Ngày 8/2/2022, APG Securities chính thức nhận được Giấy phép điều chỉnh về việc tăng vốn điều lệ Công ty. Theo đó, vốn điều lệ của APG Securities tăng từ 731,5 tỷ đồng lên 1.463 tỷ đồng.
Cuộc đua chưa tới hồi kết
Đây là đợt tăng vốn thông qua phát hành hơn 73,15 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, tỷ lệ 1:1, giá chào bán 10.000 đồng/cổ phiếu. Kết quả của đợt chào bán với tỷ lệ thành công là 100%.
Theo tiến độ, số cổ phiếu phát hành thêm sẽ được niêm yết bổ sung và về tài khoản cổ đông, được giao dịch vào cuối tháng 3/2022. Đáng nói, dự kiến năm 2022, APG Securities tiếp tục tăng vốn “khủng” lên hơn 4.000 tỷ đồng nhằm gia tăng năng lực phục vụ nhu cầu khách hàng cũng như phấn đấu lọt vào TOP 10 công ty chứng khoán lớn nhất tại Việt Nam.
Nhiều chuyên gia cho biết, năm 2022 là thời điểm vàng để các công ty chứng khoán tăng vốn điều lệ. Ảnh Int |
Không chỉ riêng APG Securities, hàng loạt công ty chứng khoán gần đây cũng đã thông báo sẽ tăng vốn điều lệ từ đầu năm 2022 này. Động thái này được cho là nhằm bổ sung nguồn tiền cho hoạt động ký quỹ (margin), nhất là khi thời gian qua xảy ra tình trạng “kín room”, không thể tiếp tục cho vay.
Đơn cử, Công ty cổ phần chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS) thông báo sẽ phát hành 325,3 triệu cổ phiếu với tỷ lệ 1:1 – cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu được mua thêm 1 cổ phiếu mới – nhằm nâng vốn điều lệ lên mức 6.505 tỉ đồng, theo phương án được các cổ đông thông qua tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) bất thường năm 2022 mới đây.
Công ty cổ phần chứng khoán DNSE vừa thông báo việc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã hồ sơ đăng ký chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với trường hợp công ty chứng khoán không phải là công ty đại chúng của doanh nghiệp.
Theo đó, DNSE được thực hiện chào bán 200 triệu cổ phần cho cổ đông hiện hữu với tỉ lệ phát hành 1:2 – cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu có 1 quyền mua, 1 quyền được mua 2 cổ phiếu phát hành thêm – để thực hiện tăng vốn điều lệ lên 3.000 tỉ đồng theo phương án đã được phê duyệt.
SHS cho biết doanh nghiệp dự kiến tăng giá trị vay margin gấp 2 lần năm 2021 và hướng tới mục tiêu doanh số môi giới khoảng 1.100-1.200 tỉ đồng trong năm 2022. Đồng thời, lọt vào nhóm 6-7 doanh nghiệp dẫn đầu thị phần môi giới trên sàn HOSE.
Với SSI, đại diện doanh nghiệp cho biết việc tăng vốn điều lệ nhằm bổ sung vốn kinh doanh, nâng cao năng lực bảo lãnh phát hành, năng lực đầu tư và năng lực cho vay giao dịch ký quỹ. Trong thời gian chưa sử dụng cho vay giao dịch ký quỹ, nguồn tiền sẽ được sử dụng để đầu tư trái phiếu, chứng chỉ tiền gửi với mục tiêu bảo đảm sử dụng nguồn vốn hiệu quả.
Trong khi đó, đai diện VNDirect nói rằng, việc tăng vốn sẽ giúp doanh nghiệp tận dụng cơ hội từ chu kỳ tăng trưởng mới của thị trường chứng khoán. Đồng thời, phát triển ba mảng kinh doanh cốt lõi, gồm: dịch vụ chứng khoán, kinh doanh thị trường vốn cung cấp giải pháp tài chính trung gian, bảo lãnh phát hành.
"Kịch" hay vẫn ở phía trước
Theo giới chuyên gia, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn chưa bước vào giai đoạn “hay” nhất và các đợt tăng vốn mới của các công ty chứng khoán sẽ vẫn tiếp diễn trong năm 2022.
Đánh giá về cuộc đua tăng vốn của các công ty chứng khoán, ông Nguyễn Đức Nhân, Giám đốc Trung tâm kinh doanh, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) nhấn mạnh việc tăng vốn là cấp thiết và sẽ mang lại một nguồn lợi nhuận đáng kể từ hoạt động cho vay ký quỹ.
Biểu đồ quy mô vốn điều lệ của các công ty chứng khoán tính đến hết tháng 11/2021. |
Theo ông Nhân, cuộc đua tăng vốn này sẽ vẫn tiếp tục cho đến khi các nhà đầu tư không còn nhu cầu đổ vốn vào thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, ông Nhân cũng cho rằng thị trường chứng khoán Việt Nam chỉ mới đang đứng trước một “con sóng thần” lớn và vẫn chưa bước vào giai đoạn “hay” nhất. Với mức thanh khoản rất lớn hiện nay và kỳ vọng thị trường sẽ tăng trưởng lên các mốc 1.800 – 2.000 – 2.200 – 2.500 điểm thì việc tiếp tục tăng vốn trong tương lai là cần thiết đối với các công ty chứng khoán.
Ông Vũ Đức Tiến - Tổng Giám đốc CTCK Sài Gòn – Hà Nội (HNX: SHS) đánh giá ngành tài chính - chứng khoán đang có thay đổi. Với vị thế Việt Nam có quy mô dân số lớn, trẻ, tình hình kinh tế chính trị ổn định… sẽ tạo ra thuận lợi cho thị trường. Trong đó, ngành chứng khoán sẽ được hưởng lợi.
Tổng Giám đốc SHS đánh giá, hiện các công ty chứng khoán gặp áp lực vì thị trường bất ngờ tăng trưởng về quy mô, trong khi nhiều doanh nghiệp chưa sẵn sàng cho việc này. Vốn điều lệ rất nhỏ so với nhu cầu tài chính nên tăng vốn là cần thiết để công ty chứng khoán có năng lực tài chính, ổn định.
Theo một chuyên gia chứng khoán, hiện nay các CTCK không chỉ đối mặt với nhu cầu vay margin của nhà đầu tư, mà còn cả nhu cầu vốn của chính công ty chứng khoán cho các hoạt động đầu tư tự doanh cổ phiếu và trái phiếu, bảo lãnh phát hành, phát triển sản phẩm mới như chứng quyền có đảm bảo.... Trong khi đó, khả năng vay vốn từ ngân hàng cũng bị hạn chế, vừa bởi những quy định về hạn mức tín dụng dành cho đầu tư chứng khoán của các tổ chức tín dụng, vừa bởi những quy định về chỉ số nợ. Không những thế, CTCK cũng bị hạn chế về tỷ lệ cho vay margin trên tổng vốn chủ sở hữu.
“ Những hạn mức vay vốn hiếm hoi từ ngân hàng nếu có thì lại ở mức lãi suất cao, dẫn tới CTCK khó đáp ứng nhu cầu vốn với lãi suất hợp lý của nhà đầu tư để vay đầu tư chứng khoán. Tất cả những yếu tố trên thúc đẩy các CTCK đi vào xu hướng tăng vốn nhằm gia tăng nguồn tiền phục vụ kinh doanh trên thị trường”, vị chuyên gia này nói.
Trà My