Cùng với sự tăng nóng của thị trường chứng khoán trong năm 2021 và những tháng đầu năm 2022, nhiều mã như CEO (CTCP Tập đoàn CEO), SGR (Địa ốc Sài Gòn), HDC (Phát triển nhà Bà Rịa Vũng Tàu), DRH (DRH Holdings), NHA (Phát triển Nhà và Đô thị Nam Hà Nội), CII (Hạ tầng kỹ thuật TP HCM), NBB (Đầu tư Năm Bảy Bảy)… khiến giới đầu tư “sốt xình xịch”. Điển hình như, cổ phiếu DIG (DIC Corp) đã tăng từ trên mốc 20.000 đồng/cp lên vượt mốc 100.000 đồng/cp, và được hô hào sẽ lên tới... 500.000 đồng/cp.
Loạt chủ doanh nghiệp bị “call margin”
Tuy nhiên, thị trường quay đầu điều chỉnh mạnh, cổ phiếu DIG cũng như hàng loạt cổ phiếu khác lần lượt lao dốc, trước áp lực bán cắt lỗ của nhà đầu tư đang kẹt hàng ở mức giá cao. Việc nhiều cổ phiếu rơi sâu từ đỉnh không chỉ khiến nhà đầu tư cá nhân mà hàng loạt lãnh đạo doanh nghiệp cũng bị buộc phải bán giải chấp cổ phiếu.
Nhiều cổ phiếu rớt mạnh khiến hàng loạt chủ doanh nghiệp nắm giữ cổ phiếu bị "call margin". (Ảnh: Int) |
Mới đây, CTCP Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) thông báo về việc sẽ bán giải chấp 184.300 cổ phiếu DIG thuộc sở hữu của ông Nguyễn Hùng Cường, Phó Chủ tịch HĐQT của DIC Corp từ ngày 7/11.
Tương tự, cổ đông lớn nhất của DIC Corp là CTCP Đầu tư Phát triển Thiên Tân cũng sẽ bị bán giải chấp 715.300 cổ phiếu DIG.
Ngày 7/11, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam (YSVN) thông báo về việc sẽ bán giải chấp 2,13 triệu cổ phiếu DIG thuộc sở hữu của ông Nguyễn Thiện Tuấn. Cùng với đó, ông Nguyễn Hùng Cường và bà Nguyễn Thị Thanh Huyền (Phó Chủ tịch HĐQT DIC Corp) cũng sẽ "bị ép bán" lần lượt 1,47 triệu cổ phiếu và 1,44 triệu cổ phiếu DIG.
Trước đó, ngày 4/11, CTCP Chứng khoán Mirae Asset đã công bố thông tin về việc bán giải chấp 2,8 triệu cổ phiếu DIG thuộc sở hữu của ông Nguyễn Thiện Tuấn.
Trước khi bị “call margin” đồng loạt trong thời gian gần đây, ông Nguyễn Thiện Tuấn từng bị bán giải chấp hơn 3 triệu cổ phiếu DIG trong 2 ngày 27 và 28/10. Và ông Nguyễn Hùng Cường cũng đã bị bán giải chấp gần 1,4 triệu cổ phiếu DIG trong ngày 31/10 và 1/11.
Trong khi đó, CTCP Đầu tư Phát triển Thiên Tân cũng đã "bị ép bán" 4,2 triệu cổ phiếu DIG vào ngày 27/10.
Nằm trong cơn lốc bán giải chấp, ngày 7/11, CTCP Chứng khoán Tân Việt (TVSI) thông báo sẽ bắt đầu bán giải chấp 750.000 cổ phiếu PDR đối với ông Nguyễn Văn Đạt, Chủ tịch HĐQT CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt. Cùng với đó, TVSI cũng sẽ bán giải chấp 720.000 cổ phiếu PDR thuộc sở hữu của Công ty TNHH Phát Đạt Holdings.
Cũng với lý do trên, ông Nguyễn Tuấn Anh, thành viên HĐQT độc lập của CTCP Phát triển nhà Bà Rịa - Vũng Tàu (HDC) đã bị bán 105.000 cổ phiếu và CTCP Đầu tư Thiên Anh Minh, tổ chức liên quan ông Nguyễn Tuấn Anh cũng bị bán 105.000 cổ phiếu từ ngày 25 - 26/10.
Hay như ông Nguyễn Khánh Hưng, Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư LDG cũng bị buộc bán ra 713.000 cổ phiếu LDG trong ngày 28/10.
Ngày 24/10, ông Đinh Văn Thanh, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC) cũng bị Chứng khoán VPS bán giải chấp 24.500 cổ phiếu của doanh nghiệp xây dựng.
“Cổ đất” đứng đầu ngọn sóng
Có thể thấy, làn sóng bán giải chấp cổ phiếu của lãnh đạo diễn ra chủ yếu ở các doanh nghiệp bất động sản, xây dựng. Bởi thực tế trong 2 tháng gần đây, nhóm “cổ đất” không ngừng giảm mạnh trước những thông tin tiêu cực về việc đáo hạn trái phiếu tăng lên và những thông tin bắt giữ một số lãnh đạo tập đoàn lớn như Vạn Thịnh Phát, Tân Hoàng Minh thời gian qua gây ảnh hưởng lớn đến tâm lý nhà đầu tư.
Không chỉ vậy, với việc giá cổ phiếu liên tục giảm mạnh, nhiều công ty chứng khoán mới đây đã thông báo hạ tỷ lệ cho vay ký quỹ (margin) với nhiều cổ phiếu bất động sản như KBSV, Mirae Asset, Chứng khoán SHS…
Theo ông Lưu Chí Kháng, Trưởng phòng Tự doanh, Chứng khoán Kiến Thiết, khó khăn của nhóm ngành bất động sản, ai cũng nhìn thấy, như: sự siết chặt trái phiếu, room tín dụng… khiến các nguồn vốn của doanh nghiệp bất động sản gặp khó. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp có tỷ lệ vay trên vốn chủ sở hữu lớn khiến doanh nghiệp càng "đói vốn".
Khi đó, nhiều doanh nghiệp sẽ tìm đến các cách như bán với giá chiết khấu hơn, hoặc đi cầm cố cổ phiếu với một mức nào đó để rút tiền ra tạo thanh khoản. Tuy nhiên, giá cổ phiếu giảm hoặc gặp các vấn đề rắc rối như tin đồn, các công ty chứng khoán để bảo vệ nguồn vốn phải bán ra cổ phiếu.
Thống kê cho thấy, từ đầu năm đến nay, tính trung bình nhóm cổ phiếu bất động sản đã “bay” khoảng 42% giá trị. Riêng trong tháng 10 vừa qua giảm khoảng 18,3%, hơn hẳn mức sụt giảm của VN-Index là 9,20%. Nhiều cổ phiếu ghi nhận mức sụt giảm sâu, từ mức đỉnh trên 20.000 đồng/cp, giờ chỉ còn dưới 10.000 đồng/cp, thậm chí không ít mã không bằng một mớ rau, chỉ còn tương đương ly trà đá.
Trong khi đó, kết quả kinh doanh của nhóm này cũng cho thấy nhiều doanh nghiệp kinh doanh không mấy sáng sủa, dư nợ cao. Và với việc nhà đầu tư thờ ơ với nhóm cổ phiếu có thời từng vô cùng hấp dẫn trên thị trường này, dự báo đà giảm sẽ còn tiếp tục. Đồng nghĩa với việc làn sóng bán giải chấp cổ phiếu dự kiến còn kéo dài.
Mặc dù ở thời điểm hiện tại, số lượng doanh nghiệp bán giải chấp vẫn chưa phải tới con số đáng báo động, song việc này lại ảnh hưởng khá lớn đến tâm lý một số nhà đầu tư, từ đó gây tác động mạnh tới thị trường chung. Điều đó dẫn tới hệ lụy nhiều cổ phiếu doanh nghiệp kinh doanh tốt, dòng tiền ổn định nhưng vẫn bị bán giải chấp.
Giới phân tích nhận định, nhà đầu tư không nên đánh đồng chất lượng các doanh nghiệp với nhau, từ đó tạo nên hiệu ứng xấu không đáng có. Thực tế, nhiều doanh nghiệp bất động sản vẫn có dòng tiền tốt, khả năng thích ứng cao và sức bật tốt trong giai đoạn hiện nay.
Do đó, nhà đầu tư vẫn có thể tìm kiếm lợi nhuận ở những doanh nghiệp chất lượng như sở hữu những đặc điểm: quỹ đất lớn, đã hoàn thiện các thủ tục pháp lý cũng như cơ sở hạ tầng để mở bán; có sản phẩm liên quan phân khúc căn hộ tầm trung và bình dân vì những phân khúc này được thúc đẩy bởi nhu cầu ở thực; và có mức tăng trưởng lợi nhuận ổn định, có bảng cân đối tài chính lành mạnh như tỷ lệ đòn bẩy thấp, thanh khoản cao nhằm hạn chế các rủi ro thắt chặt tài chính tín dụng đối với thị trường.
"Hiện, việc giải chấp quy mô lớn bởi cầm cố cổ phiếu có liên quan tới lãnh đạo là những doanh nghiệp có tỷ lệ vay nợ cao hoặc có dư nợ trái phiếu lớn. Nhà đầu tư nên nâng cao năng lực phân tích của mình, cả về năng lực phân tích cơ bản doanh nghiệp tới phân tích đồ thị kỹ thuật và diễn biến giá giao dịch trên sàn. Đặc biệt là phân tích được năng lực tài chính của doanh nghiệp mà mình dự định đầu tư", ông Nguyễn Văn Sơn, chuyên gia phân tích Chứng khoán Phú Hưng lưu ý.
Hải Giang