Sau phiên hồi phục, thị trường chứng khoán (TTCK) đứt mạch hưng phấn khi khối ngoại xả hàng đột biến. Theo thống kê, phiên 28/9, khối ngoại đã đảo chiều bán ròng 404 tỷ đồng trên toàn thị trường sau 3 phiên gom tổng cộng 1.600 tỷ đồng (phiên 25-26-27/9).
Dòng tiền thiếu ổn định và đồng nhất
Nhìn chung, dòng tiền khối ngoại vẫn thiếu tính ổn định và đồng nhất. Chẳng hạn, trong phiên 27/9, khi thị trường chung hồi phục và nhà đầu tư nội ồ ạt nhảy vào bắt đáy cổ phiếu thì dòng vốn từ Fubon ETF lại có dấu hiệu chững lại và không tiếp tục phát hành thêm chứng chỉ quỹ. Trong khi đó, khối ngoại trên thị trường chung vẫn ghi nhận mua ròng gần 400 tỷ đồng trong phiên VN-Index hồi phục, song con số này giảm đáng kể so với lực mua gần nghìn tỷ của nhà đầu tư nước ngoài trong hai phiên điều chỉnh mạnh trước đó.
Cụ thể, trong 2 phiên giảm mạnh nhất (25-26/9), khối ngoại liên tiếp giải ngân ròng hơn 1.500 tỷ đồng, tương đương với khối lượng gần 42 triệu cổ phiếu, chấm dứt chuỗi bán ròng kéo dài tới 8 phiên.
Phiên 28/9, khối ngoại đã đảo chiều bán ròng 404 tỷ đồng trên toàn thị trường sau 3 phiên gom tổng cộng 1.600 tỷ đồng trước đó. |
Lực mua này có một phần đóng góp từ Fubon FTSE Vietnam ETF khi mua ròng thêm toàn bộ 30 cổ phiếu trong danh mục, tâm điểm với HPG, VIC, SSI,… Động thái mua ròng trở lại của Fubon FTSE Vietnam ETF bắt đầu ghi nhận từ đầu tuần trước, càng trở nên đặc biệt trong bối cảnh thị trường quay đầu điều chỉnh mạnh.
Đáng chú ý, trong phiên 27/9, VN-Index ghi nhận một phiên “xanh” tích cực nhưng thanh khoản trên HoSE có phần hụt hơi so với phiên trước đó với giá trị khớp lệnh đạt vỏn vẹn 16.057 tỷ đồng. Dù vậy, giao dịch khối ngoại vẫn tiếp tục trở thành điểm sáng khi mua ròng gần 382 tỷ đồng trên cả 3 sàn.
Trước đó, tính đến tháng 8, khối ngoại đã có tháng bán ròng thứ 5 liên tiếp, rút về 2.930 tỷ đồng. Trong hai tuần đầu tháng 9/2023, khối ngoại lần lượt bán ròng 1.266 tỷ đồng và 2.112 tỷ đồng trên 3 sàn.
Có thể thấy, động thái mua ròng trở lại của khối ngoại diễn ra khi thị trường rơi sâu, đẩy định giá P/E thị trường xuống thấp (xuống còn 15,8x từ 16,7x). Đồng thời, hiện, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng đang liên tục hút đồng nội tệ thông qua hoạt động bán tín phiếu kỳ hạn 28 ngày, sau 6 tháng dừng hoạt động trên thị trường mở.
Động thái này được đánh giá sẽ giúp góp phần ổn định tỷ giá USD/VND – vốn đang chịu áp lực lớn do chỉ số DXY đo sức mạnh đồng bạc xanh đang tăng cao, trong khi lãi suất VND kỳ hạn qua đêm duy trì ở mức thấp hơn 500 điểm cơ bản so với lãi suất USD.
Theo chuyên gia phân tích từ MBS, động thái hút VND của NHNN sẽ thúc đẩy lãi suất liên ngân hàng tăng nhẹ đồng thời giảm áp lực tỷ giá.
Nhiều yếu tố “níu chân” dòng vốn ngoại
Tuy nhiên, việc tỷ giá liên tục tăng cao khiến tâm lý nhà đầu tư ngoại lo ngại đồng VND yếu đi cũng là một trong những yếu tố quan trọng khiến dòng vốn này vẫn còn “e dè”. Bởi thực tế, sau cuộc họp của Fed, NHNN đã phát đi thông báo gây chú ý về việc phát hành gần 10.000 tỷ đồng tín phiếu kỳ hạn 28 ngày với lãi suất trúng thầu là 0,69%/năm, nhằm mục đích giảm áp lực đầu cơ tỷ giá. Tuy nhiên, thị trường vẫn tỏ ra lo ngại đây là tín hiệu về chính sách tiền tệ trong nước đổi chiều trước áp lực tỷ giá.
Theo chuyên gia kinh tế - TS. Nguyễn Trí Hiếu, thời gian tới, NHNN quyết định giảm lãi suất hay không còn tuỳ thuộc vào động thái chính sách của FED. Nếu FED tăng lãi suất sẽ làm NHNN chần chừ trong việc tiếp tục giảm lãi suất vì việc giảm lãi suất có thể làm tăng tỷ giá, gây bất ổn trên thị trường ngoại hối và thúc đẩy các nhà đầu tư ngoại rút vốn khỏi TTCK Việt Nam.
Tích cực hơn, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích Khối khách hàng cá nhân, Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng, đến thời điểm hiện tại, yếu tố vĩ mô Việt Nam không quá xấu. Tức là khó có một yếu tố quá tiêu cực nào để thị trường phải lo ngại khối ngoại sẽ rút ra khỏi TTCK Việt và tìm đến một thị trường khác, hoặc tìm đến một kênh đầu tư khác. Khi tình hình tỷ giá ổn định trở lại, khối ngoại có thể quay trở lại mua ròng.
“Khối ngoại có thể quay lại mua ròng trong tháng 11, còn sang tháng 12 có bán ròng hay không sẽ phụ thuộc vào chính sách lãi suất tiếp theo của Fed”, ông Minh dự báo.
Đáng chú ý, với việc HoSE chuẩn bị tích hợp hệ thống KRX, triển vọng của TTCK Việt Nam đang ngày càng rộng mở. Theo kế hoạch của Nhà thầu KRX, phía Việt Nam sẽ tổ chức đợt kiểm thử cuối cùng trong tháng 11/2023 và dự kiến KRX hoàn thành công tác chuẩn bị hệ thống vào cuối tháng 12/2023 để sẵn sàng triển khai.
Động thái này được giới chuyên gia nhận định là tín hiệu vô cùng tích cực, với kỳ vọng thanh khoản có thể lên tới 4 tỷ USD/phiên.
Không chỉ vậy, việc giảm thiểu lỗi giao dịch và nâng cao hiệu suất sẽ góp phần nâng tầm TTCK Việt Nam, giúp tiến gần hơn tới mục tiêu nâng hạng thị trường từ "cận biên" lên "mới nổi".
Theo SSI Research, nếu được FTSE nâng hạng lên thị trường mới nổi cấp 1, các cổ phiếu đủ điều kiện của Việt Nam sẽ được bổ sung vào trong chỉ số FTSE Secondary Emerging Markets Index, vì vậy các quỹ đang sử dụng chỉ số này làm tham chiếu sẽ tự động mua các cổ phiếu của Việt nam. Tổng giá trị mua phụ thuộc vào tỷ trọng của Việt Nam trong chỉ số.
“Với mức ước tính trung bình vào khoảng 1% - tổng giá trị vào ròng thông qua việc FTSE nâng hạng có thể lên đến gần 1 tỷ USD. Con số này sẽ cao hơn nhiều trong trường hợp Việt Nam được MSCI nâng hạng lên thị trường mới nổi”, SSI Research nhận xét.
Theo đó, dòng tiền đổ vào TTCK Việt khi được nâng hạng sẽ không chỉ đến từ những quỹ đầu tư theo chỉ số. Sẽ có nhiều quỹ, nhiều nhà đầu tư khác quan tâm đến Việt Nam khi Việt Nam được nâng hạng do khi đó độ mở, khả năng đầu tư và tính công khai minh bạch của Việt Nam đã lên một tầm cao mới. Đây cũng là yếu tố hấp dẫn khối ngoại mang tính dài hạn của TTCK Việt Nam.
“Việc nâng cấp thành thị trường mới nổi có thể mang đến thêm 10 tỷ USD đầu tư gián tiếp mới cho Việt Nam, trong đó riêng năm đầu tiên có thể tiếp nhận thêm từ 2 – 5 tỷ USD”, World Bank ước tính.
Hải Giang