Trong bối cảnh hầu hết các thị trường xuất khẩu đang gặp khó vì lệnh phong tỏa, giãn cách xã hội để phòng chống dịch bệnh Covid-19, việc Trung Quốc kiểm soát được dịch bệnh và mở cửa thị trường nhập khẩu trở lại đang là “cứu tinh” cho các doanh nghiệp ngành thuỷ sản.
Mới là "sóng" ngắn
Đây có thể là nguyên nhân khiến cổ phiếu ANV của CTCP Nam Việt đã có những phiên tăng giá tích cực. Cụ thể, trong 4 phiên giao dịch gần nhất, ANV đã có 2 phiên tăng trần, 2 phiên tăng nhẹ, đưa thị giá từ 16.350 đồng lên 18.700 đồng/cp.
Tương tự, cổ phiếu ACL của CTCP Xuất nhập khẩu Thuỷ sản Cửu Long An Giang cũng vừa có 3 phiên tăng giá liên tiếp, trong đó có 2 phiên tăng trần ghi nhận tổng mức tăng gần 21,3% từ 17.400 đồng lên 21.100 đồng/cp.
Đặc biệt, đà tăng của ACL diễn ra trong bối cảnh doanh nghiệp này báo cáo kết quả kinh doanh quý I/2020 với lợi nhuận sụt giảm nghiêm trọng, chỉ lãi hơn 1 tỷ đồng.
Trong ngắn hạn vẫn chưa là cơ hội tốt để đầu tư cổ phiếu thuỷ sản (Ảnh: internet) |
Sẽ là thiếu sót nếu không nhắc đến "ông lớn" CTCP Vĩnh Hoàn khi cổ phiếu VHC đã duy trì được mức tăng kéo dài trong suốt một tuần giao dịch vừa qua. Nếu tại phiên giao dịch ngày 5/5, thị giá của VHC là 29.400 đồng/cp thì đến phiên giao dịch ngày 12/5 đã là 33.300 đồng/cp, tương đương tăng hơn 13,2%.
Một đại diện ở mảng xuất khẩu tôm là CMX của CTCP Camimex Group cũng đang gây chú ý lớn với nhà đầu tư khi tăng trần liên tiếp 5 phiên, tương đương tổng mức tăng hơn 30,2%. Hỗ trợ mức tăng này cho CMX là thông tin Camimex Group ghi nhận thông tin kinh doanh tích cực trong tháng 4 và người thân của Chủ tịch HĐQT đăng ký mua vào gần 3 triệu cổ phiếu.
Duy trì được sức tăng "dẻo dai" nhất phải kể đến cổ phiếu FMC của Thực phẩm Sao Ta khi ghi nhận từ phiên giao dịch 22/4 đến nay chưa có một phiên giảm giá nào. Tổng mức tăng mà FMC đạt được trong giai đoạn này là gần 24%.
Ngoài ra, các cổ phiếu khác như MPC của "vua tôm" Minh Phú, IDI của CTCP Đầu tư và Phát triển Đa quốc gia I.D.I... cũng đều có được diễn biến tích cực trong thời gian qua.
Nhìn chung, mức tăng của các cổ phiếu ngành thuỷ sản đều đang dựa trên sự kỳ vọng của các nhà đầu tư về việc tình hình dịch bệnh ở Trung Quốc đã được kiểm soát, các doanh nghiệp có thị trường xuất khẩu lớn là Trung Quốc như Vĩnh Hoàn, Nam Việt, IDI có thể sẽ khả quan kể từ quý II trở đi.
Trong khi đó, EU và Mỹ là hai thị trường khó tính nhưng đơn giá xuất khẩu lại cao hơn Trung Quốc, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) dự kiến có hiệu lực trong tháng 7 sẽ giúp các doanh nghiệp có thị trường tại những quốc gia này như Thực phẩm Sao Ta, Minh Phú, Vĩnh Hoàn sẽ được hưởng lợi.
Chỉ nên cân nhắc cho trung và dài hạn
Theo chuyên gia phân tích của Chứng khoán Yuanta Việt Nam, nếu tính chung từ đầu năm đến nay, cổ phiếu thuỷ sản đã giảm 11% nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với mức giảm 20% của chỉ số Vn-Index.
Việc các thị trường xuất khẩu chịu tác động tiêu cực bởi dịch bệnh thể hiện trực tiếp lên kết quả kinh doanh quý đầu năm khi lợi nhuận của một số doanh nghiệp đầu ngành giảm phân nửa so với cùng kỳ. Tuy nhiên, theo ước tính của Yuanta Việt Nam, P/E của ngành thủy sản đang khá cao, khoảng 20 lần, trong khi P/E của Vn-Index vào khoảng 12 lần.
Trong khi đó, triển vọng ngành đang phụ thuộc gần như hoàn toàn việc kiểm soát tình hình dịch bệnh và việc các đối tác như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, EU... mở cửa trở lại.
Chuyên gia của Yuanta cho rằng, các doanh nghiệp nhiều khả năng vẫn sẽ chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 ngay cả với kịch bản lạc quan nhất là tình hình sẽ được kiểm soát vào cuối tháng 6 và hoạt động thương mại trở lại bình thường sau đó vài tháng.
"Quan điểm của tôi là trong ngắn hạn chưa phải cơ hội tốt để đầu tư cổ phiếu ngành thuỷ sản", vị chuyên gia này nhấn mạnh.
Dẫn ví dụ về diễn biến tăng của ANV vừa qua với kỳ vọng thị trường xuất khẩu Trung Quốc mở cửa trở lại, các chuyên gia phân tích đều nhìn nhận đó chỉ là hiệu ứng ngắn hạn, bởi nếu chỉ trông chờ vào thị trường này, khả năng biên lợi nhuận của Nam Việt sẽ không cao và tính cạnh tranh cũng rất lớn.
Quan trọng hơn, khi nào xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc mới đạt được như cùng kỳ là một câu hỏi chưa thể có lời giải đáp.
Nêu quan điểm cá nhân về nhóm cổ phiếu thuỷ sản, ông Huỳnh Minh Tuấn, Giám đốc môi giới Hội sở Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam, mặt bằng các cổ phiếu thủy sản đang tăng nhờ kỳ vọng của giới đầu tư, nhưng cơ hội thực sự chỉ đến với doanh nghiệp thẩm thấu được sau dịch bệnh. Nhu cầu với các sản phẩm nông nghiệp, nhu yếu phẩm có thể duy trì ở mức trong 9 - 12 tháng tới.
Do đó, các nhà đầu tư muốn bỏ vốn vào cổ phiếu thủy sản thì nên ưu tiên cho các cổ phiếu doanh nghiệp đầu ngành, nắm được thị phần lớn trong xuất khẩu; hoặc những công ty đang đầu tư công nghệ và vùng nuôi để chủ động nguyên liệu...
Linh Đan