Theo thống kê, từ đầu tháng 4/2023, khối ngoại đã bán ròng với tổng giá trị lên đến hơn 8.700 tỷ đồng trên HoSE. Tính riêng từ đầu tháng 8 đến nay, khối này đã bán ròng gần 1.700 tỷ đồng.
Nguyên nhân dòng vốn đảo chiều
Dòng vốn ngoại đảo chiều có một phần nguyên nhân đến từ việc các quỹ ETF bị rút vốn mạnh thời gian qua, đặc biệt là Fubon ETF. Quỹ ngoại đến từ Đài Loan (Trung Quốc) đã bất ngờ bị rút vốn 3 tháng liên tiếp với giá trị tăng dần. Tính từ đầu tháng 8 đến nay, quỹ đã bị rút ròng 28,5 triệu USD (~680 tỷ đồng). Kể từ khi rót vốn vào thị trường Việt Nam từ tháng 3/2021, Fubon ETF chưa bao giờ trải qua giai đoạn bị rút vốn mạnh như hiện nay.
Tương tự, 2 ETF nội lớn nhất thị trường là DCVFM VNDiamond ETF và DCVFM VN30 ETF với NAV lần lượt 19.800 tỷ đồng và 8.000 tỷ đồng, cũng đều bị rút vốn mạnh kể từ đầu tháng 8. Quỹ mô phỏng chỉ số VNDiamond bị rút ròng 380 tỷ từ đầu tháng 8 và 630 tỷ đồng luỹ kế từ đầu năm, trong khi con số này với quỹ mô phỏng VN30 lần lượt là 670 tỷ đồng và 770 tỷ đồng.
Tính riêng từ đầu tháng 8 đến nay, khối ngoại đã bán ròng gần 1.700 tỷ đồng. |
Việc bộ đôi ETF của DCVFM bị rút vốn mạnh thời gian gần đây phần nào đó đến từ việc nhà đầu tư Thái Lan giảm sở hữu qua kênh chứng chỉ lưu ký (DR). Lượng DR dựa trên chứng chỉ quỹ FUEVFVND của DCVFM VNDiamond ETF đã giảm gần 7 triệu đơn vị từ đầu tháng 8 và hiện đang ở mức thấp nhất trong vòng hơn 2 tháng.
Tương tự, lượng DR dựa trên chứng chỉ quỹ E1VFVN30 của DCVFM VN30 ETF cũng giảm gần 7 triệu đơn vị từ đầu tháng 8 và hiện đang ở mức thấp nhất trong vòng 10 tháng, kể từ giữa tháng 10 năm ngoái.
Như vậy, 3 quỹ ETF hàng đầu thị trường với tổng quy mô danh mục lên đến gần 50.000 tỷ (~2 tỷ USD) đã bị rút ròng hơn 1.700 tỷ đồng từ đầu tháng 8. Nói cách khác, chỉ trong khoảng 3 tuần trở lại đây, hàng nghìn tỷ đồng cổ phiếu Việt Nam đã bị 3 quỹ này bán ra.
Các chuyên gia đánh giá, tỷ giá “nóng” lên là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến dòng vốn qua các quỹ ETF. Tỷ giá tăng nhanh khiến các khoản đầu tư bằng VND nếu quy đổi thành USD “vô tình” bị lỗ và điều này có thể ảnh hưởng đến dòng tiền ngoại đổ vào chứng khoán Việt Nam qua các quỹ đầu tư.
Theo nhận định của các chuyên gia, tỷ giá sẽ gặp khá nhiều áp lực trong giai đoạn cuối năm do chênh lệch lãi suất VND và USD. Nhiều dự báo cho rằng, Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ ngừng tăng lãi suất những tháng cuối năm, song xu hướng thắt chặt vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt rõ ràng khi chỉ số lạm phát của Mỹ tăng nhẹ trở lại.
"Đây là mức chênh lệch lớn và khó có khả năng thu hẹp trong tương lai gần, cộng thêm nhu cầu USD cũng thường gia tăng vào cuối năm theo yếu tố mùa vụ khiến cho tỷ giá VND/USD có thể sẽ tăng tiếp trong thời gian tới", ông Hoàng Công Tuấn, Kinh tế trưởng MBS nhận định.
Bên cạnh đó, định giá thị trường cũng là một yếu tố ảnh hưởng không nhỏ đến dòng vốn đổ vào chứng khoán Việt Nam qua các quỹ ETF. Nhịp tăng kéo dài từ gần 4 tháng qua đã đẩy P/E của VN-Index lên mức 13,x - tương đương với trung bình 5 năm và cao hơn nhiều so với vùng đáy trước đó. Rất nhiều cổ phiếu cũng đã tăng mạnh khiến định giá không còn quá hấp dẫn và trở thành rào cản thu hút dòng tiền.
Thu hút dòng vốn ngoại trở lại nhờ vận hành KRX
Tuy nhiên, nhiều ý kiến vẫn tỏ ra lạc quan bởi tỷ giá USD/VND vẫn trong tầm kiểm soát do cán cân thương mại và cán cân tài khoản vãng lai hiện tại của Việt Nam duy trì thặng dư. Bên cạnh đó, dòng kiều hối cuối năm và các thỏa thuận bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài sẽ làm tăng nguồn cung ngoại tệ cho Việt Nam. Tỷ giá có thể biến động nhưng không quá +/-2% trong năm nay.
Ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc toàn quốc Khối ngoại hối, thị trường vốn và dịch vụ chứng khoán của HSBC Việt Nam dự báo, đồng USD sẽ suy yếu trở lại trong những tháng cuối năm trong bối cảnh Fed đã đạt tới gần cuối chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ. Bên cạnh đó, những yếu tố nội tại của Việt Nam vẫn đưa ra những dấu hiệu tích cực.
"Những biến động tăng đột biến của tỷ giá USD/VND chỉ mang tính chất ngắn hạn. Mặc dù những áp lực hiện hữu lên tỷ giá kể trên là tương đối rõ ràng, trong trung và dài hạn VND vẫn có khả năng tăng giá trở lại", ông Khoa nhận định.
Trong báo cáo mới đây, SSI Research chỉ rõ, xu hướng dòng tiền qua các quỹ ETF phụ thuộc khá nhiều vào tâm lý của nhà đầu tư cá nhân. Trong quá khứ, dòng vốn sẽ chỉ vào mạnh khi thị trường có nhịp điều chỉnh mạnh hoặc thị trường xác nhận xu hướng tăng rõ rệt.
Nhìn vào thời điểm hiện tại, thị trường đang ghi nhận xu hướng điều chỉnh sau giai đoạn tăng khá “nóng” và thực tế trong những phiên thị trường giảm điểm, khối ngoại đã quay trở lại mua ròng lượng lớn cổ phiếu Việt Nam. Điển hình, trong phiên thị trường “rơi tự do” (18/8), khối này đã mua ròng 226 tỷ đồng thoả thuận và tiếp tục mua ròng trong phiên tiếp theo khi thị trường giảm điểm.
“Thị trường điều chỉnh giảm là một cơ hội, quỹ đã mua mạnh trong phiên ngày 18/8 và sẽ tiếp tục giải ngân tới từng xu cuối cùng”, ông Vicente Nguyen CIO AFC Vietnam Fund (quỹ đầu tư quy mô 74 triệu USD) thông tin.
Đáng chú ý, triển vọng lạc quan của thị trường chứng khoán Việt Nam với câu chuyện nâng hạng được kỳ vọng là yếu tố kéo dòng vốn ngoại thực sự quay trở lại thị trường.
Một thông tin đáng chú ý về quy trình của triển khai dự án công nghệ thông tin KRX. Theo HoSE, dự án sẽ chuẩn bị “go-live” vào ngày 11/12/2023 và sau đó sẽ chính thức vận hành vào cuối năm 2023.
Hệ thống KRX vận hành sẽ tạo tiền đề giải quyết các nút thắt trong việc nâng hạng như: thanh toán bù trừ trung tâm (CCP), nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng. Có thể hiểu rằng, vận hành hệ thống KRX là điều kiện tiên quyết để nâng hạng thị trường, giúp tăng niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường, qua đó thu hút mạnh mẽ dòng vốn ngoại và đưa thị trường chứng khoán Việt Nam lên tầm cao mới. Dự báo 3,5-4 tỷ USD mua mới cổ phiếu Việt Nam sẽ diễn ra khi thị trường được nâng hạng.
Hải Giang