Khó có thể nói chính xác được thời điểm Việt Nam được nâng hạng lên thị trường mới nổi |
Câu chuyện “bao giờ được nâng hạng?” luôn là chủ đề được các nhà đầu tư cũng như các thành viên tham gia thị trường chứng khoán đặc biệt quan tâm. Bởi sau nhiều năm nỗ lực, đến nay Việt Nam vẫn nằm ngoài danh sách nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi trên bảng xếp hạng của MSCI và FTSE.
Thực tế, về cơ bản thị trường chứng khoán Việt Nam đã đáp ứng đủ các tiêu chí định lượng, nhưng chưa đáp ứng được các tiêu chí định tính liên quan tới “mức độ mở cửa cho nhà đầu tư nước ngoài” khiến tiến độ nâng hạng thị trường bị chậm trễ.
Cũng theo bà Bình, những trở ngại lớn nhất của thị trường chứng khoán Việt Nam liên quan đến chính sách trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài đã và đang được các nhà quản lý giải quyết bằng các chính sách mới.
Có thể kể đến như danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện được sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài do Bộ Kế hoạch Đầu tư sửa đổi, bổ sung để phù hợp với thông lệ quốc tế. Hay tới đây, nghiệp vụ bán chứng khoán chờ về hay giao dịch T+0, cơ chế CCP sẽ được triển khai kỳ vọng là một điểm cộng cho thị trường chứng khoán Việt Nam đối với dòng vốn ngoại.
Thế nhưng, “ngay cả khi chúng ta hoàn thiện chính sách để đáp ứng toàn bộ 9/9 tiêu chí cũng không có nghĩa là chúng ta được nâng hạng ngay bởi việc này không phải do FTSE Russel và MSCI quyết định mà phụ thuộc vào cảm nhận của các nhà đầu tư nước ngoài. Trong khi để hấp thụ được chính sách, họ cần thời gian”, bà Bình nói.
Về tiêu chí được các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá là hạn chế do họ phải ký quỹ 100%, tức là phải có đủ tiền mới được mua chứng khoán, đủ cổ phiếu trong tài khoản mới được bán. Theo Ông Bùi Hoàng Hải, Vụ trưởng Vụ Quản lý chào bán chứng khoán, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước: “Chúng ta không thể ký quỹ 100% bởi khi khi đặt lệnh mua chứng khoán mà huỷ, đến cuối ngày giao dịch thì không biết lấy tiền ở đâu cả”.
Theo Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD), ngoài việc ký quỹ còn là tiêu chí “tỷ lệ giao dịch thất bại” bị đánh giá là “chưa đáp ứng”. "Trong quá trình hoạt động vẫn thiếu hụt tiền, thiếu hụt chứng khoán, lùi thời hạn thanh toán, vẫn phải huỷ thanh toán, đó là câu chuyện ý thức tuân thủ chúng ta không tốt mà điều này rất trở ngại với nhà đầu tư nước ngoài”, ông Nguyễn Sơn, Chủ tịch HĐQT VSD nói.
Cho biết thêm về tiến độ nâng hạng của thị trường chứng khoán Việt Nam bà Bình chia sẻ, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã làm việc với FTSE Russell không phải để thuyết phục họ nâng hạng cho Việt Nam mà là chủ động giải đáp các thắc mắc. Trên thực tế một số thông tin mà tổ chức này có về thị trường chứng khoán Việt Nam không chính xác. Có những điểm vướng mắc Việt Nam đã khắc phục xong, nhưng FTSE Russell chưa cập nhật.
"Với những nỗ lực và kết quả đã và sắp đạt được, chúng tôi cảm nhận thời điểm thị trường chứng khoán Việt Nam thành công trong nâng hạng từ cận biên lên mới nổi đang rất gần”, bà Bình cảm nhận.
Minh Khuê