Thực tế, lời hứa của lãnh đạo doanh nghiệp về triển vọng giá cổ phiếu có thể củng cố thêm niềm tin cho cổ đông trong tương lai, bởi đây gần như được xem là một cam kết chắc chắn về giá. Tuy nhiên, việc này có thể phản tác dụng nếu doanh nghiệp không cải thiện hoạt động kinh doanh, hoặc ban lãnh đạo không hiện thực hóa những phương pháp hỗ trợ giá cổ phiếu.
Được biết, trong số những người có ảnh hưởng đến sàn chứng khoán Việt Nam thì ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch Tập đoàn FLC (mã: FLC) là người có nhiều “lời hứa” nhất về giá cổ phiếu của doanh nghiệp và những đơn vị liên quan.
Theo gió... bay đi
Hồi cuối năm 2019, trong buổi giới thiệu 2 mã cổ phiếu BAV của Bamboo Airways và FHH của FLCHomes, ông Quyết đã khiến dư luận xôn xao khi tuyên bố những cổ phiếu này sẽ đạt mức 3 con số. Đồng thời khẳng định, cổ phiếu FLC sẽ về lại mức mệnh giá trong năm 2020.
Để củng cố niềm tin cho người nghe, ông Quyết hứa: “Nếu 3 mã cổ phiếu này không làm được việc đó, tôi sẽ xin phá sản và thương hiệu FLC coi như vứt đi”. Liên quan đến cổ phiếu FLC, trong năm 2016, ông Quyết cũng hứa nếu mã này vẫn dưới mệnh giá sẽ huy động mọi nguồn lực cá nhân, thậm chí cầm cố tài sản để mua lại.
Thế nhưng, tính đến thời điểm hiện tại, sau ít nhất 2 lần hứa của người đứng đầu Tập đoàn, cổ phiếu FLC đang giao dịch tại vùng giá 2.800 đồng/cp, giảm hơn 40% so với hồi đầu năm.
Lời hứa của lãnh đạo doanh nghiệp về triển vọng giá cổ phiếu có thể củng cố thêm niềm tin cho cổ đông trong tương lai (Ảnh: Internet) |
Cũng trong năm 2019, ông Quyết cam kết không bán cổ phiếu ROS (FLC Faros) để đảm bảo quyền lợi của cổ đông trong bối cảnh ROS suy giảm kéo dài. Tuy nhiên, kể từ cuối năm 2019 đến nay, ông Quyết đã liên tiếp bán ra cổ phiếu ROS, giảm tỷ lệ sở hữu từ 67,34% xuống 42,15% tạ FLC Faros (bao gồm cả người liên quan).
Tuy nhiên, ông Quyết không phải là lãnh đạo doanh nghiệp duy nhất đưa ra lời hứa liên quan tới giá cổ phiếu. Trước đó, tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2017 của CTCP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo (mã: ITA), ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Tổng CTCP Phát triển đô thị Kinh Bắc (mã: KBC), đã đưa ra nhận định cho rằng giá cổ phiếu của ITA trong tương lai chỉ lên, không thể xuống.
Thậm chí, ông Tâm nói ITA nhiều khả năng sẽ tăng trở lại bằng đúng mệnh giá (10.000 đồng/cp) ngay trong năm 2017 và hùng hồn tuyên bố sẽ mua vào cổ phiếu ITA. Tuy nhiên, đến nay, sau 3 năm, cổ phiếu ITA thậm chí chỉ còn hơn 2.500 đồng/cp và chưa bao giờ trở lại mệnh giá.
Một trường hợp khác là cổ phiếu FIT của CTCP Tập đoàn F.I.T. Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2017, Tổng giám đốc Nguyễn Thị Minh Nguyệt khẳng định ít nhất FIT phải đạt 15.600 đồng/cp, nhưng trên thực tế, hiện tại FIT vẫn giao dịch tại vùng giá 5.800 đồng/cp.
Tương tự, lời hứa về vùng giá 8x của Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hà Đô cho cổ phiếu HDG vẫn đang quá xa vời khi sau hơn một năm, HDG hiện chỉ giao dịch tại mức 23.7000 đồng/cp.
Đánh mất niềm tin
Thực tế, ngay sau khi cam kết của những người đứng đầu đưa ra đều tạo hiệu ứng sóng tăng cho cổ phiếu đó. Có thể dẫn ví dụ cổ phiếu FLC đã tăng trần 2 phiên liên tiếp (19 - 20/11/2019), sau đó cổ phiếu này cũng đã điều chỉnh nhưng vẫn mang lại khoản lợi nhuận khoảng hơn 10% cho các nhà đầu tư trong vòng hơn 10 phiên giao dịch.
Thế nhưng, lời hứa về mệnh giá cứ trôi qua mỗi chu kỳ tài chính khiến các nhà đầu tư ngày càng mất niềm tin với tỷ phú Trịnh Văn Quyết. Đáng chú ý, việc phá vỡ lời hứa về giao dịch cổ phiếu ROS trong bối cảnh ông Quyết vừa rời vị trí Chủ tịch HĐQT FLC Faros như một “giọt nước tràn ly” đối với niềm tin của cổ đông.
Vừa qua, CTCP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo đã công bố kết quả kinh doanh quý I/2020 với lợi nhuận sau thuế đạt 25 tỷ đồng, cao gấp 4,5 lần so với quý I/2019 dù doanh thu chỉ tăng nhẹ 4,4% lên 94 tỷ đồng. Trước đó, kết thúc năm 2019, công ty cũng ghi nhận lợi nhuận cao nhất kể từ năm 2011 nhờ khoản doanh thu một lần cho toàn bộ thời gian cho thuê lại đất đã phát triển cơ sở hạ tầng tại KCN Tân Tạo và KCN Tân Đức.
Dù vậy, những con số tài chính cũng không khiến thị giá cổ phiếu tươi sáng hơn. Cụ thể, nhìn theo xu hướng ngắn hạn, thị giá của ITA chưa có biến động quá lớn khi dao động trong vùng giá 2.500 – 2.800 đồng/cp kể từ cuối năm 2019 đến nay. Cũng có lúc, cổ phiếu này giảm mạnh về mức giá dưới 2.000 đồng/cp nhưng cũng nhanh chóng hồi phục.
Tuy nhiên, nếu nhìn về dài hạn, trong vòng một năm qua, ITA đã trượt dài từ mức giá hơn 3.000 đồng/cp, như vậy, cổ phiếu này không nhích dần về vùng mệnh giá mà còn đang có xu hướng rời xa hơn. Nhiều nhà đầu tư thậm chí còn coi ITA là “con ghẻ” của thị trường chứng khoán bởi những mập mờ từ chính doanh nghiệp này.
Một nhà đầu tư lâu năm trên thị trường chứng khoán ví von: "Lời hứa về giá cổ phiếu của các lãnh đạo doanh nghiệp chẳng khác nào đi vào tiệm cắt tóc và hỏi rằng có cần cắt không, quan trọng là họ làm gì để cứu giá cổ phiếu".
Theo đó, việc doanh nghiệp và lãnh đạo mua lại chính cổ phiếu của mình phát hành sẽ giúp giao dịch sôi động hơn và hạn chế được tốc độ giảm giá của cổ phiếu. Thậm chí, trong trường hợp thuận lợi, giá cổ phiếu có thể tăng trở lại sau chuỗi giảm giá trước đó.
Linh Đan