TS. Nguyễn Đình Cung, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương. |
Chia sẻ với VnBusiness nhân dịp đầu Xuân Nhâm Dần 2022, TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đã nhấn mạnh tới giải pháp đầu tư công trong gói hỗ trợ phục hồi kinh tế 2022 - 2023 đã được Quốc hội thông qua hồi đầu năm nay.
Trong năm 2022, Chính phủ sẽ bắt tay vào thực hiện gói hỗ trợ phục hồi kinh tế - xã hội với quy mô gần 350 nghìn tỷ đồng. Vậy, ông có kỳ vọng gì về gói hỗ trợ này?
Để phục hồi kinh tế sau tác động bởi đại dịch COVID-19, nhiều quốc gia trên thế giới đã thực hiện gói kích thích, vì vậy năm nay chúng ta mới thực hiện thì đã chậm hơn họ, nhưng có lẽ chậm còn hơn không.
Hơn nữa, trong giai đoạn dịch bệnh, người dân tiêu cả tiền tiết kiệm nhưng tổng cầu vẫn giảm, nếu họ không nhận được hỗ trợ đủ lớn của Chính phủ thì tốc độ tăng trưởng không thể nhanh. Một khi người tiêu dùng tăng chi tiêu thì doanh nghiệp cũng mới có chỗ bán hàng, mới phục hồi sản xuất. Do vậy, việc thực hiện gói kích thích kinh tế thì cần phải đặt ra hiệu quả cụ thể. Hiệu quả là gì? Là đạt được mục tiêu với chi phí ít nhất.
Trong gói hỗ trợ này, tôi kỳ vọng lớn về nhóm giải pháp đầu tư công, nếu làm được điều này thì đây sẽ là cú hích rất lớn để đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế, giúp nền kinh tế phục hồi.
Còn về việc giảm thuế, thời gian qua có ý kiến cho rằng nên tập trung vào doanh nghiệp lớn nhưng suy nghĩ của tôi hoàn toàn ngược lại. Bởi làm chính sách mà cứ tập trung vào mục tiêu là cái gì, tập trung vào công cụ là hỏng. Quan trọng nhất của chính sách là phải đảm bảo công bằng, công khai, minh bạch.
Ông vừa nhắc tới kỳ vọng về đầu tư công nhưng tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, nhiều đại biểu cũng đề xuất xin làm đường cao tốc? Ông có quan điểm gì về những đề xuất đó?
Trong chương trình phục hồi kinh tế của các nước thì cũng đều có chương trình phát triển hạ tầng. Giải pháp này vừa có ý nghĩa trước mắt là tăng tổng cầu, về lâu dài thúc đẩy tiềm năng phát triển kinh tế. Thực ra trong gói kích thích phục hồi kinh tế thì có lẽ gói hạ tầng được kỳ vọng nhiều nhất, đó cũng là động lực cho tăng trưởng kinh tế sắp tới. Đặc biệt, nói nguyên tắc về phân bổ vốn hoá, đó là những dự án quan trọng, quy mô lớn, mức độ lan tỏa lớn, hạ tầng cứng và hạ tầng số đều có.
Trong đó, hạ tầng giao thông cực kỳ quan trọng, tập trung vào những dự án mang tính chất liên vùng, đặc biệt là vùng kinh tế trọng điểm. Nguyên tắc đã có rồi cứ thế mà làm, chứ việc gì phải xin xỏ. Quan trọng là phối hợp với nhau tăng vai trò của người đứng đầu, phối hợp giữa địa phương, phối hợp giữa bộ ngành trung ương với các địa phương trong vùng như vành đai 3, 4 nối TP.HCM với các địa phương như Bà Rịa Vũng Tàu. Hay tuyến đường TP.HCM lên Tây Ninh, Bình Phước, Đà Lạt là phải làm ngay để phát triển vùng kinh tế trọng điểm.
Nguyên tắc phân bổ vốn là phải như vậy chứ không phải địa phương nào cũng cần làm đường cao tốc. Cần gì phải xin xỏ. Chúng ta hãy vì lợi ích quốc gia là trên hết, chứ đừng xin quyền, xin lợi mà phải bảo vệ lợi ích nhân dân chứ không phải bảo vệ lợi ích của mình. Nhiều địa phương xin xây dựng đường cao tốc, nhưng tôi cho rằng người dân ở khu vực này cần những thứ khác hơn đường cao tốc.
Thực tế liên quan tới câu chuyện đầu tư công, một trong những vấn đề nan giải là giải ngân đúng tiến độ. Thời gian qua, cũng có nhiều tranh cãi về việc trách nhiệm giải ngân là của Trung ương hay địa phương?
Không nên nói trách nhiệm về ai nữa, bởi cứ tranh cãi thành ra vô trách nhiệm, mà phải là trách nhiệm là của chúng ta, ví dụ như ở một dự án thì vấn đề gì gây ách tắc trong giải ngân triển khai đầu tư là gì. Xác định từng dự án quan trọng, dự án nào không chạy được thì tại sao, cùng nhau tập trung xử lý vấn đề cho nó chạy, nó đi. Chứ không phải quyền anh, quyền tôi, trách nhiệm của ai, mà trách nhiệm của chúng ta. Làm lãnh đạo phải thế, vì dân, vì nước như thế.
"Chúng ta hãy vì lợi ích quốc gia là trên hết, chứ đừng xin quyền, xin lợi mà phải bảo vệ lợi ích nhân dân chứ không phải bảo vệ lợi ích của mình. Nhiều địa phương xin xây dựng đường cao tốc, nhưng tôi cho rằng người dân ở khu vực này cần những thứ khác hơn đường cao tốc".
Tôi xin nhấn mạnh vai trò của đầu tư công là rất quan trọng, không phải chỉ sau này mà đầu tư giải ngân được càng nhiều thì càng tốt. Bởi chúng ta có tiền để đầu tư là điều may mắn, nguồn vốn này cần được giải ngân nhanh chóng.
Trong năm 2021, ông thường nhắc rằng cơ hội là một điều xa xỉ. Vậy với 2022 thì sao?
Cơ hội và thách thức là hai cụm từ luôn luôn đan xen nhau, không bao giờ có thách thức mà không có cơ hội. Dịch bệnh là cơ hội rất tốt để chúng ta đẩy mạnh ngành công nghiệp thiết bị y tế, nghiên cứu vắc xin nhưng cuối cùng lại là đi làm giả. Điều này triệt tiêu những người làm thật, làm cho họ không thể phát triển lên được. Đó là điều đáng lo ngại.
Hơn nữa, điều tôi sợ nhất là chúng ta không dám làm gì, điều này sẽ kìm hãm sự sáng tạo, tự do của con người, kìm hãm toàn bộ xã hội. Đây mới là lý do khiến đất nước trì trệ, mới là điều lo lắng.
Trong năm 2021, tôi cũng thấy dù dịch COVID-19 nhưng nhiều doanh nghiêp tư nhân Việt Nam đã vượt khó. Ở các lĩnh vực như công nghệ, ngân hàng..., chúng ta cũng tìm được những doanh nghiệp tiềm năng.
Đất nước cần doanh nghiệp tư nhân lớn mạnh và phải có thể chế cho họ phát triển. Hay đối với đổi mới sáng tạo cũng vậy, Việt Nam cần phát triển và nâng cao hoạt động hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, lấy doanh nghiệp làm trung tâm.
Theo đó, Việt Nam cần khuyến khích bỏ vốn thiên thần và đầu tư mạo hiểm. Mọi tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước có quyền hỗ trợ vốn thiên thần cho những người khởi nghiệp tiềm năng, có quyền cấp vốn đầu tư mạo hiểm cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo một cách không hạn chế, không yêu cầu thực hiện bất kỳ một thủ tục hành chính nào.
Xin cảm ơn ông!
Lê Thúy thực hiện