Thị trường chứng khoán (TTCK) năm 2021 chứng kiến sự bùng nổ cả về điểm số lẫn thanh khoản với giá trị giao dịch bình quân mỗi phiên tính bằng "tỷ đô", chủ yếu là nhờ đóng góp từ các nhà đầu tư cá nhân trong nước.
Hơn 1,53 triệu tài khoản mở mới
Theo số liệu từ Trung tâm Lưu ký chứng khoán (VSD), số lượng tài khoản nhà đầu tư cá nhân trong nước mở mới riêng tháng 12/2021 đạt kỷ lục với 226.580 đơn vị, tăng 2,6% so với tháng 11. Như vậy, 10 tháng liên tiếp, số lượng tài khoản cá nhân trong nước mở mới duy trì trên 100.000 đơn vị/tháng và là tháng thứ 2 ở mức trên 200.000 đơn vị/tháng. Tính cả năm 2021, cá nhân mở mới hơn 1,53 triệu tài khoản chứng khoán, gấp gần 4 lần so với cả năm 2020. Lượng mở mới tài khoản của cá nhân trong nước năm 2021 cũng lớn hơn cả 5 năm trước cộng lại.
Tổng dư nợ cho vay của các công ty chứng khoán tính tới 31/12/2021. (Đơn vị: tỷ đồng). |
Bên cạnh đó, dòng tiền cho vay ký quỹ (margin) cũng là yếu tố hỗ trợ cho sự bùng nổ của thanh khoản do nhà đầu tư cá nhân là đối tượng ưa thích dùng margin trong đầu tư.
Thống kê cho thấy, dư nợ cho vay trên toàn thị trường tính tới 31/12/2021 là khoảng 193.000 tỷ đồng (8,4 tỷ USD) - con số kỷ lục trên TTCK Việt Nam từ khi thành lập tới nay. Trong đó, gần 180.000 tỷ đồng là dư nợ cho vay margin, còn lại là ứng trước tiền bán. Tính riêng 20 công ty chứng khoán (CTCK) lớn nhất thị trường có dư nợ cho vay cuối năm 2021 lên tới hơn 167.000 tỷ đồng, tăng khoảng 33.500 tỷ (+25%) so với quý trước đó.
Trong năm 2021, khối ngoại đã bán ròng kỷ lục hơn 60.000 tỷ đồng trên toàn thị trường. Nếu như trước đây, mỗi khi khối ngoại đẩy mạnh bán ròng, diễn biến thị trường sẽ tiêu cực nhưng trong thời gian qua, dòng tiền nội (bao gồm tiền margin) đã "cân" lại lực bán này, giúp thị trường đứng vững, thậm chí đưa chỉ số VN-Index liên tục chinh phục những đỉnh cao mới.
Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư cho biết, trong quý IV/2021, hiện tượng hết “room” cho vay margin tại các cổ phiếu tăng “nóng” liên tục xảy ra ở nhiều CTCK do hạn mức margin của các CTCK có giới hạn, trong khi nhu cầu sử dụng đòn bẩy tài chính để gia tăng lợi nhuận của nhà đầu tư cá nhân là rất cao.
“Chỉ cần cổ phiếu tăng mạnh trong 1 - 2 tuần là ngay lập tức xuất hiện hiện tượng hết hạn mức. Việc mua bán gặp nhiều khó khăn, nhiều lúc “mất hàng” cũng là do margin bị giới hạn”, chị Thuỳ Trang (Hoàng Mai) chia sẻ.
Trước tình hình đó, nhiều CTCK đã chào bán cổ phiếu để tăng vốn chủ sở hữu, giúp tăng hạn mức cấp margin bên cạnh nguồn lợi nhuận giữ lại.
Thống kê trong năm 2021, nhóm CTCK phát hành 1,4 tỷ cổ phiếu để tăng vốn thông qua các hình thức như phát hành thông qua quyền mua cho cổ đông hiện hữu, phát hành cổ phiếu thưởng, cổ phiếu ESOP, phát hành riêng lẻ.
Đồng thời, nhiều CTCK lớn như SSI, VNDirect, VIX… đều gấp rút lên phương án tăng vốn đợt 2 nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của nhà đầu tư, đặc biệt trong mảng cho vay margin.
Kỳ vọng dòng tiền sớm dịch chuyển
Mặc dù hoạt động kinh doanh tích cực, nhưng trên TTCK, nhóm cổ phiếu chứng khoán lại có xu hướng đi xuống từ cuối tháng 11/2021 tới nay, thậm chí có đợt giảm rất mạnh, phá vỡ các ngưỡng hỗ trợ gần của thị trường.
Theo lý giải của một số chuyên gia phân tích, thời gian qua, dòng tiền liên tục chảy mạnh vào nhóm “cổ đất” mà bỏ quên nhiều nhóm cổ phiếu khác, trong đó có nhóm tiềm năng như chứng khoán, khiến cho các nhóm này lình xình đi ngang hoặc giảm.
Bên cạnh đó là những đồn đoán về hoạt động cho vay margin và mắc kẹt, thậm chí là đang bị giám sát hoạt động cho vay... của các CTCK cũng đã làm ảnh hưởng đến tâm lý các nhà đầu tư, khiến giá cổ phiếu nhóm chứng khoán trong tình trạng “rơi tự do”, ngay cả với những công ty lớn hay những cổ phiếu không được đầu cơ "nóng". Chẳng hạn, SSI từ đầu tháng 1 tới ngày 18/9 đã giảm tới 20,2%; HCM giảm 19,5%; VND giảm 24,8%; VCI giảm 27,7%...
Thống kê chỉ số P/E của 14 mã chứng khoán đang niêm yết có thanh khoản lớn nhất trong 4 quý gần đây nhất có mức định giá trung bình là 14,18 lần, thấp hơn P/E của chỉ số VN-Index là 17,6 lần. Trong khi đó, mỗi khi nhóm chứng khoán đạt đỉnh, P/E thường dao động từ 20 - 22 lần.
Tuy nhiên, thời gian tới, rất có thể nhóm cổ phiếu chứng khoán sẽ thu hút được dòng tiền, khi mà báo cáo kết quả kinh doanh quý IV/2021 sẽ công bố vào cuối tháng 1/2022 ước tính sẽ có lợi nhuận tích cực, giúp EPS của 4 quý liên tiếp tăng cao và đẩy hệ số P/E giảm xuống, giúp nhóm này hấp dẫn hơn đối với nhà đầu tư.
Mới đây, SSI đã công bố lãi kỷ lục năm 2021. Ngay sau đó, cổ phiếu SSI đã bật tăng mạnh mẽ 6,9% lên sát mức giá trần tại 45.200 đồng/cp và đây cũng là mức giá cao nhất trong phiên của cổ phiếu này cùng thanh khoản tăng vọt, lên hơn 11 triệu đơn vị. Không chỉ vậy, đà tăng của cổ phiếu đại diện nhóm chứng khoán đã “tiếp lửa” cho cả nhóm ngành chứng khoán có màn trở lại đầy ấn tượng với hàng loạt cổ phiếu tăng trần như VND, TVS, VCI, FTS.
“Đà giảm giá đang diễn ra lại tạo ra mặt bằng giá hấp dẫn hơn cho nhóm này. Với nhà đầu tư trung dài hạn, đây là cơ hội gom hàng vì nhóm đặc thù này dù thị trường lên hay xuống đều được hưởng lợi, miễn là thanh khoản cao. Rất có thể dòng tiền sẽ sớm dịch chuyển để đi tìm cơ hội ở nhóm có điểm rơi lợi nhuận và định giá còn hấp dẫn như chứng khoán”, một chuyên gia phân tích khuyến nghị.
Hải Giang