Chốt phiên ngày 7/6, nhóm cổ phiếu “họ FLC” tiếp tục bị bán tháo, hầu hết đều giao dịch giá sàn, thậm chí có cổ phiếu xuống mức giá thấp nhất từ trước đến nay.
Đua nhau giao dịch giá sàn
Cụ thể, cổ phiếu FLC (Tập đoàn FLC) rớt hết biên độ xuống 4.850 đồng/cp; ROS (FLC Faros) giảm sàn về 3.100 đồng/cp; HAI (Nông dược HAI) giảm kịch khung về 2.420 đồng/cp; AMD (FLC Stone) giao dịch giá sàn tại 3.210 đồng/cp; KLF (Xuất nhập khẩu CFS) giảm xuống 3.400 đồng/cp và ART (Chứng khoán BOS) cũng xuống 4.900 đồng/cp.
Nhiều cổ phiếu bị thao túng trước đây được nhà đầu tư săn đón thì nay khi sự thật phơi bày họ lại cố bán cho bằng được. |
Nhìn chung, ở mức giá hiện tại, mỗi cổ phiếu “họ FLC” còn không mua nổi ly trà đá. Như vậy, tính từ thời điểm cuối tháng 3 vừa qua, khi ông Trịnh Văn Quyết, nguyên Chủ tịch Tập đoàn FLC bị bắt vì tội thao túng thị trường chứng khoán thì nhóm cổ phiếu nói trên liên tục đi xuống và giảm từ 75 - 80%.
Hơn nữa, từ ngày 1/6 vừa qua, do 3 công ty FLC, FLC Faros và Nông dược HAI chậm nộp báo cáo tài chính năm 2021 đã được kiểm toán quá 45 ngày so với thời hạn quy định nên 3 cổ phiếu thuộc 3 công ty này đã bị Sở Giao dịch chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh (HoSE) chuyển từ diện "kiểm soát" sang diện "hạn chế giao dịch" và chỉ được giao dịch trong phiên chiều chẳng khác nào như “đổ dầu vào lửa”, khiến cho nhà đầu tư càng quyết tâm bán tháo các cổ phiếu này bằng mọi giá.
Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ cuối tuần qua, Bộ Công an thông tin, theo kết quả điều tra ban đầu xác định Trịnh Văn Quyết chỉ đạo Trịnh Thị Minh Huế mượn chứng minh thư nhân dân của 26 cá nhân lập 20 doanh nghiệp, mở 450 tài khoản tại 41 công ty chứng khoán để thực hiện các hành vi thao túng giá cổ phiếu nhằm tạo ra cung cầu giả với 6 mã chứng khoán FLC và thu lợi bất chính. Dự tính ban đầu, Trịnh Văn Quyết đã thu về 975 tỷ đồng. Điều này đã gây thiệt hại đặc biệt lớn cho các nhà đầu tư. Hiện nay Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã tiếp nhận 557 đơn của các nhà đầu tư tố cáo hành vi thao túng thị trường chứng khoán của Trịnh Văn Quyết và đồng phạm.
Một nhóm cổ phiếu đình đám cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự trong thời gian gần đây là nhóm cổ phiếu thuộc “họ Louis” của ông Đỗ Thành Nhân, nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty CP Louis Holdings.
Khởi nghiệp bằng nghề buôn gạo tại Cần Thơ nhưng ông Nhân từng được ví như “nhà tiên tri”, “bàn tay vàng Midas” trong làng chứng khoán khi bất kỳ cổ phiếu thuộc doanh nghiệp mà ông nhón tay vào lập tức đều từ “vịt hóa thiên nga” như BII của CTCP Louis Land, TGG của CTCP Louis Capital, AGM của CTCP Xuất Nhập khẩu An Giang , VKC của CTCP Cáp nhựa Vĩnh Khánh, SMT của CTCP Smetel...
Theo đó, các mã cổ phiếu này phần lớn có giá trị chỉ bằng ly trà đá đã thay nhau lập đỉnh, tăng gấp nhiều lần chỉ trong thời gian ngắn, đặc biệt là giai đoạn từ tháng 8 đến giữa tháng 9/2021. Hai cổ phiếu BII và TGG liên tục ghi nhận hàng loạt phiên tăng trần.
Sau nhiều đồn đoán về nghi vấn thao túng giá cổ phiếu, giá các cổ phiếu trên nhanh chóng quay đầu giảm giá kể từ tháng 9/2021, và đặc biệt giảm giá mạnh sau thời điểm ông Đỗ Thành Nhân bị khởi tố và bắt tạm giam kể từ ngày 20/4/2022 do thao túng giá cổ phiếu. Kéo theo đó là hàng loạt cổ phiếu “thiên nga” đã gãy cánh trong phút chốc.
Chỉ tính trong 6 tháng đầu năm nay, diễn biến giá của các cổ phiếu này như sau: cổ phiếu BII giảm 77,5% về giá, còn 4.500 đồng/cp; TGG giảm hơn 71% còn 6.830 đồng/cp; VKC giảm 76,7% còn 4.300 đồng/cp; LDP (CTCP Dược Lâm Đồng) giảm hơn 55% còn 17.300 đồng/cp; SMT giảm 26% còn 11.800 đồng/cp; AGM giảm 17,3% còn 30.000 đồng/cp;...
Vừa qua, ngân hàng SHB cho biết đã thu hồi một loạt tài sản của ông Đỗ Thành Nhân gồm bất động sản và siêu xe trước ngày 19/05/2022 để đảm bảo thu hồi nợ trước thời hạn. Động thái này diễn ra ngay sau khi ông Đỗ Thành Nhân bị bắt giữ.
Nhà đầu tư nên hành động như nào?
Theo Báo cáo của Bộ Tài chính, hiện nay, trên thị trường chứng khoán (TTCK) có 767 cổ phiếu, chứng chỉ quỹ niêm yết, 858 cổ phiếu đăng ký giao dịch; 83 công ty chứng khoán, 44 công ty quản lý quỹ, 2 doanh nghiệp xếp hạng tín nhiệm. Số lượng tài khoản của nhà đầu tư là trên 5,2 triệu tài khoản, tăng 21,1% so với cuối năm 2021. Quy mô giao dịch bình quân trái phiếu Chính phủ 5 tháng đầu năm 2022 đạt 11.915 tỷ đồng/phiên, giá trị giao dịch bình quân cổ phiếu, chứng chỉ quỹ đạt 28.745 tỷ đồng/phiên, tăng 8,1% so với bình quân năm 2021.
"Trên thị trường cổ phiếu, TTCK phái sinh xuất hiện các hiện tượng thao túng giá, làm giá ngày càng tinh vi, nhiều mã chứng khoán được đẩy giá lên cao không gắn với tình hình hoạt động kinh doanh, nghĩa vụ công bố thông tin của một số doanh nghiệp đại chúng, công ty niêm yết, nhà đầu tư còn chưa đảm bảo chất lượng. Điển hình là vụ việc của FLC và Louis", báo cáo nêu.
Có thể thấy, trong 2 năm gần đây, TTCK tăng trưởng quá nhanh, dẫn tới phát sinh càng nhiều hành vi vi phạm tinh vi, gian lận quy định pháp luật, trong khi đó, quy định về mức xử phạt còn nhẹ, chế tài xử phạt chưa đủ tính răn đe.
Bên cạnh đó, yếu tố tâm lý của các nhà đầu tư vẫn ảnh hưởng chủ yếu đến TTCK, nhất là khi đứng trước các tin tức tiêu cực, gây hoang mang dẫn tới hành động bán tháo cổ phiếu trên diện rộng, khiến thị trường chung liên tục giảm mạnh.
Vì vậy, trước khi tham gia TTCK, nhà đầu tư nên tìm hiểu về về lĩnh vực mình đang đầu tư, phải có kỹ năng chứ không nên chỉ mua bán theo hô hào đám đông, theo những tin tức chưa kiểm chứng trên mạng xã hội. Tránh cho bản thân mình cũng trở thành công cụ của việc thao túng giá cổ phiếu và rồi chính bản thân mình “tiền mất tật mang”, thậm chí còn tay trắng rời bỏ thị trường.
Đồng thời, tìm hiểu kỹ về doanh nghiệp mình định đầu tư mua cổ phiếu là điều rất cần thiết, tránh trường hợp mua cổ phiếu làm ăn bết bát nhưng do cổ phiếu vẫn liên tục nhảy múa khiến người mua sợ bỏ lỡ nên “đu” theo và rồi dẫn tới nhiều hệ lụy phía sau đó.
Vậy nếu như lỡ mua phải cổ phiếu bị hủy niêm yết, nhà đầu tư nên xử trí ra sao?
Thực chất, nếu công ty bị hủy niêm yết thì các cổ đông nhỏ sẽ bị thiệt hại lớn, do rất khó chuyển số cổ phiếu đang nắm giữ thành tiền mặt.
Để bảo vệ quyền lợi cho cổ đông, chính công ty đó phải dùng tiền đang có hoặc bán tài sản (máy móc, nhà xưởng, bất động sản…) để mua lại cổ phiếu đó. Trong trường hợp doanh nghiệp không mua, thì Ủy Ban Chứng Khoán nhà nước yêu cầu doanh nghiệp đó chuyển cổ phiếu sang giao dịch trên sàn UPCoM (sàn giao dịch không chính thức hay sàn thứ cấp) để nhà đầu tư có thể tiếp tục bán cổ phiếu tại đây.
Tuy nhiên, nhà đầu tư cũng cần lưu ý, khi cổ phiếu phải chuyển sang sàn UPCoM, thanh khoản sẽ rất khó khăn, không như 2 sàn còn lại.
Hải Giang