Theo đó, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT yêu cầu tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý, nâng cao hiệu quả trong công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Kiểm soát chặt chẽ việc quy định các điều kiện đầu tư, kinh doanh, thủ tục hành chính, chế độ báo cáo, để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thích ứng linh hoạt, an toàn với dịch COVID-19.
Phấn đấu giải ngân hết 100% kế hoạch vốn đầu tư công |
Xây dựng, hoàn thiện Luật Đấu thầu, Luật Hợp tác xã, Luật sửa đổi, bổ sung một số luật về đầu tư, kinh doanh bảo đảm chất lượng, tiến độ đề ra tại Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 của Quốc hội. Kịp thời sửa đổi, ban hành các quy định phù hợp để thực hiện hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Đặc biệt, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT yêu cầu nâng cao chất lượng xây dựng kế hoạch, bảo đảm phù hợp với năng lực và khả năng thực hiện đối với các dự án của Bộ quản lý; khẩn trương, quyết liệt, hiệu quả trong chuẩn bị đầu tư, phân bổ vốn; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, phối hợp tháo gỡ vướng mắc, tăng cường hiệu quả tổ chức thực hiện theo nguyên tắc hậu kiểm, đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, phấn đấu giải ngân hết 100% kế hoạch vốn đầu tư công.
Hướng dẫn các bộ, cơ quan trung ương và địa phương phân bổ, quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công theo đúng quy định của Luật Đầu tư công, Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Nghiên cứu ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các giải pháp giải ngân vốn đầu tư công năm 2022, nhất là các dự án quan trọng quốc gia, chương trình mục tiêu quốc gia.
"Tăng cường kiểm tra, giám sát các dự án đầu tư sử dụng vốn ngân sách nhà nước bảo đảm đúng quy định, hiệu quả, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và tuân thủ đúng quy định của pháp luật", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng yêu cầu.
Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Đồng thời, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT cũng yêu cầu tập trung tháo gỡ vướng mắc, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Phát triển mạnh kinh tế tư nhân, tăng cường kết nối khu vực FDI với khu vực kinh tế trong nước.
Trước đó, Bộ KH&ĐT đã đề nghị các bộ, ngành, địa phương triển khai kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2022. Để thực hiện thành công mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, việc triển khai có hiệu quả kế hoạch đầu tư công năm 2022 có vai trò, ý nghĩa rất quan trọng, góp phần tạo năng lực sản xuất mới, thu hút đầu tư, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Theo báo cáo, đến 31/12/2021, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công của cả nước đạt 77,3% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (cùng kỳ năm 2020 đạt 82,66%); trong đó, vốn trong nước đạt 83,66% (cùng kỳ năm 2020 đạt 87,12%), vốn nước ngoài đạt 26,77% (cùng kỳ năm 2020 đạt 46,06%)
Thy Lê