm tốn so với giai đoạn bùng nổ những tháng cuối năm 2020.
Tuy nhiên, vẫn có những nhóm cổ phiếu ghi nhận đà tăng giá mạnh mẽ trong thời gian trên, trong đó có nhóm cổ phiếu ngành phân bón. Tính xa hơn, trong vòng 1 năm qua, các cổ phiếu phân bón như DPM, DCM, LAS, BFC... đều đang nằm ở vùng giá cao nhất.
Giá cổ phiếu "thức tỉnh"
Nổi bật nhất về mức tăng trong nhóm cổ phiếu ngành phân bón là DCM của CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau. Hiện, DCM đang có mức giá 16.550 đồng/cp (tính tại phiên giao dịch ngày 12/3), tăng gần 22,6% chỉ trong vòng 10 phiên giao dịch đầu tiên của tháng 3.
Tính chung trong 3 tháng đầu năm 2021, DCM đã tăng 18,2% nhưng đã tăng gấp gần 3 lần trong vòng 1 năm qua từ mức giá 5.500-6.000 đồng/cp hồi tháng 3/2020.
Giá khí đang là một rủi ro tiềm ẩn đối với biên lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp ngành phân bón. |
Tương tự, "người anh em" DPM của Tổng công ty Phân bón và Hoá chất Dầu khí - CTCP (Đạm Phú Mỹ) cũng liên tục tăng mạnh trong những phiên đầu tháng 3 hiện đang có mức giá 18.950 đồng/cp, tăng 12,5% trong 10 phiên gần nhất, 4,6% kể từ đầu năm 2021 và khoảng 80% trong vòng 1 năm vừa qua.
Nói đến sự bùng nổ của nhóm cổ phiếu ngành phân bón thì không thể không nhắc đến LAS của CTCP Supe Phốt phát và Hoá chất Lâm Thao khi trong những ngày đầu tháng 3 đã thiết lập đỉnh giá 1 năm lên mức 11.400 đồng/cp (ngày 5/3).
Hiện LAS đã điều chỉnh về mức giá 10.900 đồng/cp (phiên 12/3) nhưng so với đầu năm mã này đã tăng hơn 36% và tăng gần 100% trong vòng 1 năm qua; cổ phiếu BFC của CTCP Phân bón Bình Điền, DDV của CTCP DAP-Vinachem, SFG của CTCP Phân bón Miền Nam... cũng không hề kém cạnh khi mang về cho mình mức tăng đáng kể cùng với thanh khoản "bùng nổ".
Sự thăng hoa của nhóm cổ phiếu ngành phân bón đã tạo nên tâm lý lạc quan cho các nhà đầu tư cũng như giới phân tích. Theo đó, nhiều nhận định giá cổ phiếu ngành phân bón sẽ còn tăng trong ngắn hạn và trung hạn lần lượt được đưa ra, trong khi giới đầu tư hô hào nhau dồn tiền tích trữ "hàng".
Hỗ trợ đà tăng của cổ phiếu phân bón trong giai đoạn vừa qua bên cạnh kết quả kinh doanh khởi sắc của năm 2020 thì việc sản xuất nông nghiệp được dự báo phục hồi trong năm 2021 sẽ kéo nhu cầu phân bón tăng cao từ đó thúc đẩy sản lượng tiêu thụ, đồng thời kéo giá phân bón thế giới tăng cũng là một yếu tố quan trọng.
Theo dự báo của Hiệp hội Phân bón Thế giới (IFA), nhu cầu tiêu thụ phân bón toàn cầu năm 2021 đạt 194,9 triệu tấn, tăng1,8% so với năm 2020 do nhu cầu hồi phục ở hầu hết các khu vực. Do vậy, giá phân Urê dự kiến tăng 3,0% trong năm 2021, phân DAP tiếp tục tăng nhẹ 2,6%. Trong khi đó, giá phân Kali được dự báo tăng cao hơn ở mức tăng 3,6% khi nhu cầu phục hồi tại các khu vực bị ảnh hưởng của dịch bệnh, đặc biệt là Trung Quốc.
Thực tế, tại ngày 28/2 theo dữ liệu từ Bloomberg, giá Urê giao ngay trên thị trường Trung Quốc đạt 365 USD/tấn, tăng 25,86% từ đầu năm. Tại thị trường trong nước tính đến cuối tháng 2, giá Urê đã tăng từ 6.500 đồng/kg lên 8.700 đồng/kg, tăng 33,84% từ đầu năm.
Khi lợi thế có thể thành bất lợi
Theo báo cáo mới đây của SSI Reseach, một trong những yếu tố quan trọng giúp lợi nhuận của các doanh nghiệp phân bón tăng trưởng trong năm 2020 là việc giá dầu thế giới giảm tới 33%, trong khi giá Urê trong nước chỉ giảm 15%. Giá dầu giảm nhiều hơn giá bán, nhu cầu tăng và mức cạnh tranh thấp hơn nên tỷ suất lợi nhuận của doanh nghiệp phân bón đều cao hơn năm trước.
Nhưng cũng chính giá dầu khiến góc nhìn của các công ty chứng khoán với ngành phân bón trong nước năm nay trở nên thận trọng hơn. Hiện giá dầu thế giới đã vượt 60 USD/thùng, cao gấp hơn 4 lần so với mức thấp kỷ lục vào tháng 4/2020.
Bộ phận phân tích của SSI cũng như VDSC đều nhận định giá dầu tăng kéo theo giá khí đi lên. Đây là áp lực làm tỷ suất lợi nhuận của doanh nghiệp phân bón không còn cao như năm 2020 nếu giá bán không bù đắp được chi phí nguyên liệu.
Đồng quan điểm cho rằng tỷ suất lợi nhuận ngành phân bón có thể giảm trong năm 2021 nhưng Công ty chứng khoán FPT (FPTS) vẫn đưa ra khuyến nghị khả quan đối với ngành phân bón Việt Nam bởi tình hình thời tiết dự báo thuận lợi hơn cho canh tác nông nghiệp nhờ hiện tượng La Nina làm tăng lượng mưa và giá nông sản ở mức cao, tạo điều kiện thúc đẩy canh tác và chăm bón cho cây trồng, thúc đẩy tăng tiêu thụ phân bón.
Tổng nhu cầu tiêu thụ phân bón năm 2021 dự kiến đạt xấp xỉ 10,3 triệu tấn, tăng trưởng 5,5% so với năm 2020. Điều này sẽ giúp hầu hết các doanh nghiệp phân bón nội địa được hưởng lợi.
Ngoài ra, một yếu tố khác có thể hỗ trợ cổ phiếu ngành phân bón là nếu đề xuất thuế VAT 5% áp dụng lên các mặt hàng phân bón được Quốc hội thông qua trong năm 2021 sẽ giúp các doanh nghiệp được hoàn thuế VAT các chi phí nguyên vật liệu đầu vào, bảo đảm sự bình đẳng giữa các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước và doanh nghiệp nhập khẩu, giúp doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước nâng cao khả năng cạnh tranh.
Thế nhưng, sớm nhất thì đến tháng 7/2021, khi diễn ra kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khoá XV, khó khăn liên quan đến thuế giá trị gia tăng của các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước mới có thể được xem xét.
Minh Khuê