CTCP Thương mại Thái Hưng vừa tiếp tục đăng ký bán 18,4 triệu cổ phiếu TIS trong tổng số 36,8 triệu cổ phiếu đang nắm giữ (tỷ lệ 20%) của CTCP Gang thép Thái Nguyên. Giao dịch dự kiến thực hiện theo phương thức thỏa thuận và khớp lệnh từ 17/1 đến 14/2/2019.
Trước đó, hồi cuối năm 2018, Thái Hưng đã đăng ký bán số cổ phần này nhưng thời gian giao dịch chỉ có 5 ngày (24 – 28/12) theo phương thức thỏa thuận và khớp lệnh.
“Ván bài” chưa lật hết
Tháng 2/2017, Thái Hưng chính thức trở thành cổ đông lớn của Tisco khi chi 153,7 tỷ đồng mua vào 14,1 triệu cổ phiếu TIS, tương đương 7,72% vốn của Tisco thời điểm đó. Trước giao dịch, số cổ phiếu TIS mà Thái Hưng nắm giữ chỉ là 103.100 đơn vị.
Tiếp đó, cuối tháng 4/2017, Thái Hưng hoàn tất thương vụ mua vào hơn 17,8 triệu cổ phiếu TIS từ Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) với giá bình quân 11.216 đồng/ cp và mua thêm 290.000 cổ phiếu qua sàn, nâng lượng sở hữu lên 12,3 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ 17,55%.
Chỉ sau đó ít ngày, đầu tháng 5/2017, Thái Hưng lại tiếp tục mua vào 4,5 triệu cổ phiếu TIS, nâng lượng sở hữu sau giao dịch lên 36,8 triệu cổ phiếu, chiếm 20% vốn điều lệ của Tisco.
Sau hơn một năm Thái Hưng đầu tư, cổ phiếu TIS trên thị trường hiện giảm khá mạnh về mức giá 10.600 đồng/cp và cũng là lúc Thái Hưng rút vốn.
Diễn biến “vòng vo” của thương vụ Tisco của Thái Hưng khiến các nhà đầu tư lâu nay quan tâm đến cổ phiếu ngành thép liên tưởng đến Thép Việt Ý (mã: VIS) với những sự trùng hợp đến bất thường.
Đầu tiên là sự tương đồng về thời điểm trở thành cổ đông lớn đều là khi Nhà nước thoái vốn. Tại Thép Việt Ý, Thái Hưng đã nhanh chóng gia tăng tỷ lệ sở hữu và trở thành cổ đông nắm quyền chi phối (gần 51%) khi Tổng công ty Sông Đà thoái vốn.
Sau đó, Thái Hưng “cặm cụi” gom vào cổ phiếu VIS nâng tỷ lệ sở hữu lên 65%. Tuy nhiên, “cuộc chơi” tại Thép Việt Ý đã thay đổi khi Thái Hưng mời Kyoei Steel – một doanh nghiệp thép đến từ Nhật Bản, và dần chuyển giao cổ phần cho đối tác.
Hiện tại, Kyoei đã nắm giữ 73,81% vốn điều lệ của Thép Việt Ý từ việc nhận cổ phần từ Thái Hưng và gom mua thêm cổ phiếu trên sàn, còn “chủ nhân” cũ Thái Hưng giảm tỷ lệ sở hữu xuống còn 20%.
Khác với TIS, cổ phiếu VIS sau khi về tay Thái Hưng khởi sắc tăng lên gần 35.500 đồng/cp hồi tháng 4/2018; nhưng sau khi Kyoei Steel nắm quyền sở hữu, hiện VIS đang giao dịch tại mức giá 25.700 đồng/cp.
Khi “ván bài” tại Thép Việt Ý vẫn chưa lật hết thì Thái Hưng tuyên bố thoái vốn tại Tisco. Đã có những tin đồn xung quanh việc Kyoei Steel sẽ tiếp tục chi lượng lớn tiền để sở hữu số cổ phần này theo đúng kịch bản tại Thép Việt Ý.
Tuy nhiên, Thái Hưng đã thất bại trong đợt đăng ký bán đầu tiên và nguyên nhân có thể đến từ việc công ty mẹ Tổng công ty Thép Việt Nam (VnSteel) đang nắm giữ cổ phần chi phối tại Tisco.
Với mức giá 10.700 đồng/cp hiện tại của cổ phiếu TIS, Thái Hưng có thể thu về 197 tỷ đồng nếu bán hết số cổ phiếu đăng ký.
Diễn biến giá cổ phiếu TIS |
Nhắm đích “làm tất ăn cả”
Sau hơn một năm rưỡi đầu tư mà không nhận được một đồng cổ tức dù bằng tiền hay bằng cổ phiếu, việc thoái một nửa số vốn tại Tisco thời điểm này có thể khiến Thái Hưng lỗ gần 4% cho thương vụ này.
Vì sao Thái Hưng lại chấp nhận lỗ để thoái vốn? Việc đầu tư vào các doanh nghiệp có tên tuổi trong ngành thép của Thái Hưng có mục đích thật sự là gì?
Thực tế, ngay cả trước và sau khi về tay Thái Hưng, Tisco cũng làm ăn không mấy khả quan khi chứng kiến sự sụt giảm cả về doanh thu và lợi nhuận.
Thế nhưng, Tisco hiện có năng lực sản xuất thép khoảng 500.000 tấn/năm, sử dụng công nghệ luyện lò cao từ quặng đầu tiên của Việt Nam và sở hữu dự án Cải tạo và mở rộng sản xuất Gang thép Thái Nguyên – giai đoạn 2 với tổng chi phí đầu tư toàn dự án điều chỉnh đã được phê duyệt là 8.105 tỷ đồng.
Hơn nữa, Tisco đang có rất nhiều lợi thế như thương hiệu/ sản phẩm tốt, thị phần rộng, nguồn nguyên liệu lớn, tài nguyên đất nhiều và nhân lực có trình độ cao…
Hiện, tổng doanh thu của Thái Hưng trung bình đạt 1 tỷ USD/năm, trong giai đoạn 2017- 2020 với mục tiêu xây dựng thế kiềng ba chân vững chắc: sản xuất – kinh doanh – dịch vụ lấy trọng tâm là ngành thép.
Do vậy, khi thực hiện gom mua cổ phiếu VIS, Thái Hưng không chỉ có được siêu lợi nhuận từ hoạt động đầu tư tài chính, mà còn muốn đi đường dài với các công ty sản xuất. Tương tự với TIS, có thể sẽ lỗ trong thương vụ thoái vốn nhưng đó mới chỉ là một nửa số cổ phần.
Hơn nữa, thời gian là cổ đông lớn của Tisco tuy không quá dài nhưng cũng đủ để Thái Hưng có thể liên kết được với hệ thống phân phối của Tisco và từng bước trở thành công ty phân phối thép lớn nhất miền Bắc.
Từ đây, Thái Hưng sẽ lấn sân sang lĩnh vực sản xuất thép chuyên nghiệp để “làm tất ăn cả” – cái đích hướng tới của hầu hết các doanh nghiệp thép tư nhân.
Do đó, khoản lỗ 4% cho một nửa khoản đầu tư có lẽ là một con số quá nhỏ so với những gì mà Thái Hưng sẽ thu lại được.
Linh Đan