![]() |
TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng. |
Số liệu thống kê của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), năm 2020 có 17 luật, 158 nghị định, 39 quyết định cùng 310 thông tư được các cấp có thẩm quyền ban hành. Số lượng các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành giảm so với trung bình các năm trước đó. Với các doanh nghiệp, điều này là tín hiệu rất khả quan về cải thiện, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng cho doanh nghiệp.
Dù vậy, các chuyên gia cho rằng, mục tiêu năm 2021 Việt Nam sẽ phát triển đột phá nhờ kinh tế số. Trong quá trình phát triển đó, vai trò của Nhà nước trong việc xây dựng và bảo đảm thực thi có hiệu quả các hành lang pháp lý cho kinh tế số là vô cùng quan trọng. Các quy định pháp luật hợp lý, khả thi và công bằng sẽ giúp tạo điều kiện cho kinh tế số phát triển nhanh, bền vững và lành mạnh.
Thời báo Kinh Doanh đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng về vấn đề này.
Ông đánh giá như thế nào về những thay đổi của pháp luật kinh doanh trong năm qua?
Trong năm 2020 và cả nhiệm kỳ 2016-2020 của Chính phủ thì số lượng văn bản quy phạm pháp luật được ban hành không nhiều. Tuy nhiên, số lượng thông tư vẫn nhiều, đặc biệt là số lượng văn bản chỉ đạo điều hành thì chưa được thống kê, nhưng theo tôi, vẫn còn nhiều. Hai loại văn bản này vẫn còn nhiều thì có thể vẫn báo hiệu về tình trạng xin – cho, thậm chí là sự chưa thay đổi lớn của việc cải cách thủ tục hành chính, thể chế pháp luật của nước ta.
Bên cạnh đó, chúng ta luôn nhấn mạnh đến việc tạo ra một môi trường kinh doanh tự do hơn, an toàn hơn bằng việc đưa ra một danh mục cấm đầu tư kinh doanh, bãi bỏ nhiều điều kiện kinh doanh. Tuy nhiên, sau đó, vẫn còn tình trạng ban hành thêm luật lại thêm điều kiện kinh doanh, ban hành thêm nghị định lại thêm điều kiện kinh doanh. Nghĩa là chúng ta vẫn còn tư duy quản lý theo nếp cũ, chưa phải là một cách tiếp cận xây dựng pháp luật theo cách mới.
Theo ông, hệ lụy của tình trạng này là như thế nào?
Nếu vẫn tiếp tục như thế thì khi chúng ta nhảy sang một lĩnh vực mới là chuyển đổi số, kinh tế số thì sẽ rất khó khăn. Bởi kinh tế số đòi hỏi một cách thức quản lý nhà nước mới, nếu không thay đổi thì khả năng chúng ta sẽ không thể tiếp tục cải cách, nâng cấp mức độ phát triển thị trường của nền kinh tế.
Hơn nữa, nếu không tích cực và quyết liệt thay đổi thể chế, tạo thuận lợi cho môi trường kinh doanh thì sau một vài năm nữa, hệ thống pháp luật của nước ta lại sẽ về như cũ. Do đó, các cơ quan quản lý, lãnh đạo Nhà nước phải tạo áp lực buộc các cơ quan Nhà nước phải thay đổi và tìm kiếm những cách thức quản lý nhà nước mới để thúc đẩy tự do hơn, an toàn hơn trong hoạt động kinh doanh.
Với những vấn đề nêu trên, ông mong muốn và kỳ vọng như thế nào vào sự thay đổi thể chế, pháp luật, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng?
Tôi cho rằng nhìn lại 5 năm qua có rất nhiều luật ban hành, nhưng không có một đạo Luật nào đặt ra hình mẫu, dấu ấn, một sự thay đổi để cho nhiệm kỳ sau bước lên và tạo ra một cải cách tốt hơn. Ví dụ như ở nhiệm kỳ trước, Luật đầu tư, Luật doanh nghiệp 2014 đã có một bước tiến là doanh nghiệp được kinh doanh tất cả những gì mà luật không cấm, nên đưa ra một danh mục là ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
Còn nhiệm kỳ này, 2 luật này chỉ chủ yếu được sửa đổi và bổ sung thêm. Tuy nhiên, điều đáng ghi nhận là nhiệm kỳ này của Chính phủ đã tạo được sự đột phá về cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, đã cắt giảm được rất nhiều, tiến tới cắt giảm 50% điều kiện kinh doanh, các thủ tục kiểm tra chuyên ngành.
Vì vậy, tôi cho rằng nhiệm kỳ tới, chúng ta vẫn phải tiếp tục kế thừa và phát triển những cải cách. Trong đó, cần nhấn mạnh tới việc cải cách, thay đổi Luật đất đai. Bởi Luật đất đai hiện nay đang làm bế tắc quá trình tích tụ tập trung vốn, chứa đựng rất nhiều mâu thuẫn xã hội và tạo ra sự không công bằng đối với người hướng dẫn. Cho nên, Luật đất đai phải sửa đổi để tạo ra đột phá trong cải cách thể chế sắp tới.
Sắp tới đây, Đại hội Đảng đã nhấn mạnh, đột phá trong cải cách thể chế là tập trung phát triển, hoàn thiện thể chế, phát triển các thị trường nhân tố sản xuất, nhất là thị trường quyền sử dụng đất, để các loại thị trường này đóng vai trò chủ yếu trong huy động phân bổ, sử dụng nguồn lực.
Nếu chúng ta làm tốt thì tôi tin chắc chắn rằng hiệu quả sử dụng nguồn lực sẽ được cải thiện rất nhiều. Vì thế, chúng ta có thể đạt tăng trưởng 8 - 9% mỗi năm là chuyện bình thường, không phải loanh quanh 5 - 6% như hiện nay.
- Xin cảm ơn ông!
Hoàng Hà