Khối Phân tích của Chứng khoán VNDirect vừa phát hành Báo cáo đánh giá phân loại thị trường chứng khoán (TTCK) năm 2020, cho biết Việt Nam sẽ phải đợi đến khi Kuwait được nâng hạng để trở thành quốc gia lớn nhất trong chỉ số thị trường cận biên của MSCI (MSCI Frontier Markets Index).
Trước đó, cũng trong một báo cáo, VNDirect đã dự báo TTCK Việt Nam có thể được MSCI gia tăng tỷ trọng trong nhóm thị trường cận biên trong năm nay khi Kuwait được thông báo nâng hạng lên nhóm thị trường mới nổi.
Nhiều lý do “kìm chân”
Vào tháng 12/2019, MSCI đã nâng hạng Kuwait từ FM lên EM. SSI Research thời điểm đó đánh giá đây là một thông tin tích cực với TTCK Việt Nam vì Kuwait chiếm tỷ trọng lớn nhất trong chỉ số thị trường mới nổi.
Theo mô hình dự báo của MSCI, sau khi Kuwait chuyển lên nhóm TTCK mới nổi, tỷ trọng của Việt Nam trong chỉ số MSCI Frontier Markets Index và MSCI Frontier Markets 100 Index có thể được tăng lên lần lượt là 25,2% và 30%, từ 15,4% và 11,1% hiện tại.
Hiện có khá nhiều quỹ chủ động có quy mô hàng trăm triệu USD đang sử dụng chỉ số tiêu chuẩn là MSCI Frontier Markets Index, có thể kể tới như Schroder International Selection Fund, Templeton Frontier Markets Fund, Morgan Stanley Institutionam Fund, Magna Umbrella Fund,…
Tuy nhiên, đối với TTCK Việt Nam, bên cạnh nguyên nhân đến từ thị trường Kuwait vẫn còn tồn tại những khó khăn khác khiến con đường nâng hạng trở nên gập ghềnh.
Theo ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích của Chứng khoán Yuanta Việt Nam, trong năm 2018-2019, Việt Nam đã gặp rất nhiều khó khăn về thị trường cũng như tiến trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước diễn ra quá chậm chạp. Do đó, MSCI chưa cân nhắc nâng hạng cho TTCK Việt Nam trong giai đoạn năm 2020.
Ngoài ra, tình hình dịch bệnh Covid-19 tiềm ẩn rủi ro lớn đối với TTCK toàn cầu nói chung và TTCK Việt Nam nói riêng, nên việc xem xét nâng hạng TTCK Việt Nam có thể sẽ bị hoãn lại trong năm nay.
Đặc biệt, dù đã đáp ứng đủ các tiêu chí định lượng nhưng TTCK Việt Nam vẫn chưa đáp ứng được những tiêu chí định tính như thiếu độ mở của thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài và quyền bình đẳng của nhà đầu tư nước ngoài còn hạn chế (thể hiện chủ yếu qua giới hạn sở hữu nước ngoài).
Ben cạnh đó là các hạn chế trong công bố thông tin bằng tiếng Anh (tin tức, báo cáo của doanh nghiệp hay các quy định của Chính phủ). Việc thiếu thị trường giao dịch ngoại hối tại nước ngoài gây khó khăn trong việc chuyển đổi từ VND sang ngoại tệ khác, trong khi thị trường ngoại hối trong nước vẫn còn nhiều hạn chế và thiếu một trung tâm thanh toán bù trừ chứng khoán độc lập đồng thời chưa thỏa mãn một số tiêu chí khác về giao dịch, chuyển nhượng chứng khoán, sản phẩm phái sinh.
Vẫn còn nhiều nguyên nhân "kìm chân" thị trường chứng khoán Việt thăng hạng (Ảnh: Internet) |
Gặp khó với dòng vốn ngoại
Trước những vướng mắc như hiện tại, cơ hội đón dòng vốn ngoại khổng lồ khi được nâng hạng của TTCK Việt Nam sẽ tiếp tục tạm gác lại. Trong khi đó, giữa bối cảnh khủng hoảng của dịch bệnh, việc giữ chân dòng vốn cũng đang là một thách thức đặt ra với TTCK Việt Nam.
Theo phân tích của VNDirect, tổng giá trị tài sản ròng của các quỹ theo dõi chỉ số MSCI Frontier Markets 100 Index và MSCI Frontier Markets Index tại ngày 9/4/2020 đạt khoảng 1.915 triệu USD, giảm 37% so với thời điểm ngày 10/12/2019.
Vì thế, quy mô lượng vốn ngoại đổ vào TTCK Việt Nam sau khi Kuwait được nâng hạng lên thị trường mới nổi có thể nhỏ hơn ước tính ban đầu của VNDirect do sự bùng phát của dịch bệnh, nhà đầu tư quốc tế đã giảm thiểu mức độ ưa thích đối với các loại tài sản rủi ro, từ đó kéo theo làn sóng rút vốn mạnh ra khỏi các quỹ đầu tư vào thị trường cận biên.
Dựa trên số liệu hiện tại, VNDirect ước tính dòng vốn từ các quỹ theo dõi thị trường cận biên của MSCI đổ vào TTCK Việt Nam sẽ vào khoảng 120 triệu USD, thấp hơn ước tính trước đó là 200 triệu USD (ước tính này dựa trên giả định giá trị tài sản ròng của các quỹ duy trì ở mức hiện tại).
Theo đó, các cổ phiếu Việt Nam hiện đang có trong danh mục của MSCI Frontier Markets 100 Index và MSCI Frontier Markets Index sẽ được các quỹ ngoại theo dõi các chỉ số thị trường cận biên mua ròng, đặc biệt là các cổ phiếu vốn hóa lớn đang chiếm tỷ trọng cao như VIC, VNM, VHM, HPG, VCB, MSN và VRE.
Một số công ty chứng khoán khác dự đoán trong kịch bản tốt nhất, MSCI có thể đưa Việt Nam vào danh sách theo dõi nâng hạng trong đợt đánh giá thường niên vào tháng 6/2021 và chính thức nâng hạng sau đó một năm.
Cụ thể, Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam cho rằng, nếu không có yếu tố đột biến thì quá trình chờ nâng hạng sẽ kéo dài đến giữa năm 2022, thậm chí tiêu cực là sau năm 2023. Trong khi đó, Chứng khoán BSC đưa ra quan điểm thận trọng hơn vì hiện nay mới là giai đoạn đầu bổ sung khuôn khổ pháp lý, cơ cấu lại hàng hóa và tổ chức mô hình thị trường, kỳ vọng MSCI thông báo nâng hạng TTCK Việt Nam trước năm 2025.
Linh Đan