Dưới góc nhìn của một doanh nghiệp xuất khẩu (DN XK) thép, ông Võ Minh Nhựt, Tổng Giám đốc công ty TNHH NS BlueScope Việt Nam (liên doanh sản xuất thép giữa Australia và Nhật Bản, đóng tại Bà Rịa – Vũng Tàu), cho biết dù trong thế khó của thị trường thép thế giới, nhưng qua quan sát gần đây đối với các DN thép tại Việt Nam thấy rằng họ đã tự mình xoay sở, tìm kiếm được những thị trường xuất khẩu (XK) mới.
Tìm thị trường mới
Theo ông Nhựt, đã có một số ảnh hưởng nhất thời, ngắn hạn từ thị trường thép trên thế giới lên ngành thép Việt trong thời gian qua. Đó là nhu cầu thép xây dựng hiện chiếm khoảng 70% tổng công suất thép của thế giới, nhưng thực ra trên thế giới luôn có một lượng dư thừa về thép.
Hơn nữa, cộng với giai đoạn gần đây, khuynh hướng bảo hộ ngành thép từ các nước gia tăng. Chưa kể đến những nỗ lực của Trung Quốc trong việc hạ giá thành thép để thúc đẩy XK, tìm kiếm thị trường mới.
Liên quan đến cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung kéo dài đến nay, được cho là tác động trực tiếp đến XK thép, ông Nhựt cho rằng để tránh bị ảnh hưởng bởi các quy định áp thuế, ngành thép Việt càng cần cố gắng đa dạng các sản phẩm XK, tìm kiếm các thị trường XK mới và tiềm năng như châu Phi, Ca-ri-bê và Nam Mỹ. Đặc biệt là cần tạo ra các giá trị bằng những công nghệ đột phá và các dòng sản phẩm mới tập trung vào xu hướng công nghệ xanh để có hướng đi khác biệt.
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, tình hình XK thép vẫn khả quan. Tính riêng 10 tháng đầu năm 2018, XK thép đã đạt 5,24 triệu tấn, trị giá 3,84 tỷ USD, tăng 38,2% về lượng và tăng 53% về kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái.
Thị trường tiêu thụ lớn nhất các loại sắt thép của Việt Nam là Campuchia, chiếm 18,6% tổng kim ngạch XK. Ngay như thị trường Mỹ, dù Việt Nam chịu ảnh hưởng từ quyết định đánh thuế 25% đối với thép và 10% đối với nhôm từ mọi khu vực vào Mỹ (có hiệu lực từ tháng 5/2018), nhưng việc XK sắt thép vào nước này cũng tăng rất mạnh 93,6% về lượng và 105,8% về kim ngạch, đạt 814.973 tấn, tương đương 694,11 triệu USD.
Cần nhìn nhận về tính chủ động thâm nhập thị trường tiềm năng của các DN XK thép hiện nay. Ngay trong khuôn khổ Diễn đàn Thép Đông Nam Á 2018 diễn ra tại Tp.HCM từ ngày 25 đến 28/11, để tận dụng thị trường thương mại nội khối ASEAN, các nhà sản xuất thép của Việt Nam đã tham gia phiên họp B2B từ sáng kiến của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) để tiếp cận trực tiếp với những DN trong ASEAN quan tâm (mang người bán đến với người mua và ngược lại).
Xuất khẩu thép vẫn khả quan dù gặp nhiều rào cản |
"Dĩ bất biến, ứng vạn biến"
Hiện tại, tổng năng lực sản xuất ngành thép của Việt Nam đạt khoảng 30 triệu tấn/ năm, đứng đầu các nước ASEAN, tuy nhiên công suất hoạt động chỉ đạt khoảng 63 – 65% công suất thiết kế.
Trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ – Trung vẫn chưa kết thúc, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam), cho rằng Việt Nam cũng sẽ chịu nguy cơ "chuyển dịch giả mạo", "gian lận thương mại", do Trung Quốc "mượn" thị trường để tránh thuế.
Vì vậy, DN sản xuất thép nên theo dõi tình hình, để có ứng xử kịp thời với từng biến động. Theo bà Trang, một điều quan trọng của DN cần lưu ý là "dĩ bất biến ứng vạn biến". Nghĩa là củng cố những cái cố định như năng lực cạnh tranh, năng lực sáng tạo, năng lực kết nối để có thể thắng được những biến động lớn xung quanh, trong trường hợp này là chiến tranh thương mại.
Theo dự báo của VSA, năm nay, ngành thép sẽ duy trì đà tăng trưởng với mức tăng khoảng 20% so với năm ngoái. Trong đó, sản xuất thép xây dựng tăng trưởng 10%, thép lá cuộn cán nguội tăng 5%, thép ống hàn tăng 15%, tôn mạ và sơn phủ màu tăng 12%. Đặc biệt, sản xuất thép cuộn cán nóng sẽ tăng mạnh nhất 154% so với năm 2017.
Tuy nhiên, giới chuyên gia lưu ý cuộc cạnh tranh trong ngành thép Việt đang ở thời kỳ gay gắt khi tổng sản lượng các chủng loại thép sản xuất trong nước đã vượt xa nhu cầu thị trường. Tính chung 10 tháng đầu năm 2018, sản lượng sản xuất sắt thép thô đã tăng 40,5% so với cùng kỳ năm trước.
Đặc biệt, ngành thép phải đối mặt với nhiều vụ điều tra bán phá giá từ các nước nhập khẩu khiến XK thép gặp nhiều rào cản. Trong đó, các thị trường quen thuộc trong ASEAN như: Thái Lan, Malaysia cũng đã khởi xướng các vụ kiện điều tra chống bán phá giá đối với một số sản phẩm sắt thép có xuất xứ hoặc nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam đang là thực trạng đáng lo ngại.
Thêm vào đó, lượng thép nhập khẩu liên tục tăng, các DN thép nước ngoài có xu hướng đẩy mạnh đầu tư nhà máy tại Việt Nam đang gây áp lực đối với các DN thép nội địa.
Thế Vinh