Trong thông báo mới nhất, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã ban hành Quyết định về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Nguyễn Thanh Tùng.
Thêm nhiều trường hợp bị “vạch trần”
Ông Nguyễn Thanh Tùng bị phạt tiền 575 triệu đồng do đã có hành vi thao túng thị trường chứng khoán (TTCK). Cụ thể, trong khoảng thời gian từ ngày 13/12/2019 đến ngày 16/07/2020, ông Nguyễn Thanh Tùng đã sử dụng 05 tài khoản gồm 01 tài khoản đứng tên mình và 04 tài khoản đứng tên 04 người khác để liên tục thực hiện giao dịch mua, bán cổ phiếu HCI của CTCP Đầu tư Xây dựng Hà Nội. Cá nhân này đã giao dịch khớp đối ứng cổ phiếu HCI giữa các tài khoản với nhau nhằm mục đích tạo cung cầu giả tạo, thao túng TTCK đối với cổ phiếu HCI.
Hàng loạt vụ việc thao túng, làm giá cổ phiếu... vẫn diễn ra. |
Trước đó, UBCKNN đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và TTCK và áp dụng các biện pháp ngăn chặn vi phạm pháp luật về chứng khoán đối với các cá nhân bao gồm ông Mai Hữu Phúc, bà Võ Như Thảo, bà Đỗ Thủy Tiên, ông Trần Minh Hoàng do có hành vi thao túng TTCK với mã cổ phiếu PSH của CTCP Thương mại Đầu tư Dầu khí Nam Sông Hậu.
Theo đó, UBCKNN xử phạt 4 cá nhân trên mỗi người 1,5 tỷ đồng. Ông Mai Hữu Phúc, bà Võ Như Thảo, bà Đỗ Thủy Tiên và ông Trần Minh Hoàng bị cấm giao dịch 2 năm, ông Trần Minh Hoàng bị cấm giao dịch 3 năm.
Ông Mai Hữu Phúc sinh năm 1988 là cử nhân kinh tế, con trai của ông Mai Văn Huy - Chủ tịch PSH. Trong giai đoạn thao túng cổ phiếu PSH, ông Phúc giữ vị trí Phó Chủ tịch PSH.
UBCKNN cũng đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Nguyễn Hải Châu, Chủ tịch Hội đồng quản trị CTCP Chứng khoán Everest (EVS). Theo đó, phạt tiền 75,37 triệu đồng do đã có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán, giao dịch ngoài khoảng thời gian Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam hoặc công ty con công bố thông tin.
Cụ thể, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội công bố thông tin ông Nguyễn Hải Châu đăng ký mua 1.200.000 cổ phiếu EVS từ ngày 08/11/2022 đến ngày 30/11/2022. Tuy nhiên, ngày 07/11/2022, ông Nguyễn Hải Châu đã thực hiện mua 1.005.000 cổ phiếu EVS tương ứng với 10.050.000.000 đồng theo mệnh giá cổ phiếu EVS.
Đồng thời, UBCKNN cũng đưa ra hình thức xử phạt bổ sung: Đình chỉ hoạt động giao dịch chứng khoán có thời hạn 02 tháng, quy định tại điểm a khoản 7 Điều 33 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 27 Điều 1 Nghị định số 128/2021/NĐ-CP.
Cần nhanh chóng hoàn thiện khung pháp lý
Nhìn chung, thao túng thị trường ảnh hưởng trực tiếp đến giá cổ phiếu, khó khăn trong việc phân tích và dự báo các khoản đầu tư tốt nhất. Cùng với đó, doanh nghiệp khó có thể huy động được vốn, trì hoãn các dự án hay hoạt động mở rộng sản xuất kinh doanh, làm chậm hoạt động của nền kinh tế.
Trong các năm 2021-2023, UBCKNN đã xử phạt trung bình mỗi năm từ hơn 400 đến hơn 500 trường hợp tổ chức, cá nhân vi phạm hành chính về chứng khoán. Cụ thể, năm 2021 xử phạt 568 trường hợp vi phạm với tổng số tiền phạt 25,9 tỷ đồng; năm 2022, xử phạt 495 trường hợp vi phạm với tổng số tiền phạt 39 tỷ đồng; năm 2023 xử phạt 475 trường hợp vi phạm với tổng số tiền phạt hành chính là 42,9 tỷ đồng.
Nhìn vào các con số trên có thể thấy, số vụ việc xử phạt hành chính không tăng nhưng cũng không giảm đáng kể. Bởi thực tế TTCK Việt Nam cũng còn nặng tính tâm lý đám đông, trong bối cảnh sự phát triển mạnh của mạng xã hội với nhiều hội, nhóm đầu tư chứng khoán được tạo ra trên mạng xã hội làm nơi trao đổi, tham khảo thông tin, hỗ trợ nhà đầu tư mua, bán chứng khoán. Như vậy một mặt giúp cho việc thông tin trên thị trường được phổ biến nhanh chóng; nhưng ở mặt tiêu cực cũng là môi trường làm xuất hiện hiện tượng lợi dụng các diễn đàn, nhóm mạng xã hội Zalo, Facebook, Telegram… để tung tin đồn, kêu gọi lôi kéo nhà đầu tư mua bán chứng khoán, thậm chí có thể bao gồm cả những cổ phiếu có dấu hiệu thao túng. Điều này cũng dẫn đến nhiều khó khăn trong việc chứng minh hành vi thao túng TTCK.
Đáng chú ý, hầu hết các vụ việc liên quan đến thao túng TTCK tại Việt Nam hiện nay vẫn chỉ dừng lại ở mức xử phạt hành chính, không đủ tính răn đe. Mức phạt quá thấp so với lợi nhuận thu được chính là lý do khiến hành vi thao túng TTCK vẫn liên tục tái diễn, gây mất cân bằng, dễ dẫn đến suy thoái, khủng hoảng.
Ngoài ra, hiện chưa có quy định cụ thể trong việc hạn chế khối lượng giao dịch chứng khoán, ứng phó khi TTCK có nhiều biến động. Cùng với sự phát triển vượt bậc của khoa học công nghệ, các ứng dụng được tạo ra nhằm thay đổi các công cụ tài chính, hàng loạt giao dịch khối lượng lớn được thực hiện, xử lý với tốc độ cực nhanh, đặc biệt là các giao dịch chênh lệch về giá.
Thời gian qua, cơ quan quản lý đã có nhiều giải pháp để giảm thiểu vi phạm, bao gồm hoàn thiện cơ chế chính sách, tuyên truyền phổ biến, đẩy mạnh thực thi pháp luật và tăng cường chế tài xử lý vi phạm.
Tuy vậy, bên cạnh những thành tựu nhất định, nhiều ý kiến cho rằng TTCK Việt Nam vẫn cần tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý để kiểm soát hành vi thao túng đã và đang diễn ra ngày càng phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của nhà đầu tư.
Trước hết, cần có văn bản hướng dẫn cụ thể việc xác định giá trị khoản thu nhập bất chính; hoặc trong trường hợp “không xác định được bị hại” nhưng có xác định được số tiền thu lợi bất chính và gây thiệt hại cho nhà đầu tư thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự bình thường.
Bên cạnh đó, cần xây dựng văn bản quy phạm pháp luật cụ thể về việc phân hóa trách nhiệm hình sự giữa pháp nhân và cá nhân trong tội danh này.
Đồng thời xây dựng khung pháp lý đối với các giao dịch áp dụng công nghệ kỹ thuật cao, giao dịch có tần suất với khối lượng lớn.
Cùng với đó, cần rà soát lại các công ty, doanh nghiệp đã và đang phát hành cổ phiếu lợi dụng các công ty có niêm yết trên sàn chứng khoán để thực hiện hành vi phạm tội gây thiệt hại nặng nề về kinh tế.
Và cuối cùng là cần thực hiện dự thảo, đóng góp ý kiến sửa đổi các văn bản pháp luật có liên quan để siết chặt quản lý về TTCK, đảm bảo cho sự phát triển minh bạch và bền vững của TTCK, ngăn chặn tối đa mọi thiệt hại cho nhà đầu tư.
Hải Giang