Ông Nguyễn Tôn Quyền - nguyên Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam |
Việc Trung Quốc tạm dừng toàn bộ hoạt động giao thương tại các cửa khẩu để tập trung xử lý bệnh dịch do virus corona đang và sẽ tác động như thế nào đối với xuất khẩu sản phẩm gỗ nước ta, thưa ông?
- Trong khối các mặt hàng nông lâm thủy sản, xuất khẩu sản phẩm gỗ sẽ ít chịu tác động tiêu cực của dịch cúm corona. Trước hết, vì ngành gỗ đã sớm thoát lệ thuộc thị trường Trung Quốc. Hiện, hơn 50% khối lượng sản phẩm gỗ xuất khẩu là vào Mỹ, thị trường lớn thứ hai là Nhật Bản, trong khi thị trường Trung Quốc chỉ đứng thứ ba và chỉ chiếm hơn 10% tổng kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ nước ta.
Trong khó khăn, chúng tôi luôn nhìn thấy cơ hội và biến thách thức thành cơ hội. Thời gian vừa qua xuất hiện “làn sóng” các doanh nghiệp chế biến đồ gỗ từ Trung Quốc ồ ạt sang đầu tư xây dựng nhà máy tại Việt Nam. Điều này dẫn đến sự cạnh tranh, đặc biệt là về nguồn nguyên liệu, lao động và tiêu thụ giữa các doanh nghiệp Trung Quốc và doanh nghiệp nội địa nước ta, gây nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp trong nước. Từ kỳ nghỉ Tết đến nay, hầu hết các doanh nghiệp Trung Quốc tạm ngừng hoạt động, họ về nước để nghỉ Tết. Đến nay, do ảnh của dịch cúm corona, phần lớn các doanh nghiệp Trung Quốc chưa sang để hoạt động trở lại. Đây là quãng thời gian để các doanh nghiệp nội địa trong ngành đồ gỗ có cơ hội từ sự giảm sức ép cạnh tranh để tăng tốc sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm và đổi mới máy móc, công nghệ.
Trong nhóm gỗ và sản phẩm gỗ, chỉ có mặt hàng dăm gỗ là đang bị ảnh hưởng. Đầu ra của mặt hàng dăm gỗ hầu như chỉ trông vào thị trường Trung Quốc, chỉ một ít xuất sang thị trường các nước Indonesia, Malaysia, Nhật Bản, Hàn Quốc. Do ảnh hưởng của dịch cúm do virus corona, những lô hàng xuất khẩu dăm gỗ sang Trung Quốc ngay lập tức giảm mạnh, nhưng tôi cho rằng, đây là cơ hội cho ngành chế biến, xuất khẩu gỗ bởi xuất khẩu dăm gỗ mang lại giá trị không cao, không phát triển bền vững vốn rừng. Tới đây, khi xuất khẩu dăm gỗ giảm sẽ bổ sung nguồn nguyên liệu gỗ trong nước để sản xuất ván nhân tạo, MDF, tạo ra giá trị gia tăng cao. Trong 2 tuần qua, nhiều doanh nghiệp của ngành gỗ đã chuyển hướng, đã có 3 - 4 doanh nghiệp chuyên làm dăm xuất khẩu mua thiết bị sản xuất gỗ ván ép, gỗ nhiên liệu. Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam kiến nghị Nhà nước xem xét tạo điều kiện về lãi suất ưu đãi cho các doanh nghiệp bắt đầu chuyển hướng mua thiết bị để sản xuất, chế biến sâu các sản phẩm dăm, viên nén… này để doanh nghiệp sớm hoàn thiện dây chuyền sản xuất, bắp kịp cơ hội này.
Việc ngừng trệ thương mại với Trung Quốc cũng gây khó khăn ở vấn đề phụ kiện nguyên liệu cho sản xuất đồ gỗ, bởi phần lớn các phụ kiện như: bản lề, khóa, đinh vít… đang phải nhập khẩu từ Trung Quốc. Nhưng đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp trong nước đầu tư vào sản xuất các sản phẩm phụ trợ của ngành đồ gỗ.
Thị trường Trung Quốc khó khăn là thách thức nhưng cũng là cơ hội cho ngành gỗ Việt Nam đổi mới phát triển (Ảnh minh họa: Internet) |
Xin ông cho biết về tình hình FDI với ngành gỗ?
- Năm 2018 có 529 doanh nghiệp FDI trong ngành gỗ trực tiếp tham gia xuất khẩu, với kim ngạch đạt gần 3,96 tỷ USD, chiếm 46,7% tổng kim ngạch xuất khẩu 8,48 tỷ USD toàn ngành. Năm 2019, số doanh nghiệp FDI trực tiếp tham gia xuất khẩu đồ gỗ tăng lên con số 565, chiếm 46,6% tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành gỗ. Gia tăng đầu tư FDI cho thấy ngành gỗ đang có tính hấp dẫn rất cao, thể hiện qua các điểm mạnh như giá nhân công thấp, tiếp cận nguồn nguyên liệu đầu vào dễ dàng, cơ sở hạ tầng thuận lợi, ưu đãi thuế quan từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới…
Năm 2019 vừa qua, ngành gỗ có 67 dự án đầu tư mới từ khối các doanh nghiệp FDI. Trong đó, Trung Quốc là quốc gia dẫn đầu với 40 dự án, chiếm gần 60% tổng số dự án đầu tư. Việc quá nhiều doanh nghiệp Trung Quốc sang đầu tư vào ngành gỗ nước ta đang tạo ra những rủi ro mới cho ngành, với các hiện tượng chuyển giá, đầu tư “chui”, đầu tư “núp bóng” ngày càng tinh vi và có xu hướng gia tăng. Cảnh báo về hành vi gian lận xuất xứ hàng hóa cũng đã được đưa ra. Doanh nghiệp có thể thuê nhà máy, nhà xưởng của Việt Nam, nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc vào sơ chế rồi xuất khẩu sản phẩm với nhãn mác Việt Nam. Đây là những rủi ro rất lớn cho ngành gỗ của Việt Nam.
Xin ông cho biết về tình hình xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ hiện nay?
- Xuất khẩu lâm sản chính tháng 1/2020 ước đạt 883 triệu USD, bằng 84,4% so với tháng 1/2019. Trong đó, gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 827 triệu USD, bằng 83,8%. Trong năm 2019, Việt Nam được là đã tận dụng tốt được cơ hội xuất khẩu nhờ căng thẳng thương mại Mỹ - Trung. Đây là một trong những động lực chính thúc đẩy xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ của Việt Nam trong năm qua, bên cạnh việc tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP, EVFTA. Năm 2019, giá trị xuất khẩu năm 2019 của ngành lâm nghiệp đạt 11,2 tỷ USD, trong đó gỗ và sản phẩm gỗ đạt 10,52 tỷ USD. Xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ của Việt Nam đứng thứ 5 trên thế giới, thứ hai ở Châu Á và đã xuất khẩu sang 180 thị trường trên thế giới. Trong năm 2019, gỗ và các sản phẩm từ gỗ là nhóm sản phẩm có thặng dư thương mại lớn nhất trong các sản phẩm nông lâm thủy sản xuất khẩu của Việt Nam với mức thặng dư 8,01 tỷ USD, tăng tới 21,5% so với năm 2018. Trong năm 2019, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc là 4 thị trường nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam chiếm 80,8% tổng giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ. Trong đó, xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ của Việt Nam sang thị trường Mỹ đạt 5,15 tỷ USD, tăng 35,2% so với năm 2018. Xuất khẩu sang các thị trường gồm Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc có giá trị xuất khẩu lần lượt đạt 1,32 tỷ USD, 1,15 tỷ USD và 0,8 tỷ USD; tương ứng với mức tăng 15,7%, -4,3% và -16,7% so với năm 2018.
Ông có những đế xuất kiến nghị gì đối với Nhà nước về chính sách cho ngành gỗ trong thời gian tới?
- Thứ nhất, cần rà soát lại các loại hình đầu tư vào ngành gỗ Việt Nam, trong đó nên ưu tiên rà soát các các dự án đầu tư mới có vốn đăng ký nhỏ trong năm 2019. Nhà nước nên hướng đến thu hút các doanh nghiệp đến từ Mỹ và EU, bởi đây là những quốc gia có thị phần và tiềm lực lớn, có thể hỗ trợ Việt Nam rất nhiều về công nghệ và kỹ năng quản lý. Các cơ quan quản lý nhà nước trung ương và địa phương cần phối hợp chặt chẽ với các hiệp hội gỗ địa phương để theo dõi, nắm bắt tình trạng đầu tư chế biến gỗ tại các địa phương.
Thứ hai, các cơ quan quản lý nhà nước cần tăng cường kiểm tra và xử lý vấn đề gian lận thương mại. Thứ ba, cần có những chính sách hỗ trợ cho việc kết nối, trao đổi thông tin giữa các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy quá trình dịch chuyển về trình độ quản lý, lao động tay nghề cao, khoa học và công nghệ từ khối doanh nghiệp FDI sang khối doanh nghiệp nội địa
Chu Khôi thực hiện